“Gió lạ” trong M&A bất động sản
Tú Ân - 29/07/2016 09:18
 
Nhà đầu tư nước ngoài chạy đua thâu tóm, mua lại các cao ốc, tòa nhà văn phòng tại Việt Nam.

Những thương vụ “khủng”

Thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) nổi bật, được nhắc đến nhiều nhất và có giá trị lớn nhất kể từ đầu năm 2016 đến nay là việc Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Hàn Quốc) phối hợp cùng với AON BNG chi 400 tỷ won (tương đương 350 triệu USD) để thâu tóm Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower (quận Nam Từ Liêm).

Một thương vụ khác có giá trị “khủng” để mua lại tòa nhà tại TP.HCM cũng vừa kết thúc cách đây không lâu. Đó là việc Tập đoàn Mapletree (Singapore) mua lại Tòa nhà Kumho Asiana Plaza từ liên doanh Hàn Quốc là Kumho Industrial và Asiana Airlines, với giá 215 triệu USD. Kumho Asiana Plaza có tổng diện tích sàn gần 146.000 m2. Tòa nhà bao gồm văn phòng hạng A, căn hộ dịch vụ và một khách sạn do InterContinental Hotels Group quản lý.

Việc chuyển nhượng Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower là thương vụ M&A có giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay. Ảnh: Đức Thanh
Việc chuyển nhượng Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower là thương vụ M&A có giá trị lớn nhất từ đầu năm đến nay. Ảnh: Đức Thanh

Trong quý I/2016, Tòa nhà văn phòng A&B Tower (quận 1, TP.HCM) đã được một nhà đầu tư đến từ Nhật Bản mua lại để sở hữu 70% giá trị. Theo đó, giá trị chuyển nhượng 70% cổ phần A&B Tower là 47 triệu USD. A&B Tower được xây dựng trên diện tích đất 1.832 m2, với 25 tầng lầu, cung cấp cho thị trường 25.000 m2 diện tích văn phòng kể từ năm 2010. Đây là một trong những dự án văn phòng hạng A đẹp nhất khu vực trung tâm TP.HCM, nhờ giáp với 2 mặt tiền đường Lê Lai và Nguyễn Thị Nghĩa, liền kề với Khách sạn New World.

Thị trường TP.HCM cũng chứng kiến một số vụ M&A khác, như Frasers Centrepoint Limited (Singapore) góp 70% cổ phần trong Dự án G Homes, 30% còn lại vẫn thuộc Tập đoàn An Dương Thảo Điền; Low Keng Huat chuyển nhượng Khách sạn Duxton Hotel Saigon (quận 1) cho New Life RE với giá 49,4 triệu USD.

Trước đó, năm 2015, nhiều thương vụ mua lại các cao ốc, văn phòng cũng đã được khối ngoại tiến hành như Tập đoàn Lotte mua 70% cổ phần của Tòa cao ốc Diamond Plaza (TP.HCM). Theo đó, Lotte nắm quyền điều hành toà nhà này từ một doanh nghiệp Hàn Quốc khác là Posco.

Trong năm qua, Tập đoàn Gaw Capital Partners (Anh) đã thâu tóm 4 dự án từ Indochina Land, gồm: Hyatt Regency Danang (Đà Nẵng), Indochina Plaza Hanoi, Malibu Villas (Quảng Nam) và Park City (TP.HCM). Giá trị các thương vụ này là 106 triệu USD.

Như vậy, xu hướng các nhà đầu tư ngoại, các quỹ đầu tư nước ngoài thâu tóm các dự án văn phòng, tòa nhà, khách sạn, căn hộ cho thuê tại Việt Nam đã thể hiện khá rõ. Đây có thể được xem là một xu hướng đón đầu cơ hội của khối ngoại khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

“Khẩu vị” mới của nhà đầu tư nước ngoài

Việt Nam được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn so với các nước khác trong ASEAN, vì nền kinh tế và thị trường bất động sản đang được cải thiện. Do đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào các tài sản sinh lợi tại các thành phố lớn của Việt Nam.

Mặt khác, hoạt động M&A bất động sản của khối ngoại gia tăng mạnh mẽ trong năm 2015 - 2016 một phần là do hành lang pháp lý của Việt Nam đã được cải thiện. Theo đó, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản được sửa đổi, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động M&A tại Việt Nam.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty JLL Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Philippines và Indonesia đang tích cực tìm kiếm để sở hữu dự án bất động sản tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn nhất khu vực. Thông qua JLL, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã “đánh tiếng” muốn gia tăng sự hiện diện của họ tại Việt Nam dưới hình thức hợp tác đầu tư hay mua lại các dự án sẵn có, đặc biệt là các dự án đã sinh lời.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư của Công ty Savills Việt Nam, thời gian qua, Savills đã làm việc với khá nhiều nhà đầu tư Nhật Bản. Phần lớn “khẩu vị” của họ là phát triển các sản phẩm cho thuê như trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, khách sạn, các dự án đã hiện hữu, các tài sản đã tạo ra dòng tiền. Mục đích trong các thương vụ này là có ngay nguồn thu khi mua lại các tài sản đó.

Còn tại CBRE, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn cho biết: “Tại CBRE Việt Nam, hàng ngày, chúng tôi nhận được các yêu cầu tư vấn đầu tư từ các nhà đầu tư cá nhân đến từ Nga, Trung Quốc, Hồng Kông, thậm chí là Trung Đông, Mỹ… Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhờ những thay đổi về chính sách. Các hoạt động đầu tư vào Việt Nam thông qua nhiều hình thức như triển khai dự án mới, hợp tác đầu tư, thâu tóm dự án đã có sự tăng trưởng khá tốt”.

Có thể thấy rằng, với khung khổ luật mới cho phép khối ngoại được sở hữu và đầu tư địa ốc tại Việt Nam, nhiều tòa nhà văn phòng đã hoạt động hoặc đang xây dựng có thể sẽ thay đổi chủ. Trong thời gian tới, xu hướng khối ngoại tham gia mua, đầu tư để cho thuê các cao ốc sẽ thể hiện rõ hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản