Vicem chờ duyệt phương án chuyển nhượng 3 khu “đất vàng”
Thế Hoàng - 22/08/2020 10:17
 
Đại diện Vicem thừa nhận, tiến trình cổ phần hóa chậm vì Vicem phải tập trung xử lý một số tồn tại liên quan đến phương án sắp xếp lại các dự án nhà đất.
Lô đất 10E6 - Phạm Hùng (công trình xây dựng dở dang) đang được Vicem đề nghị phương án xử lý. Ảnh: Đức Thanh
Lô đất 10E6 - Phạm Hùng (công trình xây dựng dở dang) đang được Vicem đề nghị phương án xử lý. Ảnh: Đức Thanh

Vicem muốn bán “đất vàng

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) nằm trong danh sách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành cổ phần hóa trước năm 2021.

doanh nghiệp 100% sở hữu của Nhà nước, do Bộ Xây dựng làm đại diện thực hiện cổ phần hoá, theo quy định, Vicem phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước mà doanh nghiệp này đang quản lý, sử dụng.

Thời gian qua, Vicem đề xuất phương án xử lý đối với 3 cơ sở nhà đất tại Lô đất 10E6 - Phạm Hùng; Dự án Khu tổng hợp tại ngõ 122 - Vĩnh Tuy và Dự án thuộc Khu công nghiệp Đông Hồi (Nghệ An). Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, các phương án do Vicem đề xuất đang trong quá trình xem xét của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Giải trình đề xuất xử lý 3 khu “đất vàng”, ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vicem cho biết: “Trong quá trình thực hiện các đề án về cổ phần hóa và tái cấu trúc toàn diện Vicem, chúng tôi phải giữ ngành nghề kinh doanh chính, không tham gia thêm ngành nghề nào khác, đồng thời thoái vốn và cấu trúc lại những doanh nghiệp không tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất, như bao bì, vận tải, thương mại”.

Trước đây, ngành xi măng có hình thành các công ty thương mại, vận tải…, nhưng bây giờ, những việc này, xã hội làm tốt hơn, nên Vicem đã đề nghị với Bộ Xây dựng không giữ các công ty này, mà sẽ thực hiện bán vốn theo quy định của pháp luật, lấy sản xuất xi măng làm ngành nghề cốt lõi.

Ngoài ra, với các dự án bất động sản, sau nhiều tính toán, cân nhắc, Vicem cũng đã đề nghị với Bộ Xây dựng phương án chuyển nhượng cụ thể với từng dự án.

Trước tiên, với Dự án Tòa nhà 10E6 - Phạm Hùng thuộc Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, vốn đầu tư ban đầu là 2.700 tỷ đồng, năm 2016, Vicem đã báo cáo Bộ Xây dựng về đề xuất bán tài sản này, bởi vì không thuộc ngành nghề chính.

Với Dự án Nhà máy Kết cấu bê tông - Vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi (Nghệ An), Vicem đã trình Bộ Xây dựng đề nghị điều chỉnh khu đất này sang hình thức "chuyển nhượng dự án cho Vicem Hoàng Mai" .

Thực hiện tái cấu trúc và cổ phần hóa doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất hiện nay của Vicem là việc bàn giao tài sản, đất đai, sắp xếp lại theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP.

Ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vicem

Giải thích đề nghị trên, đại diện Vicem cho biết, trước đây, Vicem định đầu tư làm gạch không nung, nhưng đến năm 2014, thị trường vật liệu không nung gặp nhiều khó khăn, nên Vicem đã tạm dừng đầu tư. Sau đó, Vicem đề nghị sắp xếp và chuyển nhượng diện tích đất này và người mong muốn mua chính là Vicem Hoàng Mai để đầu tư dây chuyền 2 và trạm nghiền xi măng.

Riêng với Dự án Khu tổng hợp Vĩnh Tuy tại ngõ 122 - Vĩnh Tuy, Vicem đề xuất tiếp tục quản lý sử dụng, nhưng điều chỉnh từ sử dụng đất để triển khai dự án sang đáp ứng hoạt động sản xuất - kinh doanh, không tiếp tục đầu tư như phương án ban đầu là xây dựng một trung tâm thực nghiệm tầm cỡ của ngành.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc thực hiện sắp xếp, xử lý đối với các cơ sở nhà đất do Vicem quản lý, sử dụng trước khi lập phương án cổ phần hóa là đúng trình tự, thủ tục quy định. Phương án đề xuất của Vicem đối với 3 cơ sở nói trên là dựa trên tình hình thực tế của Vicem và chủ trương của Chính phủ.

“Tuy nhiên, phương án này đang trong quá trình xem xét của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, Bộ Xây dựng cho biết.

Phải bảo toàn vốn

Đề nghị chuyển nhượng dự án đầu tư dở dang, theo ông Minh, là điều cần phải làm sau khi có chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong quá trình đó, Vicem sắp xếp lại tài sản, sắp xếp lại các khoản đầu tư, nhưng nhận thấy, không thể làm tiếp vì không hiệu quả, nên không đưa vào danh mục đầu tư. “Nếu thấy không hiệu quả mà vẫn làm thì sẽ có tội, sau này sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Tất nhiên, việc bán tài sản thì đích cuối cùng vẫn phải thu hồi và bảo toàn được vốn”, ông Minh cho biết.

Điều này cũng được Bộ Xây dựng khẳng định, với đất ở hai dự án mà Vicem muốn thay đổi hình thức xử lý, doanh nghiệp có trách nhiệm không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Thực tế, đến thời điểm này, Vicem vẫn gặp khó khăn trong sắp xếp, xử lý các lô đất trên, bởi từ lúc có chủ trương cho chuyển nhượng đến nay đã 4 năm mà vẫn chưa xong thủ tục.

Vicem là một trong hàng loạt doanh nghiệp đang rất ì ạch trong thực hiện cổ phần hóa. Chính phủ đặt mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020 phải cổ phần hóa, thoái vốn 128 doanh nghiệp nhà nước tại các bộ, ngành… Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đến tháng 7/2020, mới có 37 doanh nghiệp hoàn tất thực hiện cổ phần hóa.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cổ phần hóa chậm là một số tập đoàn, doanh nghiệp sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố, nên việc xử lý, phê duyệt phương án sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.

Trong khi đó, với yêu cầu hoàn thành cổ phần hóa trước năm 2021, Vicem chỉ còn hơn 4 tháng để thực hiện theo kế hoạch được Thủ tướng giao. Hiện tại, Vicem tập trung làm việc với các bộ, ngành và địa phương để thực hiện sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất theo quy định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản