Doanh nghiệp xây dựng hút vốn ngoại qua M&A
Thế Hải - 24/11/2020 16:22
 
Năm 2020, ngành xây dựng chứng kiến nhiều thương vụ M&A khá thành công của dòng vốn ngoại.
.
Việt Nam đang thúc đẩy M&A gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.

Hút vốn ngoại

Năm 2020, Covid-19 đã gây khó khăn nặng nề cho hầu hết các lĩnh vực, trong đó có ngành xây dựng, nhưng không vì vậy mà vắng đi các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A).

Gần đây, Tập đoàn xây dựng Tokyu Construction (Nhật Bản) công bố thương vụ mua lại Indochine Engineering ở Việt Nam.

Indochine Engineering được thành lập 20 năm trước, là công ty tư vấn kỹ thuật đa ngành có uy tín, với phạm vi hoạt động không chỉ tại Việt Nam, mà còn vươn ra các nước Đông Nam Á.

Một nhà đầu tư Nhật Bản khác là Haseko Corp đã mua lại 36% cổ phần của Ecoba Vietnam, một nhà thầu chuyên nghiệp trong lĩnh vực thiết kế - xây dựng - hoàn thiện và là nhà quản lý dự án chuyên nghiệp.

Được thành lập năm 2007, Ecoba tập trung vào phân khúc nhà ở với các công trình lớn như Aquabay Ecopark hay Vincity Ocean Park. Trong khi đó, Haseko là tập đoàn xây dựng và phát triển bất động sản có tiếng ở Nhật Bản với doanh số 8 tỷ USD/năm. Tập đoàn này bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2012 với vai trò là chủ đầu tư Dự án chung cư cao cấp The Authentic Haseko tại Long Biên.

Xây dựng là một trong những ngành gây ấn tượng nhất giữa cơn bão Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành này ghi nhận tốc độ tăng trưởng 4,5%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP (1,81%).

Dự báo, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng có triển vọng tăng trưởng tích cực nhất trong thời gian tới nhờ các đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án kết cấu hạ tầng. Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, trong trung và dài hạn, ngành xây dựng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực nhờ dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa cao của Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng đô thị hóa Việt Nam năm 2019 đạt 2,9% - tương đối cao trong khu vực. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, trong 10 năm tới, dân số đô thị Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 2,6%/năm, đứng thứ ba trong ASEAN. Tới năm 2039, sẽ có trên 50% dân số Việt Nam sống tại các đô thị và con số này sẽ tăng lên 57,3% vào năm 2050.

M&A còn đất diễn

Việt Nam đang thúc đẩy M&A gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xây dựng. Đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực của ngành này, như sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, hạ tầng…

Năm 2020, có 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) phải hoàn thành cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, nhiệm vụ này bất khả thi.

Tuy nhiên, ngay từ trước khi Thủ tướng giao nhiệm vụ cổ phần hóa, không ít nhà đầu tư ngoại đã “nhòm ngó” Vicem, doanh nghiệp nhà nước đang nắm trong tay thị phần xi măng lớn nhất và năng lực sản xuất trên 30 triệu tấn cùng thị trường tiêu thụ từ Bắc vào Nam.

Cơ hội rót vốn vào các doanh nghiệp xây dựng đối với các nhà đầu tư sẽ rõ ràng hơn trong năm 2021 - 2022, khi một số doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) nhận định, Vicem chiếm hơn 30% năng lực sản xuất ngành xi măng, nên việc các quỹ đầu tư, tập đoàn xi măng đến từ Thái Lan, Indonesia… để mắt tới Vicem là điều tất yếu.

Với trường hợp của HUD, tuy kế hoạch cổ phần hóa không thể cán đích đúng hẹn, nhưng đây cũng là tên tuổi lớn trong ngành xây dựng. Tổng tài sản của HUD tính đến ngày 30/6/2020 là gần 10.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này sở hữu hàng loạt lô đất vàng tại nhiều địa phương.

Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa thời gian tới, HUD đã lên kế hoạch thoái vốn tại các công ty con, đồng thời thu hút thêm nguồn lực từ thị trường chứng khoán, các đối tác chiến lược để thực hiện hàng chục dự án phát triển đô thị, nhà ở theo nhiều phương thức linh hoạt. Vì thế, trong kế hoạch 2019 - 2020 và chiến lược phát triển 5 năm tiếp theo (2021 - 2025), HUD đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận bền vững ở mức 5 - 8%/năm.

Giai đoạn 2020 - 2025, HUD sẽ triển khai hàng loạt dự án đô thị mới, dự án nhà ở quy mô lớn ở nhiều địa phương.

Tại Hà Nội, HUD sẽ tập trung nghiên cứu, triển khai các khu đô thị mới HUD Sơn Tây (24 ha), Nam An Khánh (34 ha), HUD Mê Linh Central (55 ha), HUD Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 (54 ha), HUD Mê Linh - Đại Thịnh (137 ha), HUD Tân Lập (177 ha).

Ở khu vực phía Nam, HUD sẽ tập trung đầu tư Dự án Khu đô thị mới Đông Tăng Long (159 ha), Khu dân cư Hiệp Bình Phước (27 ha) tại TP.HCM và Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ (372 ha) tại tỉnh Bình Dương.

Hấp lực từ quỹ đất và các dự án trong kế hoạch đầu tư của HUD cũng là ưu thế đáng kể thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp, quỹ đầu tư đang có ý định bơm vốn vào mảng kinh doanh này.

Ngoài các doanh nghiệp đang có tên trong danh sách cổ phần hóa, bán bớt vốn nhà nước kể trên, thì một số doanh nghiệp đầu ngành xây dựng tại Việt Nam đã có cổ đông lớn là các quỹ đầu tư hoặc doanh nghiệp nước ngoài như Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, Công ty cổ phần Fecon, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC)…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản