Doanh nghiệp địa ốc phía Nam “đánh bắt xa bờ”
Việt Dũng - 02/11/2020 10:51
 
Tình trạng quỹ đất tại thành phố khan hiếm, giá không ngừng tăng, thủ tục pháp lý kéo dài, hạ tầng quá tải khiến nhiều doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư về các vùng đất mới để tìm cơ hội.
Tây Nguyên đang là điểm nóng bất động sản khi đón nhận nhiều Dự án mới từ các doanh nghiệp lớn trong ngành. Trong ảnh: Dự án FLC Hilltop Gia Lai. Ảnh: Việt Dũng
Tây Nguyên đang là điểm nóng bất động sản khi đón nhận nhiều dự án mới từ các doanh nghiệp lớn trong ngành. Trong ảnh: Dự án FLC Hilltop Gia Lai. Ảnh: Việt Dũng

Cuộc dịch chuyển của những “ông lớn”

Nếu cách đây 10 năm, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ được biết đến với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, những cù lao bạt ngàn cây trái trên sông Tiền, sông Hậu, quê hương của những mặt hàng thủy sản xuất khẩu, thì nay, nơi đây lại được biết đến là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp bất động sản.

Tại Kiên Giang, Tập đoàn CEO Group đã chi hơn 2.600 tỷ đồng để đầu tư Dự án Khu đô thị biển Sonasea Kien Giang City ở TP. Rạch Giá, với quy mô 83,5 ha. Mục tiêu của Dự án là hình thành một khu đô thị thông minh, kết hợp với các khu phức hợp văn phòng, khu thương mại, nghỉ dưỡng, giải trí tiêu chuẩn quốc tế…

Hay tại Hậu Giang, sau khi phát triển thành công các dự án tại Long An và Bình Phước, Tập đoàn Cát Tường đã chọn tỉnh này để đầu tư Dự án Western Pearl, với quy mô gần 80 ha và vốn đầu tư khoảng 85 triệu USD.

Tương tự, hàng loạt “ông lớn” trong ngành bất động sản như Vingroup, KITA Group, FLC, Novaland... đã tiến quân và đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn, góp phần tạo nên sự sôi động cho thị trường bất động sản Cần Thơ. Trong đó, đáng chú ý là Khu đô thị sân bay Stella Mega City của KITA Group có quy mô 150 ha, với nhiều phân khu chức năng như nhà ở, thương mại, giải trí và đa dạng loại hình bất động sản có diện tích từ 80 - 170 m2.

Với lợi thế về kinh tế, du lịch, văn hoá cộng thêm quỹ đất còn dồi dào, khả năng sinh lời cao, các tỉnh Tây Nguyên cũng đang thu hút nhiều doanh nghiệp và giới đầu tư bất động sản tìm về. Cụ thể, Tập đoàn FLC và Asian Holding đã “bắt tay nhau” đầu tư phát triển Dự án tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại có tên FLC Hilltop Gia Lai. Dự án tọa lạc ngay trung tâm TP. Pleiku, với quy mô hơn 30.000 m2, được quy hoạch 1 tòa khách sạn và trung tâm hội nghị 5 sao, 90 căn shophouse cùng với nhiều tiện ích nội khu các cấp.

Ở phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum đang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của các doanh nghiệp nhờ chủ trương tích cực tạo quỹ đất sạch của UBND tỉnh và chính sách đầu tư cho hạ tầng đô thị, mở rộng không gian thành phố. Đến nay, Kon Tum đã thu hút nhiều dự án bất động sản cao cấp.

Kỳ vọng tăng trưởng tại “vùng đất mới”

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về cuộc “đánh bắt xa bờ” của Công ty, ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding cho biết, nếu quan sát trên thị trường thì không khó để nhận ra những vùng đất từng là điểm nóng như Đà Nẵng, Nha Trang, hay ngay cả TP.HCM… đang gặp khó khăn về tính thanh khoản và phát triển dự án mới do tình trạng quỹ đất khan hiếm, giá không ngừng tăng, thủ tục pháp lý kéo dài, hạ tầng quá tải trầm trọng.

Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên sở hữu nhiều lợi thế như khí hậu mát mẻ, tiềm năng phát triển du lịch lớn, mặt bằng giá đất còn thấp… Đặc biệt, các “ông lớn” trong ngành như Vingroup, FLC, Sun Group và nhiều chủ đầu tư khác cũng đã chọn nơi đây để đầu tư.

“Đây là những lý do khiến tôi quyết định lựa chọn nơi đây để đầu tư”, ông Hậu nói và cho biết, mới đây, Asian Holding đã chính thức khai trương Trung tâm giao dịch bất động sản tại Gia Lai, để tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin về dự án của mình.

“Ngày 8/11 tới đây, Công ty sẽ tiến hành mở bán 48 căn shophouse tại Dự án FLC Hilltop Gia Lai, nhưng hiện tại, số lượng khách hàng có nhu cầu mua đã lên tới hơn 200 người. Điều này cho thấy, Dự án đang thu hút được sự quan tâm rất lớn của đông đảo giới đầu tư và người dân”, CEO Asian Holding nói.

Một điều mà nhà đầu tư cần phải để ý là nên cẩn trọng với những Dự án phân lô, bán nền có quy mô nhỏ. Thậm chí, có những Dự án quy mô chưa tới 1 ha, nhưng cũng được quảng cáo là khu đô thị, có nhiều tiện ích như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại..., nhưng thực tế lại không có.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia bất động sản cá nhân, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, ông Phan Công Chánh cho rằng, việc nhiều đơn vị môi giới và nhà phát triển bất động sản có trụ sở tại TP.HCM đang đổ xô chào bán bất động sản tỉnh lẻ là do thị trường TP.HCM thiếu hụt sản phẩm mới.

Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản lớn đều có kế hoạch “đánh bắt xa bờ” để nuôi quân, mục tiêu vượt khó được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, việc môi giới nhà đất cùng nhiều nhà phát triển bất động sản dịch chuyển sang các thị trường mới là phản ứng bình thường.

Đưa ra lời khuyên với các nhà đầu tư khi đổ tiền vào nhà đất tại các tỉnh lẻ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, nhà đầu tư phải lựa chọn nơi có vị trí gần các khu dân cư đông đúc, giao thông thuận tiện, bởi điều quyết định đến giá trị của bất động sản chính là vị trí. Hơn nữa, nhà đầu tư nên xem xét kỹ lưỡng về giấy phép, quy hoạch của dự án, chỉ nên chọn các dự án có sổ riêng từng nền để hạn chế được rủi ro phát sinh.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, cũng cần chọn lựa chủ đầu tư uy tín, từng phát triển thành công các dự án lớn, đảm bảo có thể xây dựng các hạng mục hạ tầng, tiện ích đúng như cam kết. Cuối cùng, nhà đầu tư nên đầu tư phần lớn bằng nguồn vốn của bản thân, hạn chế vay ngân hàng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản