Lạng Sơn - thị trường bất động sản giàu tiềm năng
Kỳ Thành - 11/12/2020 16:30
 
Với những lợi thế riêng, trong những năm gần đây, bất động sản Lạng Sơn ngày càng sôi động và được dự báo sẽ còn “tăng nhiệt”.
Một góc TP. Lạng Sơn.
Một góc TP. Lạng Sơn.

Bến đỗ mới của các dự án bất động sản

Xu hướng dịch chuyển đầu tư bất động sản về các tỉnh đã gia tăng mạnh mẽ trong thời gian qua, nhất là khi quỹ đất tại Hà Nội và TP.HCM ngày càng thu hẹp và việc phát triển dự án mới ngày một khó khăn hơn. Thêm vào đó, xét dưới góc độ đầu tư, giá trị đất tại các tỉnh khá “mềm”, tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư có cơ hội tham gia thị trường.

Thu hút đầu tư mạnh nhất là các tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch, có hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đến các thành phố lớn. Theo các chuyên gia, làn sóng dịch chuyển đầu tư về các tỉnh Đông Bắc và các tỉnh giáp ranh Hà Nội đã xuất hiện từ lâu và diễn ra mạnh mẽ nhất trong 10 năm qua.

Đáng chú ý nhất trong khu vực phía Bắc phải kể đến dòng vốn được các nhà đầu tư đổ vào Lạng Sơn thời gian qua. Tính riêng năm 2019, hơn 30 doanh nghiệp đã đến Lạng Sơn tìm kiếm cơ hội đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 100.000 tỷ đồng.

Nhiều dự án của các “ông lớn” như Trung tâm thương mại và Khách sạn Vincom, Khách sạn Mường Thanh đã sớm đi vào hoạt động. Một số dự án lớn cũng đang được tích cực triển khai như Khu tái định cư và dân cư Nam Nguyễn Đình Chiểu (tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng); Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng Nà Chuông - Bình Cằm; Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí hồ Lẩu Xá; Khu đô thị mới Mai Pha tại thôn Khòn Khuyên và Pò Đứa (xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn); Dự án Tổ hợp căn hộ, thương mại, dịch vụ Apec Diamond Park theo tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại Lạng Sơn của Tập đoàn APEC (vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng)…

Không chỉ là lợi thế  tự nhiên

Lạng Sơn là tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch, thương mại, đặc biệt là thương mại vùng biên nhờ vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, như nằm trong tuyến hành lang kinh tế xuyên Á, là cửa ngõ biên giới, giáp với Trung Quốc, cách Thủ đô Hà Nội chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ di chuyển.

Với 2 cửa khẩu quốc tế là Hữu Nghị, Đồng Đăng và một cặp cửa khẩu chính Chi Ma - Ái Điểm, mỗi ngày, khu vực cửa khẩu có khoảng 2.600 lượt xe tải tham gia vận chuyển hàng hóa, mỗi năm có khoảng 2.700 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Đồng thời, yếu tố hấp dẫn khác đối với các doanh nghiệp địa ốc là Lạng Sơn đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, tiềm năng du lịch lớn và hệ thống giao thông kết nối tốt, giúp lĩnh vực bất động sản trở nên rất tiềm năng.

Đặc biệt, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đang được đưa vào khai thác, như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cùng hệ thống hạ tầng giao thông sẵn có như Quốc lộ 1, đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc, Quốc lộ 1B đi Thái Nguyên, Quốc lộ 4B đi Quảng Ninh, Quốc lộ 4A đi Cao Bằng… giúp liên kết vùng của Lạng Sơn ngày càng hoàn thiện và thúc đẩy tỉnh này phát triển mạnh mẽ kinh tế cửa khẩu.

Cùng với những lợi thế về tự nhiên, tỉnh Lạng Sơn cũng đề ra nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ và thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn ưu đãi về hỗ trợ đầu tư, nhưng chưa được giải phóng mặt bằng sẽ được hỗ trợ một lần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng sau khi hoàn thành toàn bộ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, với định mức 5 - 20 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh cũng hỗ trợ 50% giá trị xây lắp trước thuế thực hiện đường giao thông, đường điện và hệ thống cấp, thoát nước đến hàng rào dự án, với mức hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng.

Việc Lạng Sơn được nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn chú ý tới thời gian qua đã minh chứng cho sự đúng đắn trong đường hướng phát triển của tỉnh, khẳng định tiềm năng phát triển của thị trường Lạng Sơn và là tín hiệu khả quan để bất động sản Lạng Sơn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản