Novaland đặt mục tiêu bổ sung thêm 10.000 ha quỹ đất trong 10 năm tới
Trọng Tín - 27/04/2021 11:19
 
Năm 2021, Tập đoàn Novaland đặt kế hoạch doanh thu thuần 27.491 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.100 tỷ đồng. Đặt mục tiêu bổ sung quỹ đất thêm 10.000 ha trong 10 năm tới.

Khởi động chiến lược phát triển bất động sản công nghiệp

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 20201 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland; HoSE: NVL) diễn ra vào sáng 27/4, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết, tính đến quý I/2021, Novaland ghi nhận quỹ đất hơn 5.400 ha, tổng giá trị phát triển dự án (Gross Development Value - GDV) của quỹ đất này ước đạt gần 45 tỷ USD.

Ông Huy cho biết, dựa trên những thành quả đầu tiên sau 3 năm triển khai các “đại dự án” tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận; Tập đoàn sẽ xem xét và mở rộng quỹ đất tại một số địa phương như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định...

Mục tiêu đến năm 2030 bổ sung thêm 10.000 ha, nâng tổng số quỹ đất lên 15.000 ha để chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Novaland
Tập đoàn Novaland đang có trong tay quỹ đất hơn 5.400 ha, tổng giá trị phát triển dự án của quỹ đất này ước đạt gần 45 tỷ USD.

Đây là lợi thế lớn của doanh nghiệp chuyên đầu tư phát triển bất động sản, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang dồn sức và chuẩn bị đà bật lên sau Covid-19. Khi đó, nhu cầu sẽ tăng mạnh và những chủ đầu tư nào sẵn sàng nguồn hàng, đáp ứng đúng thị hiếu sẽ chiếm ưu thế.

Trong năm nay, Novaland sẽ đưa ra thị trường khoảng 10.000 sản phẩm bất động sản đến từ các dự án mà doanh nghiệp đang triển khai. Đặc biệt, ba dự án trọng điểm của Tập đoàn Novaland là NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), và Aqua City (Đồng Nai) sẽ được đẩy nhanh tiến độ triển khai để được ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong vòng 3 năm tới, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch ban đầu.

Dự kiến, tổng lợi nhuận giai đoạn 2021 - 2023 thu được từ 3 “siêu” Dự án này ước đạt 2 tỷ USD.

Kế hoạch tăng tốc xây dựng các dự án trọng điểm của Novaland được lý giải là đang bám theo tiến độ hoàn thành của loạt hạ tầng giao thông quốc gia. Cụ thể, sân bay quốc tế Long Thành sẽ hoàn thành trong năm 2025; sân bay quốc tế Phan Thiết giai đoạn 1 và cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành năm 2022; cùng với cao tốc Dầu Giây - Bảo Lộc, Biên Hòa - Vùng Tàu dự kiến sớm được khởi công.

Ông Huy nói rằng, việc loạt dự án trọng điểm đi vào vận hành từ năm 2023 sẽ giúp Novaland vừa có thể đảm bảo giá trị đầu tư cho khách hàng của mình, đồng thời góp phần tạo ra ngay các giá trị sử dụng thật cho cả cộng đồng và kinh tế địa phương.

“Đầu tư tại đâu chúng tôi đều cân nhắc các yếu tố về tiềm năng du lịch, khả năng kết nối hạ tầng và sự ủng hộ của chính quyền địa phương với mục tiêu biến nơi đó thành điểm đến du lịch mới, góp phần xây dựng kinh tế vùng, tương tự như cách chúng tôi đang làm tại Bình Thuận với NovaWorld Phan Thiet, Centara Mirage Mui Ne Resort, PGA Golf và Bad Rịa - Vũng Tàu với NovaWorld HoTram”, đại diện Novaland nói.

Dự kiến, kể từ năm 2021, Novaland sẽ nghiên cứu, đầu tư thêm vào mảng bất động sản công nghiệp tại các địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An... với thương hiệu Nova Industria Park. Ngoài ra, Novaland cũng muốn phát triển ngành xây dựng (quản lý dự án, thi công xây dựng) và nguyên vật liệu (vật liệu xây dựng, nhôm kính) và các dự án hạ tầng giao thông.

Tái cấu trúc sở hữu

Tại Đại hội, HĐQT trình cổ đông thông qua việc Công ty cổ phần Novagroup nhận chuyển nhượng cổ phiếu NVL mà không cần chào mua công khai. Novagroup sẽ không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai nếu quyền biểu quyết dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu đạt từ 25% vốn; gia tăng sở hữu từ 25% lên trên 35%, 45%, 55%, 65%, 75% vốn.

Thời gian thực hiện giao dịch sau khi được ĐHĐCĐ thông qua và theo tiến độ đàm phán giữa các bên.

Trả lời cổ đông về việc này, bà Hoàng Thị Thu Châu, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Novaland lý giải, đây thực chất là do hoạt động tái cấu trúc, việc chuyển nhượng có ý nghĩa là sự hoán đổi cổ phiếu của cổ đông từ cổ phiếu Novaland thành cổ phiếu của NovaGroup.

Theo đó, tỷ lệ sở hữu thực tế của các cổ đông lớn về bản chất là không bị giảm tỷ lệ sở hữu, mà việc này càng chứng minh cho tính cam kết lâu dài của cổ đông lớn đối với Novaland.

Thời gian tới, Novaland cùng với các thành viên của NovaGroup là Nova Service Group (lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, cộng đồng), Nova Consumer Group (gồm các mảng kinh doanh nông nghiệp và hàng tiêu dùng) cùng với các đối tác chiến lược sẽ tạo nên hệ sinh thái dịch vụ tiện ích đầy đủ cho các dự án của Novaland.

“Đây sẽ là yếu tố bổ trợ mạnh mẽ cho các dự án Novaland, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và nâng tầm phong cách sống cho các Khách hàng", bà Châu nói và thông tin thêm, các ngành bổ trợ thuộc NovaGroup là các công ty có đội ngũ riêng, chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể, tách bạch rõ ràng và minh bạch để nhà đầu tư yên tâm về sự chuyên nghiệp trong đầu tư vốn và vận hành của Novaland.

Phát hành 40 triệu cổ phiếu ưu đãi và 1,5% cổ phiếu ESOP

Năm nay, Novaland cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP với số lượng tối đa 1,5% số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm phát hành. Giá phát hành do HĐQT phê duyệt nhưng không thấp hơn mệnh giá. Thời gian thực hiện chậm nhất hết quý I/2022.

Đối tượng chào bán là Thành viên HĐQT và người lao động theo danh sách HĐQT phê duyệt. Tính theo vốn điều lệ hiện tại, số lượng cổ phiếu ESOP có thể phát hành gần 14,8 triệu cổ phiếu.

HĐQT cũng đưa ra đề xuất phát hành tối đa 40 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức hoặc/và cổ phiếu ưu đãi hoàn lại. Giá chào bán cụ thể sẽ do HĐQT thỏa thuận, đàm phán với các nhà đầu tư. Mức cổ tức sẽ do HĐQT thỏa thuận, đàm phán với nhà đầu tư, đồng thời không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2021, cụ thể sẽ do HĐQT quyết định. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Toàn bộ hoặc một phần cổ phiếu ưu đãi có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông theo thỏa thuận với nhà đầu tư.

Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu ưu đãi gần 10.263 tỷ đồng.

Giải thích lý do có sự điều chỉnh 2 lần về việc xin tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, cụ thể là dùng nguồn thặng dư từ vốn cổ phần trong năm 2020, bà Hoàng Thị Thu Châu cho biết, các trái chủ của trái phiếu chuyển đổi quốc tế thực hiện quyền đổi trái phiếu thành cổ phiếu nên số lượng cổ phần phổ thông liên tục thay đổi.

Mỗi lần thực hiện thủ tục chuyển đổi là khoảng 1 tháng nên dự kiến chia thặng dư trong năm 2020 không thực hiện được do số lượng phát hành cho cổ đông.

Vì vậy, HĐQT đã trình lại cổ đông lần 2, có kèm theo tổng số lượng cổ phần tăng lên là số tuyệt đối, phù hợp với quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước, để khi thực hiện chia cổ phiếu thưởng sẽ không bị ảnh hướng bởi việc vốn điều lệ có thay đổi do các trái chủ thực hiện quyền chuyển đổi thành cổ phần.

Theo phê duyệt của Nghị quyết lần 2 liên quan đến sử dụng nguồn thặng dư dựa trên số liệu của Báo cáo tài chính năm 2020, số tiền thặng dư dùng chia là hơn 3.800 tỷ đồng, quy ra mức tối đa cứ 100 cổ phiếu đang sở hữu thì cổ đông sẽ được thưởng tối đa khoảng 36 cổ phiếu, tương đương 36%.

Trong năm sau, số dư thặng dư có thể dùng để chia cho cổ đông nắm giữ cổ phiếu hiện hữu theo quy định của pháp luật tối thiểu hơn 4.000 tỷ.

Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2020, Tập đoàn Novaland ghi nhận nhiều kết quả khả quan với Vốn điều lệ đạt 9.863 tỷ đồng, Vốn chủ sở hữu 31.932 tỷ đồng, Tổng tài sản 144.536 tỷ đồng và Lợi nhuận sau thuế đạt 3.907 tỷ đồng.

Tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/04/2021, Vốn hóa thị trường Novaland đạt 132.073 tỷ đồng, tương đương 5,7 tỷ USD, tăng trưởng hơn 100% so với mức 65.082 tỷ đồng thời điểm 31/12/2020 và duy trì vị thế công ty Bất động sản nhà ở niêm yết có vốn hóa đứng thứ 2 tại Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản