Tiền chực chờ chảy vào địa ốc
Theo giới chuyên môn, thị trường bất động sản trong ngắn hạn sẽ gặp khó khăn về thanh khoản khi Covid-19 bùng phát trở lại, nhưng có nhiều nền tảng để bùng nổ khi dịch bệnh được kiểm soát.
Dịch bệnh không ngăn cản được dòng vốn rẻ chảy vào địa ốc. Ảnh: Dũng Minh

Tăng cung để kích cầu

Ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty Phú Vinh và là một nhà tư vấn bất động sản lâu năm cho rằng, mặc dù đại dịch quay lại những ngày sát Tết Tân Sửu đã tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân và đang làm dấy lên nhiều quan ngại đối với nền kinh tế, song giá bất động sản sẽ khó có thể quay đầu giảm.

Theo ông Chánh, do Covid-19 đã từng diễn biến phức tạp trong năm 2020 nhưng giá bất động sản ở khu vực phía Nam vẫn trong xu hướng tăng, nên sự quay lại của Covid-19 chưa thể tác động đến giá bất động sản trong ngắn hạn 3 - 6 tháng. Tuy nhiên, tính thanh khoản (sức mua, lượng tiêu thụ) trên thị trường địa ốc có thể sẽ giảm trong quý I do tác động tâm lý.

“Diễn biến giá nhà đất trong trong thời gian tới vẫn khó lường vì còn phụ thuộc vào biến số của công tác phòng chống dịch bệnh, dù vậy kịch bản giảm giá trên diện rộng rất khó xảy ra trong trung hạn”, ông Chánh nói và cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến giá bất động sản khó giảm dù đợt dịch mới bùng lên từ đầu năm Tân Sửu. Thứ nhất, lãi suất tiền gửi đang được giữ ở mức thấp kỷ lục nên dòng tiền sẽ chảy sang các kênh tài sản hoặc đầu tư tài chính liên thông như bất động sản, chứng khoán, trong đó, bất động sản vẫn được xác định là một trong những kênh đầu tư an toàn.

Với góc nhìn lạc quan tương đồng, ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Asia New Time nhận định, dù hiện nay tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, song Việt Nam luôn chứng tỏ khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt và hàng triệu liều vắc-xin sẽ về Việt Nam ngay trong tháng 2/2021 này khiến áp lực dịch bệnh không còn nặng nề và chính trong lúc này, cơ hội lại đang mở ra, vấn đề của nhà đầu tư là cần xác định rõ khẩu vị chấp nhận rủi ro của mình trong lúc này.

“Trong các kênh đầu tư phổ biến như chứng khoán, vàng, bất động sản…, thực tế cho thấy các kênh đầu tư vàng, chứng khoán biến động hàng ngày, đòi hỏi nhà đầu tư phải thường xuyên theo dõi, nếu không sẽ gặp nhiều rủi ro, trong khi bất động sản là kênh đầu tư ổn định hơn. Vấn đề quan trọng nhất là tính toán xem nên đầu tư vào đầu trong bối cảnh thị trường đang có sự đan xen giữa cơ hội và thách thức”, ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động Asia New Time nói và cho rằng, trong bất cứ thị trường nào cũng đều tồn tại cơ hội và rủi ro nên cần xác định được khẩu vị rủi ro của từng người.

“Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, nguyên tắc mà các thành viên tham gia thị trường cần hướng đến là sản phẩm bất động sản phải đạt được hai yếu tố: an toàn trong hiện tại và tiềm năng thật sự trong tương lai. An toàn trong hiện tại nghĩa là sản phẩm đó phải được phát triển bởi các doanh nghiệp uy tín, có quy hoạch và pháp lý rõ ràng, còn tiềm năng trong tương lai chính là các yếu tố tác động như hạ tầng, tầm nhìn quy hoạch và chiến lược phát triển vùng”, ông Tiến khuyến cáo.

Nhìn nhận thị trường năm 2021, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản sẽ bùng nổ thanh khoản khi nhiều dự án mới được tung ra và nhu cầu nhà ở của người dân đô thị ngày càng cao. Ông Khương phân tích, hiện đang có xu hướng người dân chuyển trạng thái tích trữ từ vàng, ngoại tệ sang bất động sản, đặc biệt là đất nền và các sản phẩm nghỉ dưỡng để vừa tích lũy vừa phục vụ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống.

“Xu hướng trên thế giới cũng cho thấy điều này khi những biến cố lớn như dịch bệnh luôn kích hoạt nhu cầu gửi gắm dòng tiền nóng sang các tài sản ổn định hơn”, ông Khương nhận định và dẫn chứng rằng, trong năm 2020, mặc dù đã trải qua mấy đợt bùng phát dịch bệnh, nhưng thị trường bất động sản vẫn giữ vững sự phát triển, không có hiện tượng giảm giá trên diện rộng.

Đặc biệt, xuất hiện rất nhiều thương vụ M&A dự án, chuyển giao từ các doanh nghiệp yếu năng lực sang các nhà phát triển chuyên nghiệp cho thấy có một lượng lớn vốn đầu tư chờ chực cơ hội hấp dẫn và các thương vụ này cũng tạo nên nguồn cung lớn trong thời gian tới.

Nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu một dự án của Novaland tại Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn

Sản phẩm giá trị thật được ưu ái

Theo ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng giám đốc Danh Việt Group, trước đây, người tiêu dùng mua bất động sản chỉ là mua một chỗ ở, còn hiện nay, khách hàng tìm kiếm một nơi để hưởng thụ cuộc sống, mua những tiện ích, không gian, môi trường. Trước Covid-19, dòng tiền của người mua nhà có thể tính toán được, nhưng giờ thì khó hơn vì theo ông Hiển, không dễ để nắm bắt nhu cầu mới của khách hàng trong một sớm một chiều...

“Nhu cầu khách hàng thay đổi, dù muốn hay không, các nhà phát triển dự án bất động sản cũng phải thay đổi, nếu không muốn tụt lại phía sau”, ông Hiển lý giải và cho rằng, năm 2021 vẫn sẽ là một năm bất động sản thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, nhưng sẽ có lựa chọn khá khắt khe về sản phẩm theo hướng đầu tư an toàn, chứ không có chuyện đầu tư theo phong trào như trước đây.

Nhìn nhận bình diện thị trường nói chung, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, đúng là đang có những nút thắt trên thị trường, không chỉ từ yếu tố dịch bệnh mà còn cả những ách tắc về thủ tục, nhưng sự khó khăn của thị trường hiện nay hoàn toàn khác hẳn với cuộc khủng hoảng giai đoạn 2018 - 2013. Cuộc khủng hoảng trước đây là do sự đầu tư dàn trải, tình trạng đầu cơ ồ ạt không theo quy luật cung - cầu của thị trường và sự mất sự cân đổi trong đòn bẩy tài chính của các nhà đầu tư và cả các chủ đầu tư. Còn hiện nay, thị trường đang vận hành khá tốt theo quy luật cung - cầu, tình trạng đầu cơ thổi giá không phổ biến.

“Tôi cho rằng, những khó khăn hiện nay đều mang tính tạm thời, ngay cả việc các dự án bị ách tắc thủ tục cũng mang tính tình thế và trên thực tế các dự án bị đình trệ này không mang tính đại diện cho toàn thị trường”, ông Phúc nói và nhấn mạnh, chính trong sự khó khăn này, đôi khi lại hình thành nên những cơ hội mới, đó là cơ hội để các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp có cơ hội mua lại các dự án bê trễ do những chủ đầu tư thiếu tiềm lực, thay vì trước đó quỹ đất này bị “om” để đó.

Những ngày đầu năm mới 2021, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, phần lớn dự án được công bố đều tập trung ở các khu vực giáp ranh với TP.HCM và điều này cho thấy, thời gian tới, xu hướng dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào bất động sản các vùng phụ cận, nơi có hệ thống hạ tầng kết nối hoàn chỉnh, các dự án được phát triển bài bản, đáp ứng nhu cầu sử dụng thật.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản