Bất động sản TP.HCM: Diễn biến lạ
Gia Huy - 29/05/2019 09:17
 
Thiếu dự án mới, không sốt đất nền, lệch pha cung - cầu… là những những điểm nổi bật của thị trường bất động sản TP.HCM.
.
Lượng hàng bán ra trong 5 tháng qua chủ yếu là hàng cao cấp, vượt xa khả năng mua của đại bộ phận người dân

Thị trường diễn biến lạ

Trong 5 tháng đầu năm, lượng hàng cung cấp ra thị trường TP.HCM giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước. Đặc biệt, với phân khúc chung cư, chỉ 15 dự án được mở bán, với hơn 3.000 căn hộ. Trong khi đó, cùng kỳ những năm trước, lượng hàng luôn ở mức trên 10.000 sản phẩm.

Lý do thị trường sụt giảm nguồn cung, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, là việc TP.HCM hạn chế cấp phép mới để thanh tra quỹ đất.

Trong khi nhu cầu đối với nhà giá rẻ, nhà giá tầm trung cao nhất, thì lượng hàng bán ra trong 5 tháng qua lại chủ yếu là hàng cao cấp, với mức giá bán trên 30 triệu đồng/m2, vượt xa khả năng mua của đại bộ phận người dân. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, không có dự án nhà ở xã hội mới nào được mở bán.

Một diễn biến lạ nữa là giao dịch đất nền giảm mạnh. Nếu thời gian trước, thị trường đất nền luôn trong cảnh sốt nóng với lượng hàng bán ra lớn (hàng ngàn sản phẩm), thì từ đầu năm đến nay, giao dịch rất hạn chế (chỉ có hơn 500 sản phẩm được bán).

Tuy nhiên, thị trường lại xuất hiện một diễn biến xấu, đó là tình trạng nhà đầu cơ và doanh nghiệp tự ý lập dự án “ma” bán đất nền. Trong 5 tháng đầu năm, liên tục các quận, huyện tại TP.HCM đã ra thông báo cảnh báo người dân về dự án “ma”, như quận 7, quận 9, quận 12...

Trong thông báo phát đi, UBND quận 12 cho biết, vi phạm trong hoạt động xây dựng, tình trạng san lấp, đầu tư hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp, sử dụng đất không đúng mục đích ghi trên giấy chứng nhận… đang diễn biến phức tạp. UBND quận 12 đang xử lý vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ các khu phân lô trái phép này.

Kỳ vọng thị trường sôi động hơn

Thị trường địa ốc sẽ có bước phát triển mới trong 7 tháng còn lại của năm 2019. “Một tín hiệu tích cực rõ nhất để các doanh nghiệp có thể tin tưởng thị trường sẽ phát triển trở lại là việc UBND TP.HCM đang tìm cách giải quyết những tắc nghẽn về thủ tục phát triển mới dự án, cũng như việc công bố bổ sung 160 dự án mới”, ông Lê Tiến Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Cát Tường Group nói.

Ông Vũ cũng cho rằng, trong bối cảnh sức ép cạnh tranh khách hàng trên thị trường ngày càng tăng, để kinh doanh thành công, yếu tố quan trọng nhất là doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng dự án, tiến độ thi công, bàn giao nhà theo đúng cam kết. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần gia tăng cung cấp các dịch vụ tiện ích đi kèm như cửa hàng tiện lợi, khu vui chơi giải trí xung quanh khu vực dự án, tăng các dịch vụ hậu mãi… để hấp dẫn, thu hút khách hàng.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Quốc Đại, Phó trưởng phòng Phát triển nhà ở (Sở Xây dựng TP.HCM) nhận định, thị trường bất động sản TP.HCM những tháng cuối năm sẽ có những yếu tố tích cực, nhưng không phải toàn bộ thị trường, mà chỉ ở vài phân khúc.

Cụ thể, đó là làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong đó TP.HCM là một điểm đến quan trọng. Để đón đầu cơ hội này, TP.HCM đã xây dựng thêm một khu công nghiệp mới tại khu Nam Thành phố, đồng thời mở rộng các cụm, khu công nghiệp hiện có. Việc này sẽ giúp thị trường bất động sản công nghiệp gia tăng mạnh mẽ, kèm theo nhu cầu xây dựng các khu nhà ở…

Cũng theo ông Đại, về mặt chính sách, một số luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng… sẽ được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới, đồng thời sẽ ban hành nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT)… Những động thái này sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

TP.HCM đề xuất xây dựng khu công nghiệp tại huyện Bình Chánh

UBND TP.HCM vừa có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM được lập quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp ở khu đất 380 ha thuộc xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, với dự án khu công nghiệp này, Thành phố muốn đón lõng cuộc di chuyển của các doanh nghiệp nước ngoài vào TP.HCM đầu tư vì hiện có nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đặt nhà máy ở TP.HCM, song quỹ đất tại các khu công nghiệp hiện hữu rất hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu.

Theo ông Phong, nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, thì dự án khu công nghiệp này sẽ được triển khai xây dựng trong năm 2020.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản