Cuộc sàng lọc khắc nghiệt nhất với đội ngũ môi giới địa ốc
Hơn 800/1.000 sàn môi giới đóng cửa và tạm ngừng hoạt động cho thấy cuộc sàng lọc lớn trong ngành môi giới địa ốc.

Tuy nhiên, khó khăn này cũng là cơ hội để nâng tầm nghề môi giới, xứng đáng với vai trò cầu nối quan trọng của thị trường bất động sản.

Cuộc sàng lọc cần thiết

Giai đoạn thị trường bất động sản bùng nổ vài năm qua đã kéo theo một lượng nhân sự cực lớn tham gia vào lĩnh vực môi giới địa ốc cả chuyên và không chuyên. Nhóm doanh nghiệp bất động sản luôn chiếm Top 3 những ngành có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất và hầu hết trong số này đều là các công ty môi giới nhỏ.

Môi giới bất động sản là cầu nối giữa chủ đầu tư và khách hàng
Môi giới bất động sản là cầu nối giữa chủ đầu tư và khách hàng

Sự sôi động của thị trường do hàng trăm ngàn môi giới tham gia kết nối cung - cầu là có, nhưng hệ lụy cũng bắt đầu xảy ra khi “vườn rau” càng ngày càng nhiều “sâu”. Địa ốc Alibaba, Angel Lina, Hoàng Kim Land... là những vụ điển hình của tình trạng "sâu" lọt trong những "vườn rau" môi giới. Vì lợi ích cá nhân, bất chấp quy định pháp luật, những môi giới bất động sản thiếu chuyên nghiệp này làm loạn thị trường, gây thiệt hại cho người mua, nhà đầu tư và qua đó khiến môi giới bất động sản bị đánh đồng là "cò đất".

Đại dịch Covid-19 xảy ra đã làm tổn hại rất nghiêm trọng tới sức khỏe và nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, xét một khía cạnh nào đó, nó cũng giúp thị trường bất động sản, nhất là trong lĩnh vực môi giới có được cuộc sàng lọc tự nhiên cần thiết để làm trong sạch thị trường, giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn khi đại dịch đi qua.

Cụ thể, theo con số thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2020, cả nước đã có tới 800 sàn môi giới đóng cửa, dừng hoạt động. Còn số này còn tăng thêm trong tháng 4, tháng thực hiện lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.

Anh Toàn, lãnh đạo một công ty môi giới tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay không có dự án mới nào triển khai, vì vậy sàn không có hàng để mà bán. Phần lớn lượng hàng bán ra là do các dự án cũ, các nhà đầu tư thứ cấp gửi bán lại, nhưng khách hàng không mấy quan tâm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, sàn phải hoạt động cầm chừng, không có nguồn thu để nuôi quân.

Tương tự, theo chia sẻ của một nữ nhân viên sales tên Hạnh, mấy tháng nay, công ty nơi cô làm việc giao dịch rất ít, dự án mới thì gần như không có. Vì muốn giữ chân những nhân viên lâu năm, có nghề, sếp đã tự bỏ tiền túi ra để chi trả lương cho nhân viên. Tuy nhiên, nếu trong một vài tháng nữa, tình hình này không được cải thiện, thì nhiều khả năng cô cũng phải tìm việc khác để làm.

Đánh giá về khó khăn của ngành môi giới thời gian qua, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch Maxland cho biết, khó khăn này không chỉ do tác động của dịch Covid-19, mà còn là hệ quả của một giai đoạn phát triển nóng, thiếu kiểm soát của thị trường trước đó. Khó khăn này đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2019 khi nguồn cung sụt giảm, lượng hàng mới ít, khiến nhiều sàn không có hàng để bán.

“‘Lửa thử vàng, gian nan thử sức’, câu nói này có lẽ đúng với tất cả các doanh nghiệp môi giới bất động sản hiện tại. Các sàn phân phối hay chính môi giới sẽ phải thích nghi bối cảnh ‘bình thường mới’ khi khách hàng khắt khe hơn, cẩn trọng hơn và sẽ chủ động sàng lọc thông tin rõ ràng hơn", ông Diễn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land cho biết, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, đối với doanh nghiệp môi giới, việc tìm ra nguồn cung thay thế là vô cùng quan trọng. Đây chính là giai đoạn mà thị trường sẽ thanh lọc và lựa chọn ra những sàn địa ốc có mô hình và sản phẩm có tính thực dụng, khả năng thích ứng cao. Những doanh nghiệp được quản lý chặt chẽ, chuyên nghiệp, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực bài bản, chất lượng và đặc biệt là phải có tâm với nghề sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ khi thị trường ổn định trở lại.

Trang bị kiến thức về thị trường, sản phẩm để tư vấn tỉ mỉ, rõ ràng cho khách hàng giúp nâng tầm nhân viên môi giới
Trang bị kiến thức về thị trường, sản phẩm để tư vấn tỉ mỉ, rõ ràng cho khách hàng giúp nâng tầm nhân viên môi giới

Cấp thiết phải nâng cao chất lượng

Tại các nước phát triển, nghề môi giới bất động sản đóng vai trò rất quan trọng và không thể thiếu để hình thành một thị trường bất động sản lành mạnh. Còn số gần 1 triệu thành viên trực thuộc Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ (NAR) cũng đủ nói lên sức mạnh và vai trò của chuyên viên môi giới bất động sản tại thị trường này.

Ngành môi giới bất động sản Việt Nam những năm qua đã có những bước phát triển mới theo sự phát triển chung của thị trường. Tuy nhiên, vai trò của các môi giới vẫn chưa được thể hiện rõ trong việc tư vấn cho khách hàng, cũng như có tác động với các chủ đầu tư để định hướng các sản phẩm tốt hơn, sát hơn với nhu cầu thị trường.

Ông Giáp Văn Kiểm, Tổng giám đốc AVLand cho biết, trong suốt một thời gian dài, người hành nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam hoạt động rất thụ động, khi có dự án là lao vào nhận làm đại lý mà chưa đánh giá đúng mức về dự án. Trong khi đó, thực tế, một dự án thành công thì ngay từ những khâu đầu tiên đã cần có sự tư vấn của các môi giới để đưa ra những sản phẩm tốt nhất, pháp lý đầy đủ nhất, sát với nhu cầu thực nhất. Từ đó, mới tạo ra thanh khoản dự án, đồng thời cũng giúp tránh những tranh chấp về sau khi dự án có vấn đề và ảnh hưởng quyền lợi của khách hàng.

Đồng quan điểm, ông Diễn cho rằng, đa số những người hành nghề môi giới thường phụ thuộc vào sàn hoặc các chủ đầu tư, có gì bán nấy. Sản phẩm mà chuyên viên môi giới đang bán không phải do chính họ tự khai thác được, mà hầu hết là do các chủ đầu tư hoặc ông chủ công ty phân phối đi quan hệ đem về. Thậm chí, họ còn không quan tâm đến sản phẩm đó có phù hợp với thị trường hay không, giá cả ra sao, giá trị cốt lõi là gì và có phù hợp với họ hay không… Chính những yếu tố trên đã triệt tiêu tất cả sự sáng tạo của người hành nghề môi giới.

Theo ông Diễn, một chuyên viên môi giới bất động sản chuyên nghiệp là người phải biết hoạt động độc lập, tuân thủ theo một quy trình phức tạp và có nghề. Từ khai thác sản phẩm đến, đem sản phẩm tới tay khách hàng là cả một quá trình chuẩn bị khoa học, sáng tạo của người làm nghề môi giới bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, sau dịch, khi thị trường phục hồi sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở chất lượng hoạt động môi giới. Do đó, doanh nghiệp phân phối nào có thể vượt qua được ở giai đoạn này, thì cần nhanh chóng nâng cao chất lượng nhân sự, thông qua các hoạt động đào tạo nội bộ, tham gia thi và lấy chứng chỉ cho người lao động…

“Với nhóm dịch vụ, bán hàng, đây là nhóm rất quan trọng. Môi giới là nhà trung gian, góp phần tạo ra thị trường, do đó, lực lượng phải tinh nhuệ. Lúc này cần ổn định lại cơ cấu, bộ máy, tinh nhuệ hơn về kỹ năng, công nghệ hóa để hoạt động hiệu quả nhất”, ông Đính nói và nhấn mạnh, không chỉ nâng cao chất lượng nhân sự, việc ứng dụng công nghệ hiện cũng được coi là một yếu tố quan trọng để chinh phục khách hàng.

Nhân dịp ngày truyền thống của nghề môi giới bất động sản Việt Nam (29/6), ngày 27/6, tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng Quốc gia, số 01 Đỗ Đức Dục, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức “Ngày hội môi giới bất động sản Việt Nam” lần thứ 5.

Sự kiện năm nay có sự hiện diện của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng, các chuyên gia trong nước, quốc tế… và hàng trăm doanh nghiệp đầu tư, kinh doach dịch vụ bất động sản, cộng động các nhà môi giới bất động sản trên cả nước.

Sự kiện vừa là dịp để tôn vinh và phát triển mạnh mẽ nghề môi giới bất động sản ở Việt Nam, vừa là dịp để tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như tạo cơ hội để giới thiệu các dự án bất động sản, sản phẩm bất động sản đến hàng trăm sàn giao dịch bất động sản uy tín và hàng vạn nhà môi giới bất động sản; là dịp để các nhà phát triển dự án, các nhà môi giới bất động sản, các nhà phân phối bất động sản giao lưu, gặp gỡ, mở rộng các mối quan hệ, kết nối giữa các nhà môi giới bất động sản với các chủ đầu tư và khách hàng trên toàn quốc. Qua đó, góp phần phục hồi và thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định, bền vững sau dịch bệnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản