Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Doanh nghiệp có tham vọng lớn sẽ góp phần "định nghĩa" đô thị biển
Thị Hồng - 14/10/2020 10:53
 
Các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, năng lực quản trị cùng tham vọng lớn đưa tài nguyên địa phương thành tài sản quốc gia sẽ là góp phần làm nên định nghĩa về đô thị biển hiện đại.

Chia sẻ tại Hội thảo "Sức hút đô thị Biển” do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay tại TP.HCM, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam đánh giá, rất nhiều tài sản, tài nguyên du lịch của Việt Nam đang được phân bổ cho những nhà đầu tư không xứng tầm. 

Họ không có tiềm lực về tài chính, năng lực quản trị, không có tham vọng lớn để đưa tài nguyên địa phương trở thành tài sản quốc gia bởi "sau khi được địa phương phân bổ một tài sản, họ rào lại, bán vé thu tiền và chấm hết".

Trong khi thực tế, nền kinh tế cần những doanh nghiệp tốt có năng lực quản trị, tiềm lực về tài chính cũng như tham vọng lớn.

“Nhìn vào khu du lịch thác Camly rất chua xót”, ông Tuấn lấy ví dụ, từ đó đưa ra nhận định về các khu đô thị biển phải đi cùng các tiện ích thương mại, lưu trú, thể thao…thay vì theo cách làm của nhiều đơn vị hiện có trên thị trường khi “xây toà nhà rồi gom cộng đồng dân cư vào sống hỗn tạp thì gọi là đô thị”.

"Các doanh nghiệp lớn, khai thác tốt thị trường sẽ góp phần làm nên định nghĩa chính xác về đô thị biển hiện đại. Chúng tôi mong muốn có những doanh nghiệp biết nghĩ lớn, làm lớn, trở thành con sếu dẫn dắt nền kinh tế”, ông Tuấn nói.

Vị chuyên gia này lấy một trường hợp ấn tượng trong nghiên cứu của mình gần đây về năng lực và tham vọng lớn của Novaland khi phát triển NovaWorld Phan Thiết, siêu thành phố biển du lịch sức khoẻ với hơn 200 tiện ích khủng phục vụ cộng đồng, sân golf PGA độc quyền tại Việt Nam,…

Theo Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đóng góp 10% GDP và 28 tỉnh ven biển chiếm từ 65-70% GDP cũng như thu nhập gấp 1,2 lần cả nước. 

Nhưng nhìn vào thực tại còn nhiều hạn chế khi 19 khu kinh tế ven biển chủ yếu tập trung vào công nghiệp nặng, thâm dụng năng lượng, thâm dụng lao động.

Công nghiệp hoá nhanh nhưng tỷ lệ về lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp còn cao và tỷ lệ đô thị hoá còn thấp.

Ông Tuấn cho rằng, một chiến lược thúc đẩy trong thập niên tới là thúc đẩy tăng đô thị hoá. Đây không chỉ là động lực lớn, không chỉ với địa phương có tỷ lệ đô thị cao như TP.HCM hay Hà Nội mà đặc biệt là các tỉnh thành có nền tảng thấp về công nghiệp hoá, đô thị hoá.

Trích lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, “Không có tuyến phòng thủ nào vững chắc bằng tuyến phòng thủ là một nền kinh tế mạnh”, ông Tuấn lý giải, sức mạnh của một quốc gia không đến từ súng ống đạn dược mà đến từ kinh tế, trong đó có các địa phương ven biển.

.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn chia sẻ tại hội thảo "Sức hút đô thị Biển" do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay tại TP.HCM.

Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh thứ 2 thế giới trong thập kỷ qua là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển các khu đô thị ven biển, khi tầng lớp trung lưu sẽ dẫn đến thay đổi cấu trúc tiêu dùng của xã hội. 

Một trong sự thay đổi cần nói là tiềm năng sở hữu tài sản, sau khi đã an cư lạc nghiệp, họ sẽ có nhu cầu “ngôi nhà” thứ hai. 

Họ thường có thể mua tài sản này lân cận khu đang cư trú nhưng lại có thách thức khi tài sản thứ hai này trong vai trò kênh đầu tư thì phải giải được bài toán mang lại mức sinh lời tiềm năng và đa dạng hoá.

“Nếu đầu tư hết vào TP.HCM khi Thành phố có chính sách nào đó là trở ngại của bất động sản thì giống như bỏ hết trứng vào một rổ. Vì vậy, nếu đầu tư vào khu vực lân cận như Đồng Nai, Phan Thiết sẽ có nhiều cơ hội được mở ra”, ông Tuấn nói.

Vị này đưa ra 5 lý do đầu tư "second home" tại Việt Nam như tăng trưởng thu nhập, kênh đầu tư mới, nâng cao chất lượng cuộc sống, tiện ích tương lai và đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng trải nghiệm. 

Thêm vào đó, nhìn ở một khía cạnh tích cực, dân số già tạo ra những cơ hội lớn thay vì chỉ thách thức.

Dân số già hóa với sức khỏe, an sinh và năng động cả về kinh tế và xã hội có thể có những đóng góp không ngừng cho xã hội.

Đời sống công nghiệp bận rộn, công việc áp lực, căng thẳng; xã hội xô bồ và phức tạp; không khí, nguồn nước và thực phẩm không an toàn; nhiều bệnh tật phát sinh và sự sa sút về sức khỏe, trí lực, thể lực…

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhắc đến tỉnh Bình Thuận cho ví dụ minh họa về địa phương có tiềm năng cho các đô thị biển phát triển. 

Thứ nhất, Bình Thuận nằm ở vùng lõi của cụm ngành du lịch phát triển bậc nhất Việt Nam cùng với TP.HCM, Đà Lạt, Nha Trang và Vũng Tàu.

Thứ hai, tài nguyên tự nhiên của khu vực này với biển xanh, cát trắng, nắng vàng chan hòa quanh năm (trên 300 ngày/năm) hội tụ đủ điều kiện thiên nhiên để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của du khách.

Thêm vào đó, hạ tầng đồng bộ với cao tốc, sân bay, cảng biển, đường tàu lửa và tuyến đường biển Vũng tàu, Bình Châu – Lagi.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết giúp kết nối gần 20 triệu dân ở vùng TP.HCM trong 2 giờ đồng hồ.

Cách đây 15 năm, khi du lịch Đà Nẵng còn chưa phát triển, du lịch Đà Lạt và Nha Trang chỉ mới chớm nở thì Bình Thuận đã được mệnh danh là “thủ đô resort” với khoảng 80 khu nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, để phát triển đô thị hoá nói chung và đô thị biển nói riêng, vị này đưa ra một số ưu tiên trong chính sách cần được lưu tâm như chiến lược đô thị hóa phải có trọng tâm, tránh phân tán nguồn lực; hoàn thiện các chính sách về quy hoạch, đất đai, sở hữu tài sản, pháp lý; riển khai nhanh hệ thống cao tốc Bắc - Nam cùngcao tốc liên kết các vùng kinh tế trọng điểm,…

“Còn lại hãy để thị trường tự vận hành. Nhưng nhìn chung, cần những doanh nghiệp có năng lực và tham vọng lớn không có tham vọng lớn để đưa tài nguyên địa phương trở thành tài sản quốc gia mà còn trở thành thành tố quan trọng trong nền kinh tế”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản