Hưng Thịnh, Đất Xanh, Đại Phúc, Him Lam "đau đầu" vì bị nhái tên
Việt Dũng - 11/09/2020 13:55
 
Việc các thương hiệu địa ốc lớn như Hưng Thịnh, Đất Xanh, Đại Phúc, Him Lam… bị nhái tên không phải là mới, nhưng cho đến nay, đây vẫn là vấn đề khiến các doanh nghiệp đau đầu.

Thương hiệu thường xuyên bị nhái

Mới đây, Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường, do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng bất động sản Hưng Thịnh (gọi tắt là Công ty Hưng Thịnh - Long An) làm chủ đầu tư.

Ngay sau đó, Công cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Tập đoàn Hưng Thịnh) cũng đã phát đi thông báo khẳng định rằng, Tập đoàn Hưng Thịnh và các công ty thành viên của mình không liên quan đến Công ty Hưng Thịnh được nhắc ở trên, cũng như dự án Hưng Thịnh Cát Tường tại Long An.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn Hưng Thịnh  phát đi thông báo để khẳng định như vậy. 

Thông báo khẳng định thông tin được Tập đoàn Hưng Thịnh đăng tải trên Website chính thức của công ty
Thông báo khẳng định thông tin được Tập đoàn Hưng Thịnh đăng tải trên Website chính thức của công ty

Khoảng đầu năm 2020, khi Công an tỉnh Long An ra thông báo truy tìm 4 lãnh đạo của Công ty Hưng Thịnh - Long An, để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tập đoàn Hưng Thịnh đã đưa ra thông báo khẳng định Công ty Hưng Thịnh - Long An không thuộc hệ thống công ty thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh.

Đồng thời, doanh nghiệp địa ốc này cũng cho biết, Dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường, địa chỉ tại xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, không thuộc danh sách các dự án do Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư.

Không chỉ tại Long An, mà tại Biên Hòa (Đồng Nai), doanh nghiệp này cũng mang “tai tiếng” khi bị một công ty môi giới nhái thương hiệu tại dự án Biên Hòa New City.

Cụ thể, cuối năm 2018, Tập đoàn Hưng Thịnh  mở bán dự án mang tên Biên Hòa New City tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, không lâu sau đó, thị trường bất động sản TP.HCM và Đồng Nai xuất hiện thông tin chào bán một dự án mang tên Biên Hòa New City 2 cũng tại TP. Biên Hòa. 

“Việc đặt tên dự án như trên gây ảnh hưởng tới Công ty, vì khách hàng nhầm tưởng đây là dự án mới của Tập đoàn Hưng Thịnh, do trùng tên với dự án Biên Hòa New City”, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ.

Hay gần đây nhất là vụ việc liên quan thương hiệu "Đất Xanh", ngay sau khi UBND tỉnh Long An có kết luận thanh tra đối với dự án chỉnh trang khu dân cư Đất xanh (tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) do Công ty TNHH Một thành viên Bất động sản Đất xanh Long An (Đất Xanh Long An) làm chủ đầu tư.

Đã có không ít khách hàng nhầm lẫn với Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh Group). Theo đó, Đất Xanh Group phải thông cáo báo chí khẳng định, Đất Xanh Long An và dự án của doanh nghiệp này không hề có sự liên quan nào đến hệ thống thương hiệu của Đất Xanh.

Thực tế, trên thị trường bất động sản hiện nay, không chỉ Tập đoàn Hưng Thịnh mà có khá nhiều trường hợp nhái, trùng tên doanh nghiệp, dự án, hình ảnh, logo.  Có thể kể đến những doanh nghiệp địa ốc lớn đã bị nhái thương hiệu như: Novaland, Nam Long, Him Lam, Đại Phúc… 

Nhưng khó khởi kiện

Nhận xét về tình trạng nhái tên thương hiệu, dự án trên thị trường hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, hiện tượng này đang khá phổ biến và chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp môi giới nhỏ, năng lực hạn chế.

“Các doanh nghiệp nhỏ này không tự khẳng định thương hiệu bằng sản phẩm hay xây dựng tên tuổi doanh nghiệp của mình, mà phải dựa hơi những ông lớn trên thị trường để bán hàng. Điều này không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp bị nhái thương hiệu mà còn khiến thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển bền vững”, ông Châu nói.

Dự án khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường tại Long An không liên quan đến Tập đoàn Hưng Thịnh tại TP.HCM
Dự án khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường tại Long An không liên quan đến Tập đoàn Hưng Thịnh tại TP.HCM.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, việc bị nhái thương hiệu, hay giả làm nhân viên của một doanh nghiệp có uy tín không phải là chuyện mới. Thường xảy ra tại nhiều lĩnh vực như bất động sản, du lịch, mỹ phẩm…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại gặp không ít khó khăn trong việc chống các hành vi vi phạm này. Nguyên do bởi hình thức và mức độ xâm phạm của các trường hợp không giống nhau. Hơn nữa, không phải công ty nào cũng có bộ phận chuyên trách pháp lý về thương hiệu nên sẽ gặp khó khăn trong việc lập chứng cứ và truy tìm cá nhân có hành vi vi phạm.

Dưới góc độ là doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ, khoảng 2 năm trở lại đây, việc doanh nghiệp địa ốc bị xâm phạm thương hiệu đến từ nhiều khía cạnh và khá phổ biến. Mặc dù đã đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị xâm hại và khi bị xâm phạm thì doanh nghiệp lại không thể bảo vệ được thương hiệu của mình.

Nguyên do bởi, các doanh nghiệp cố tình nhái thương hiệu thường có tính toán rất kỹ. Các doanh nghiệp này lập dự án hoặc tên công ty gần giống hoặc na ná tên một doanh nghiệp lớn và logo cũng khác so với logo của doanh nghiệp mà họ nhái. Trong khi đó, theo luật thì việc xâm phạm thương hiệu doanh nghiệp phải là toàn bộ tên doanh nghiệp, kèm logo đã đăng ký thì cơ quan chức năng mới xử lý được.

“Tại Tập đoàn Hưng Thịnh, chúng tôi dùng biện pháp cuối cùng để bảo vệ mình là ghi tên các sàn giao dịch, trụ sở công ty lên website chính thức của công ty. Còn theo luật, chúng tôi không thể bảo vệ thương hiệu của mình khi các doanh nghiệp nhái thương hiệu kia không nhái 100%. Trong khi đó, chúng tôi vẫn bị ảnh hưởng lớn khi doanh nghiệp nhái đó làm sai”, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản