Thị trường bất động sản đón vận hội mới
Trọng Tín - 02/01/2021 08:45
 
Năm 2021, thị trường bất động sản bước vào một chu kỳ phát triển mới mang nhiều vận hội mới, với chủ thể là lớp doanh nghiệp, chủ đầu tư dày dạn kinh nghiệm vượt qua những cơn sóng dữ.
Các Dự án có hạ tầng tốt, được khai thác, vận hành đồng bộ, xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường... sẽ tạo ra sức nóng trên thị trường địa ốc	Ảnh: Đức thanh
Các dự án có hạ tầng tốt, được khai thác, vận hành đồng bộ, xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường... sẽ tạo ra sức nóng trên thị trường địa ốc Ảnh: Đức thanh

Chủ động vượt sóng dữ

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp địa ốc đều bày tỏ, thị trường bất động sản đã trải qua năm 2020 với rất nhiều khó khăn, chủ yếu đến từ yếu tố khách quan. Điều đáng mừng là, thay vì ngồi đợi khó khăn đi qua, hoặc buông tay phó mặc số phận, hầu hết doanh nghiệp địa ốc đều đã nỗ lực, chủ động xoay xở để tồn tại, vượt khó, tìm ra hướng đi mới.

Đơn cử, Hưng Thịnh Land, một trong những doanh nghiệp địa ốc có mặt trên thị trường lâu năm, đã quyết định điều chỉnh kế hoạch và phương thức bán hàng từ khi Covid-19 bùng phát.

Ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch phát triển hàng chục dự án, nhưng dịch bệnh xuất hiện, nên buộc phải cân nhắc về thời gian và tiến độ thực hiện. Riêng trong năm 2020, Hưng Thịnh Land có 5 dự án và bán ra khoảng 5.000 sản phẩm. Bên cạnh đó, về chính sách thanh toán, chúng tôi chia thành nhiều gói thanh toán khác nhau để khách hàng có đủ khả năng đầu tư và sở hữu bất động sản”, ông Nhiên nói.

Cần phải nói thêm, Hưng Thịnh Land là doanh nghiệp luôn năng động tìm hướng đi mới mỗi khi gặp khó. Khi TP.HCM chủ trương siết cấp phép các dự án mới, doanh nghiệp này là một trong những đơn vị tiên phong hướng đến các thị trường vùng ven, ngoài trung tâm, đang phát triển kinh tế và đông dân cư.

Công ty cổ phần Gamuda Land (TP.HCM) cũng là một đơn vị phát triển bất động sản hướng đến những dự án gần trung tâm với quy mô lớn. Ông Angus Liew, Tổng giám đốc Gamuda Land cho biết, mặc dù đã hoàn tất thủ tục pháp lý dự án trong năm 2020, song kế hoạch phát triển của doanh nghiệp cũng ít nhiều chịu sự tác động của Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Gamuda chủ động hỗ trợ khách hàng kết nối, tương tác trực tuyến với sản phẩm mà không cần phải đến trực tiếp. “Trong thời điểm cách ly, cư dân của Gamuda gần như có đầy đủ dịch vụ trong dự án mà không phải ra ngoài. Đây là nguyên tắc xuyên suốt của chúng tôi trong phát triển đô thị”, ông Angus Liew chia sẻ.

Nhìn nhận 2020 là một năm đầy thách thức với thị trường bất động sản, song ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi vẫn đánh giá, về tổng thể, thị trường không đi theo chiều hướng xấu, bởi nhu cầu thị trường vẫn rất lớn. Theo đó, vấn đề của các doanh nghiệp là tìm cách duy trì hoạt động, từng bước vượt qua khó khăn và chủ động nắm bắt những cơ hội mới.

“Chúng tôi xác định, mục tiêu của Tập đoàn Danh Khôi là phát triển dài hạn. Trong khó khăn bao giờ cũng sẽ có cơ hội, do vậy, từ đầu năm 2020 đến nay, dù thị trường có nhiều khó khăn, nhưng Danh Khôi vẫn âm thầm mua lại khá nhiều dự án tốt và đầu tư chỉn chu”, ông Bảo tự tin.

Khủng hoảng đã mở ra cuộc cạnh tranh và thiết lập các thương hiệu mới trên thị trường. Cuộc cạnh tranh này dự báo sẽ gay gắt, khốc liệt hơn trong năm 2021 và nó không dành cho tất cả. Sự tham gia đa dạng từ các chủ đầu tư lớn cho tới các start-up sẽ làm cho bức tranh cực kỳ sôi động trong những năm tới.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam

Sở dĩ ông Bảo có thể tự tin như vậy là bởi, hầu hết dự án mà Danh Khôi mua lại hầu đều sở hữu vị trí “vàng”, nếu đầu tư bài bản, thì ngay cả khi thị trường khó khăn nhất, sản phẩm đều sẽ được tiêu thụ nhanh chóng.

Có thể thấy, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020, nhưng các doanh nghiệp địa ốc không bị sốc về tâm lý, thậm chí, càng trải qua biến cố, doanh nghiệp càng có thêm nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh, chuẩn bị kỹ càng hơn cho kế hoạch phát triển dài hạn.

Bước vào quỹ đạo tăng trưởng

“Nếu ví thị trường bất động sản là một khu rừng, thì bản thân mỗi doanh nghiệp như một cái cây. Những loại cây khác nhau sẽ có sức đề kháng, chống chọi với thời tiết khác nhau. Song, nếu cây mới mọc lên mà gặp phải vùng đất quá khô cằn hay giông bão, thì tất yếu khó trụ nổi. Chỉ có những cây có sức sống mãnh liệt, cổ thụ thì mới tồn tại, nhưng sẽ không nhiều”, ông Nguyễn Quốc Bảo nói về quy luật thị trường một cách hình ảnh.

Nhìn nhận một cách khách quan, trong bối cảnh khó khăn chung, thì sẽ không tránh khỏi tác động nhất định, song với những doanh nghiệp địa ốc có tiềm lực tài chính, chuyên nghiệp và nhiều kinh nghiệm, thì chướng ngại vật chỉ là khó khăn trong ngắn hạn, thậm chí, đây còn là khoảng thời gian để các doanh nghiệp chậm lại, “dưỡng sức”, chuẩn bị kế hoạch đường dài.

Những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, một trong những lực đẩy quan trọng để các thành viên trên thị trường có thêm niềm tin là hàng hoạt quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư sẽ được thực thi và những thông tư, nghị định có liên quan sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng “cởi trói”.

Một số giải pháp, cơ chế, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản đã và sắp có hiệu lực và phát huy tác dụng trong năm 2020 như Nghị định số 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất; Nghị định số 91/2019-NĐ-CP với nhiều điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; chính sách miễn, hoãn, giãn thuế và tiền sử dụng đất…

Mới đây nhất, Nghị định số 148/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 8/2/2021, đưa ra giải pháp, điều kiện cho phép các dự án có đất công xen kẹt được triển khai sau một thời gian dài vướng pháp lý. Giới chuyên môn cho rằng, một khi các vướng mắc dần được tháo gỡ, dự báo từ năm 2021 trở đi, nguồn cung dự án sẽ gia tăng nhanh chóng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, pháp lý là lực đẩy quan trọng của thị trường bất động sản năm 2021. “Khi nhiều dự án sửa đổi luật hoàn thiện, các vướng mắc về chính sách pháp luật kìm hãm sự phát triển của một vài sản phẩm hay phân khúc sẽ được tháo gỡ”, ông Châu nói.

Một cách tổng thể, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Bộ phận Tư vấn đầu tư (Savills Hà Nội) đánh giá, với việc kiểm soát hiệu quả Covid-19 và đà phục hồi của nền kinh tế, thị trường bất động sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ hồi phục và dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này dự báo sẽ tăng dần trở lại.

Điều này hoàn toàn có cơ sở, với các yếu tố như: chủ trương của Chính phủ tiếp tục khuyến khích nâng cấp các khu công nghiệp; có thể thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương...

“Trong thời gian tới, khi các chỉ tiêu vĩ mô được đảm bảo, pháp lý được hoàn thiện, dịch bệnh được kiểm soát, thị trường bất động sản sẽ phát triển tốt hơn năm 2020, thậm chí có khả năng nở rộ ở một vài phân khúc và khu vực nhất định. Theo đó, thị trường sẽ tiếp tục chào đón những siêu dự án mới được đầu tư dưới dạng các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí với hạ tầng tốt, được khai thác, vận hành đồng bộ, xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường. Đây sẽ là những dự án hứa hẹn tạo ra sức nóng và sự dẫn dắt trên thị trường”, bà Minh nhận định.

Cùng đưa ra những kỳ vọng về thị trường năm 2021, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group nhấn mạnh, khi những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải đã có hướng giải quyết, khi kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và thu nhập của người dân tăng lên, thì thị trường bất động sản sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Vì vậy, doanh nghiệp địa ốc có quyền kỳ vọng vào sự phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

“Dưới góc nhìn tích cực nhưng thận trọng, chúng tôi cho rằng, năm 2021 vẫn là năm của sự chủ động và linh hoạt thích ứng, với một tầm nhìn dài hạn và chuyên tâm hơn trong việc phát triển các sản phẩm của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản”, ông Phúc dự báo. Đồng thời, Tổng giám đốc Phú Đông Group khuyến nghị, các doanh nghiệp địa ốc có thể tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu và thay đổi chiến lược đầu tư, hướng tới phân khúc bất động sản có tiềm năng lớn như bất động sản công nghiệp hay nhà ở giá bình dân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản