Doanh nghiệp thay đổi nhu cầu thuê văn phòng sau giãn cách
Việt Dũng - 21/10/2021 09:02
 
Chuẩn bị cho trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp đang lên kế hoạch về việc tổ chức, định dạng lại hoặc chuyển đổi, di dời không gian làm việc của nhân viên sao cho phù hợp.
Ảnh minh họa
Nhiều doanh nghiệp đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cách vận hành văn phòng sao cho phù hợp.

Người lao động “ngại” di chuyển

Dù TP.HCM đã nới lỏng giãn cách từ ngày 1/10, nhưng Thanh Hằng (28 tuổi, ngụ tại quận 10) mới trở lại văn phòng công ty để làm việc được một tuần. Cảm giác phấn khởi ban đầu của chị nhanh chóng biến mất khi chứng kiến lượng xe cộ lưu thông trên đường. Sau thời gian dài làm việc ở nhà, đã lâu lắm rồi chị mới thấy cảnh đông người đến vậy.

“Suốt 4 tháng qua tôi đều làm việc tại nhà. Họp hành, trao đổi với đồng nghiệp hay khách hàng cũng qua máy tính. Giờ đi làm trở lại, tôi thấy mình cứ như người ngoài cuộc. Tôi vẫn muốn làm việc online”, chị Hằng bộc bạch. Sau một tuần làm việc tại công ty, chị đã quyết định xin sếp cho phép tiếp tục làm việc tại nhà toàn thời gian, bởi đặc thù công việc của chị không nhất thiết phải có mặt ở văn phòng, nhưng vẫn đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.

Nhiều doanh nghiệp đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cách vận hành văn phòng sao cho có thể biến chi phí thuê và vận hành văn phòng hàng tháng thành chi phí linh hoạt, đồng thời mang tới môi trường làm việc thú vị hơn.

Trên thực tế, không chỉ riêng chị Hằng, mà nhiều bạn trẻ khác sinh sống tại TP.HCM cũng rơi vào tình trạng “lạc lõng” sau khi trở lại văn phòng hậu giãn cách. Còn nhiều người lao động lớn tuổi hơn thì vẫn lo ngại về tình hình dịch bệnh nên cũng có tâm lý không muốn đến văn phòng làm việc.

Ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Công ty Asian Holding cho biết, làm việc tại nhà tạo cho nhân viên cảm giác thoải mái, chủ động hơn trong làm việc, nghỉ ngơi. Nhưng có một thực tế là khối lượng công việc của công ty trong thời gian giãn cách xã hội thực chất đã giảm đi nhiều so với bình thường.

Doanh nghiệp thay đổi nhu cầu

Ở khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp đã thấm thía sự ràng buộc, cố định của việc thuê, đầu tư và tự vận hành một văn phòng theo cách truyền thống trong bối cảnh mà thị trường biến động từng ngày theo diễn biến của đại dịch.

Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cách vận hành văn phòng sao cho có thể biến chi phí thuê và vận hành văn phòng hàng tháng thành chi phí linh hoạt, đồng thời mang tới môi trường làm việc thú vị hơn để khuyến khích nhân viên đi làm một cách hiệu quả.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, một chi nhánh công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ tại TP.HCM đang tìm kiếm các văn phòng chia sẻ (co-working) phù hợp để chuyển đến. Đây được cho là giải pháp tiết kiệm tối ưu khi mà công ty này gần như không có nguồn thu từ phí môi giới giao dịch bất động sản cả năm nay.

Tương tự, một doanh nghiệp trong ngành marketing, chuyên cung cấp dịch vụ truyền thông và quảng cáo đã đầu tư vài tỷ đồng vào một văn phòng đặt trong tòa nhà hạng A tại quận 2, cũng đang tìm đơn vị để sang nhượng mặt bằng hoặc hợp tác khai thác, bởi sau thời gian giãn cách, số lượng nhân viên của công ty từ 150 người đã giảm xuống còn 30 người.

Hay như Công ty Chuo Senko Việt Nam, trước đó thuê mặt bằng có diện tích 500 m2 ở tòa nhà Ruby Tower (quận 1), thì nay đang tìm co-working để chuyển văn phòng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Dương Đỗ, CEO chuỗi văn phòng cho thuê Toong cho biết, giải pháp văn phòng mà các doanh nghiệp đang tìm tới sẽ là các văn phòng dịch vụ có thể hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết được song song hai thách thức lớn. Đó là linh hoạt chi phí và nâng cao chất lượng môi trường làm việc, củng cố được lòng tin trong tâm trí của đội ngũ nhân sự và đối tác.

Tuy nhiên, nhóm nhà phát triển dịch vụ văn phòng đạt được cả hai yếu tố vừa linh hoạt về chi phí, vừa có dịch vụ tốt không nhiều, nên dự báo “cháy hàng” ở mảng văn phòng này.

CEO Toong cho biết thêm: “Từ năm ngoái, nhiều công ty uy tín như KPMG, Deloitte, Connell Bros, Prudential, Dragon Capital, Bayer… đã chọn giải pháp phân tách nhân sự công ty thành các nhóm, làm việc song song tại các điểm khác nhau trong hệ thống mạng lưới của chúng tôi để phân tán rủi ro và tiện điều chỉnh quy mô hoạt động một cách linh hoạt”.

Đánh giá về sự thay đổi trong nhận thức của chủ doanh nghiệp, ông Daan Van Rossum, CEO chuỗi văn phòng cho thuê Dreamplex cho rằng, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều công ty nhận thấy nhân viên có thể hoàn thành công việc hiệu quả dù làm việc ở nhà hay ở văn phòng. Điều này khiến nhiều chủ doanh nghiệp thay đổi nhận thức về việc trả một nguồn chi phí lớn để thuê văn phòng như trước.

Ở các văn phòng truyền thống, các doanh nghiệp đang trả tiền thuê theo mét vuông, dù nhân viên có đi làm đầy đủ hay không. Chính vì vậy, họ đang tìm kiếm một mô hình ít bàn làm việc hơn, tương đương với ít không gian hơn và chi phí thấp hơn.

“Nhiều chủ doanh nghiệp khi làm việc với Dreamplex đang tìm kiếm giải pháp về một mô hình không gian làm việc kết hợp và linh hoạt hơn, nơi nhân viên có thể làm việc tại nhà, gần nhà hoặc tại văn phòng. Đây còn gọi là mô hình làm việc từ mọi nơi - Work From Anywhere”, ông Daan Van Rossum chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản