Doanh nghiệp địa ốc phía Nam ồ ạt Bắc tiến
 
Kể từ khi thị trường bất động sản TP.HCM tắc cung, nhiều chủ đầu tư lớn ở khu vực này đã hướng tới thị trường phía Bắc còn nhiều tiềm năng khai thác...

Tiến về Thủ đô

Từ thành công tại thị trường địa ốc TP.HCM, theo "vết dầu loang", dòng vốn đầu tư của Tập đoàn Hưng Thịnh đã chảy nhanh ra nhiều thị trường mới trong vài năm gần đây như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa… và bắt đầu hướng tới thị trường các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh, khu vực phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng là một thị trường tiềm năng với nhu cầu ở thực lớn cùng mặt bằng giá có dư địa tăng trưởng dài hạn so với TP.HCM. Chưa kể, Hà Nội còn có nhiều sản phẩm chất lượng cao như tại TP.HCM.

Một trong những "viên gạch" đầu tiên của Hưng Thịnh ở khu vực này là dự án Chung cư Lakeside Hưng Thịnh tại Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội. Dù hiện chưa có thông tin chính thức, nhưng từ tháng 5/2020 đã có “tin đồn” Hưng Thịnh sẽ triển khai một tổ hợp không gian sống với mô hình tích hợp dịch vụ - tiện ích hoàn toàn mới với quy mô 4 tòa nhà cao tầng cùng khối thấp tầng trên diện tích 6,4 ha.

Trước đó, vào cuối năm 2019, hàng loạt vụ chuyển nhượng dự án tại Hà Nội được cho là có liên quan đến Thảo Điền Investment (tên gọi mới là Masteries Group) được tiết lộ. Cụ thể, Masteries Group thông qua các công ty con và thành viên chi hàng ngàn tỷ đồng để thâu tóm nhiều dự án nằm trong khuôn viên 2 dự án của Vinhomes tại Tây Mỗ - Đại Mỗ và Gia Lâm, Long Biên.

Ngoài ra, tên tuổi của Thảo Điền Investment còn hiện diện tại dự án Premier Berriver 390 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội của Handico 9. Tại buổi lễ ký kết hợp tác phân phối chính thức dự án Premier Berriver với Đất Xanh Miền Bắc hồi tháng 10/2019, đại diện đơn vị phát triển dự án Masterise Group không giấu diếm thương vụ hợp tác với nhà phân phối này là “dấu mốc mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa hai bên, để cùng phát triển nhiều dự án tiếp theo”.

Dự án Splendora Bắc An Khánh của Phú Long đang tạo sức hút mạnh mẽ thời gian gần đây
Dự án Splendora Bắc An Khánh của Phú Long đang tạo sức hút mạnh mẽ thời gian gần đây

Cũng tại Hà Nội thì không thể không nhắc tới một “đại gia” khác đến từ TP.HCM là Địa ốc Phú Long với dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora Bắc An Khánh) trên trục đường Đại lộ Thăng Long, một trong những khu vực đang tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư thời gian gần đây, đặc biệt sau sự xuất hiện của Vinhomes Smart City Tây Mỗ.

Không trực tiếp đề cập đến việc sẽ triển khai theo hướng nào, nhưng sau khi vướng mắc với một nhóm nhà đầu tư sở hữu 50% được giải quyết, Phú Long cho biết sẽ thiết lập một khu đô thị đẳng cấp như đã từng triển khai với 2 “siêu” dự án tại TP.HCM là Dragon City tại quận 7 và Dragon Village tại quận 9 do đã có quyền tự quyết dự án.

Khi khoảng cách không còn là trở ngại

Ghi nhận của Savills Việt Nam trong báo cáo gần đây cho thấy, xu hướng mở rộng địa bàn hoạt động của nhiều doanh nghiệp bất động sản phía Nam xuất phát từ thực tiễn khu vực phía Bắc đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi.

"Vết dầu loang" sẽ không chỉ tới Hà Nội, mà còn bắt đầu lan tới những vùng lân cận. Chẳng hạn, tháng 9/2019, Phú Mỹ Hưng gây chú ý khi vay khoảng 75 triệu USD để phát triển khu đô thị tại tỉnh Hòa Bình sau khi hoàn tất thâu tóm hơn 99% cổ phần của CTCP Đầu tư San Nam Hòa Bình vào năm 2016. Dự án này có quy mô hơn 405,7 ha, ban đầu được quy hoạch xây dựng khu trồng, chế biến rau quả xuất khẩu theo công nghệ sạch, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.

Nhưng hiện tại, theo chia sẻ của nhà phát triển bất động sản này, Phú Mỹ Hưng dự kiến tạo dựng một resort tiêu chuẩn quốc tế cũng như khu nghỉ dưỡng thân thiện môi trường với mức giá hợp lý để thu hút khách du lịch đến với tỉnh Hòa Bình, bên cạnh việc đào tạo lao động và quảng bá nông sản địa phương.

Hay như trường hợp của Himlam Land, vào đầu năm 2019, chủ đầy tư này đã công bố ra thị trường dự án Khu đô thị Him Lam Green Park diện tích 26,8 ha tại TP. Bắc Ninh. Với tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng, dự án sẽ cung cấp 666 nhà phố liền kề, 22 biệt thự và 1.926 căn hộ ra thị trường.

Nhận xét về “gu” chọn nhà của người Bắc, ông Trần Công Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Him Lam cho biết, có sự khác biệt rõ ràng so với người Nam. Theo ông Lâm, với khách hàng miền Bắc, chất lượng không gian sống và các tiện ích xã hội kèm theo mới là điều được quan tâm hàng đầu, sau đó mới đến giá thành.

“Khách mua sản phẩm của Him Lam Green Park thời gian qua chủ yếu là các doanh nhân, hộ sản xuất lớn ở các làng nghề và chuyên gia có thu nhập cao tại các khu công nghiệp… nên hầu hết có nhu cầu ở thực. Đây đều là khách hàng có điều kiện kinh tế, lại quan niệm ‘mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời’, nên các sản phẩm nhà phố, biệt thự tại dự án bán khá chạy”, ông Lâm chia sẻ thêm.

Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Funi Bamboo miền Bắc cho biết, sự đảo chiều xu hướng từ "Nam tiến" thành "Bắc tiến" đã diễn ra trong vài năm trở lại đây, nhưng thực sự rõ nét kể từ khi thị trường TP.HCM tắc nguồn cung trong khoảng 1 năm qua. Lý do bởi chủ đầu tư nào càng nắm giữ được nhiều quỹ đất tốt vào thời điểm này thì càng có lợi thế sau này, khi thị trường hoàn toàn hồi phục.

Theo ông Hà, thị trường bất động sản miền Bắc hiện có nhiều dư địa tăng trưởng hơn so với miền Nam, đặc biệt là về giá. Điều này vừa tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho thị trường, vừa mang lại lợi ích cho khách hàng và nhà đầu tư khi những nhà phát triển địa phương sẽ phải đẩy mạnh việc nâng cấp chất lượng các sản phẩm của mình nếu không muốn thụt lùi so với các nhà phát triển tới từ phía Nam vốn có nhiều kinh nghiệm hơn trong vấn đề này.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, có 3 yếu tố chính khiến thị trường phía Bắc trở thành một thị trường tiềm năng: Một là quỹ đất sạch lớn, môi trường pháp lý ổn định; hai là, các chủ đầu tư TP.HCM mong muốn mang lại một làn gió mới, xu hướng phát triển mới cho thị trường Hà Nội; ba là, các chủ đầu tư phía Nam có đủ năng lực để kết hợp với các nhà đầu tư khác để tạo ra những sản phẩm vừa túi tiền, lại phù hợp với thị hiếu người dân miền Bắc, mà vẫn có thể đảm bảo được lợi nhuận kỳ vọng.

“Với những yếu tố trên, khu vực phía Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng, sẽ không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước, mà với cả các nhà đầu tư nước ngoài”, bà Hằng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Hằng cũng lưu ý rằng, các chủ đầu tư từ TP.HCM cần cân nhắc tới tâm lý khách hàng vì không dễ để hiểu tường tận về nhu cầu thị trường khu vực này.

“Tại TP.HCM, những dự án tại trung tâm thành phố có thể lên đến hơn 10.000 USD/m2. Tuy nhiên, ở Hà Nội, những dự án như vậy rất hiếm và khó bán. Thấu hiểu thị trường phía Bắc để đạt được thành công là một thử thách không nhỏ đối với các chủ đầu tư phía Nam, cho dù họ có nhiều kinh nghiệm trong phát triển bất động sản nhà ở”, bà Hằng nói.

Để khắc phục hạn chế này, theo đại diện Savills, nhiều chủ đầu tư đã đưa ra các cấu trúc giao dịch linh hoạt, đẩy mạnh ưu thế về tính sáng tạo trong phát triển dự án để khuyến khích cơ hội hợp tác với các chủ đầu tư tại Hà Nội. Đơn cử, trước đây, để có thể đầu tư vào thị trường Hà Nội, tỷ lệ đầu tư chiếm ưu thế được đặt ra là hơn 76%, nhưng hiện đã giảm về mức 51%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản