Thấp thỏm với thang máy chung cư
Là trục giao thông gần như độc đạo ở các tòa nhà cao tầng, nhưng tại nhiều tòa nhà, mỗi khi bước chân vào thang máy là cư dân lại thấp thỏm lo âu.
Việc bảo trì thang máy phải diễn ra đúng quy định và thường xuyên. Ảnh: Shutterstock
Việc bảo trì thang máy phải diễn ra đúng quy định và thường xuyên. Ảnh: Shutterstock

Lơ lửng tính mạng cư dân

Yêu cầu về quản lý và sử dụng thang máy đã được quy định tại Phụ lục A, TCVN 6395:1998 và Điều 3, TCVN 5744:1993. Theo đó, thời hạn bảo trì định kỳ thang máy là không quá 2 tháng/lần. Công việc bảo trì phải do một đơn vị có chuyên môn thực hiện, có giấy phép Nhà nước và được nhà sản xuất ủy quyền.

Quy định là vậy, nhưng thực tế không phải đơn vị nào cũng tuân thủ. Đơn cử, mới đây, các cư dân tại Chung cư Athena Complex (Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Phát triển đô thị và Xây dựng 379 làm chủ đầu tư, đã có một phen hú vía khi thang máy tòa nhà rơi tự do.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chị B, cư dân khu A tòa nhà cho biết, cư dân thất vọng nhiều vấn đề về vận hành, bảo dưỡng, dịch vụ, cũng như việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý căn hộ của chủ đầu tư tại chung cư này, nhất là vấn đề thang máy.

“Đầu tháng 7 vừa qua không phải là lần đầu tiên chúng tôi gặp cảnh thang máy bị lỗi, trước đó, khoảng cuối tháng 6, cư dân cũng gặp cảnh thang máy khu B rơi tự do từ tầng 4 xuống tầng 1, các thang B1 đến B3 dừng hoạt động, người dân đi lại rất bất tiện, khó khăn. Rất may, không gây thiệt hại về người, nhưng chúng tôi bị khủng hoảng về tâm lý rất nặng, nhất là người già và trẻ nhỏ, mỗi khi vào thang máy là nơm nớp lo sợ”, chị B cho biết.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Ban Quản lý tòa nhà Athena Complex cho biết, thang máy bị lỗi, làm dân hoang mang là do công tác bảo trì không đúng thời hạn định kỳ. Có nhiều lý do từ chủ đầu tư và đơn vị cung cấp thang máy.

Theo đó, phía đơn vị cung cấp thang máy là Công ty TNHH Fujitec Việt Nam cho rằng, do chủ đầu tư không thanh toán khoản nợ gần 800 triệu đồng, nên đơn vị này không thực hiện trách nhiệm về việc vận hành, bảo trì thang máy theo định kỳ. Khi “quả bóng” trách nhiệm được đá đi đá lại thì người lãnh hậu quả chính là các cư dân tòa nhà này.

“Chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, ‘đem con bỏ chợ’ khi các dịch vụ vận hành, bảo trì, quỹ bảo trì tòa nhà, sổ hồng… đều không được đáp ứng đúng quy định. Trong khi sinh hoạt hàng ngày, đi lại bằng thang máy thì thấp thỏm lo sợ, bước vào thang máy chỉ cầu mong không bị lỗi, không trôi tự do”, bà L, một cư dân tòa nhà B1 lo lắng.

Ở góc độ khác, tiết lộ với Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện nhà phân phối các thiết bị nhà cao tầng ở châu Âu tại Việt Nam cho biết, phần lớn các loại thang này đều có thiết bị từ Trung Quốc. Giá bán rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm nhập chính hãng từ các nước khác từ vài trăm đến cả tỷ đồng. Do đó, để tiết kiệm kinh phí, nhiều đơn vị thường lắp đặt thang kém chất lượng, chế độ bảo trì không đúng quy định.

Với chi phí lắp đặt thang này chỉ bằng 1/3 so với các loại thang nhập ngoại, nhiều chủ đầu tư do không lường trước được hậu quả, nên lựa chọn rất cảm tính. Loại thang máy được tự thiết kế và sản xuất không theo một tiêu chuẩn nào, tính năng an toàn, các thông số đo độ rung lắc, khả năng tải của thang máy đều bị “biến tấu” đi và sai lệch. Hệ quả là sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, các sự cố đáng tiếc đã xảy ra.

“’Tiền nào của đấy’, không phải ngẫu nhiên mà thang máy có giá lên tới hàng tỷ đồng đối với dòng nhập khẩu. Nhiều chủ đầu tư vẫn xem thang máy như một thiết bị trong toà nhà là sai lầm. Chính việc sử dụng các bo mạch, thiết bị, linh kiện nhái, kém chất lượng khi bảo trì, duy tu thang máy đã góp phần làm thang máy trục trặc, hỏng hóc liên tục và gây tai nạn. Nhiều công ty lắp đặt đã ăn bớt hệ thống an toàn để chiếc thang dễ vận hành hơn, lại vừa giảm chi phí, các dịch vụ bảo trì thang máy cũng bị cắt giảm triệt để”, vị này cho biết thêm.

Theo đại diện Công ty Gama Việt Nam, một hãng thang máy tại Việt Nam, vấn đề tai nạn thang máy trong thời gian gần đây xuất phát chủ yếu là do hệ thống an toàn của thang máy có vấn đề, nếu được lắp đặt, bảo trì đầy đủ, thì sẽ không bao giờ xảy ra vấn đề này.

Nguyên nhân phần lớn là do ý thức của chủ đầu tư, cũng như vấn đề bảo dưỡng sản phẩm sau khi lắp đặt. Theo tiêu chuẩn, khoảng cách giữa 2 lần bảo dưỡng thang máy không được quá 60 ngày, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chủ quan, không thực hiện đúng.

Vị đại diện này cho rằng, nhiều đơn vị bảo trì rất vô đạo đức khi đấu tắt mạch an toàn để thang chạy trong tình trạng giống ô tô không phanh. Mạch an toàn của thang máy có tác dụng bảo vệ và tự ngừng thang máy khi không đủ điều kiện an toàn. Đấu tắt vô hiệu hóa mạch này chẳng khác nào “đẩy” thang máy vào tình trạng mù hoàn toàn về các sự cố dù bình thường tưởng như hoạt động “ổn định”. Thang máy rơi tự do, kẹp chân khách đi thang hay cửa thang mở không có cabin… xảy ra cũng từ nguyên nhân này là nhiều.

Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm

Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Bất động sản, kiến trúc sư Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng, nhìn chung, chất lượng thang máy ở các chung cư cao cấp là tốt, nhưng chất lượng của các khu nhà tái định cư hoặc các khu chung cư bình dân khá tệ.

Nhiều chủ đầu tư vì muốn cắt giảm chi phí đầu tư đã lựa chọn thang máy không đạt tiêu chuẩn cho các chung cư. Với loại hàng hóa mang tính chất thường xuyên và công cộng mà chất lượng kém thì đương nhiên rất nhanh xuống cấp. Hậu quả, sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã xảy ra các sự việc đáng tiếc, trong đó nghiêm trọng nhất là rơi thang máy gây tai nạn.

“Một thực trạng hiện nay là nhiều đơn vị kiểm định thiếu chuyên nghiệp, không đủ nguồn nhân lực, vật lực vẫn được quyền hoạt động. Tính trung thực, khách quan trong công tác kiểm tra, kiểm định an toàn thang máy hiện nay cũng cần đặt nghi vấn. Rất nhiều thang máy chung cư không đạt chất lượng, nhưng tại sao công tác kiểm định không phát hiện ra? Chỉ làm cho có hay là đã móc nối ăn chia với nhà thầu để qua mặt người tiêu dùng?”, ông An đặt vấn đề.

Theo luật sư Vũ Tiến Vinh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), thang máy là một bộ phận của công trình xây dựng mà chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm về mọi hạng mục thi công công trình đó. Do vậy, khi xảy ra sự cố rơi thang máy, trước khi điều tra làm rõ được nguyên nhân để quy trách nhiệm cụ thể, thì doanh nghiệp trực tiếp quản lý, vận hành thang máy phải đứng ra chịu trách nhiệm đền bù cho người bị hại.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 623, Bộ luật Dân sự, chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp thang máy phải có trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo vệ, ngăn chặn nguy cơ tai nạn do tài sản của mình gây ra; phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản