Tư vấn thiết kế kiến trúc nhà ở theo phong thủy và theo tuổi
Thiết kế kiến trúc cho một ngôi nhà vừa đáp ứng được các yêu cầu về công năng, tiện ích, vừa tốt phong thủy và tốt theo tuổi gia chủ luôn đòi hỏi nhiều yếu tố.

Thiết kế nhà ở theo phong thủy và theo tuổi

Kiến trúc sư, chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, Phó Viện trưởng Viện Lý học phương Đông chia sẻ kinh nghiệm thực tế về việc thiết kế kiến trúc và phong thủy ngôi nhà có mặt tiền 7,5 m, cho chủ nhân ngôi nhà sinh năm 1981.

Theo chuyên gia, khi xem phong thủy để biết một lô đất tốt hay xấu, có hợp với mệnh số của gia chủ hay không, cũng là việc không đơn giản. Tiếp đến, với mong muốn và nhu cầu xây dựng một ngôi nhà đáp ứng được nhu cầu sử dụng của gia đình và mục đích kinh doanh, vừa tốt theo phong thủy và hợp lý công năng kiến trúc cũng là điều không đơn giản. Bởi giữa kiến trúc sư và thầy phong thủy có nhiều điều không thống nhất.

Bước 1: Đến thực địa xem địa hình và đo hướng khu đất:

Địa hình xung quanh đất bằng phẳng, nằm trong quy hoạch khu đô thị, không có ao hồ. Thế và hướng của ngôi nhà tính theo Đông Nam 140 độ. Mặt tiền rộng 7,5m và sâu 11m.

Bước 2: Tiếp nhận nhiệm vụ thiết kế

Yêu cầu công năng tổng thể nhà xây 3 tầng, cộng thêm 1 tầng lửng. Với công năng tổng thể gồm 1 phòng khách, 1 bếp và 4 phòng ngủ, 1 phòng thờ, 1 sân phơi, nhà có 1 thang máy và 1 thang bộ.

Bước 3: Tính toán phong thủy, vẽ kích thước khổ đất và án ngữ đồ hình phong thủy, như hình dưới

Đồ hình phong thủy án ngữ vào lô đất
Đồ hình phong thủy án ngữ vào lô đất
Từ đồ hình phong thủy tính theo 8 hướng - 24 sơn - 72 long, chia nhà thành 9 cung. Việc phân 9 cung không phải là chia thành 9 ô vuông theo kiểu ô cờ bằng nhau. Như hình trên trung cung là ở giữa có màu sậm hơn, còn 4 cung vàng là Đông tứ trạch, 4 cung trắng là Tây tứ trạch.

Căn cứ vào đồ hình án ngữ chuẩn vào khu đất, biết được phương vị nào vượng và phương vị nào suy. Chọn được vị trí cửa chính, vị trí khu đặt bếp.

Chọn vị cửa chính theo phong thủy có 3 vị trí: nằm ở giữa mặt tiền gọi là chính môn; nằm ở bên trái từ trong nhìn ra gọi là tả môn; nằm ở bên phải từ trong nhìn ra là hữu môn. Không phải cứ nằm ở bên Thanh Long là tốt hơn bên Bạch Hổ.

Với nhu cầu công năng tầng 1 dùng vào nhiều mục đích: trước mắt là có phòng khách, có thể để ô tô ở trong nhà khi cần, hoặc cho thuê hoặc tự kinh doanh, nên phải mở 2 cửa, 1 cửa rộng là cửa chính để xe ô tô ra vào được, 1 cửa phụ để đi lại cho riêng biệt với không gian kinh doanh và cũng là cửa để dắt xe máy ra vào nhà.

Xem phong thủy toàn diện theo các trường phái phong thủy thì bếp đặt ở cung Lục Sát và có hướng nhìn về Sinh Khí. Nhiều người cho rằng, người đứng nấu quay lưng ra cửa là không tốt theo nhiều lý do, nhưng khi xem phong thủy cho bếp thì bếp là chủ thể và người là khách thể. Nên vị trí và hướng của bếp tốt theo phong thủy mới là quan trọng, vì thời gian đứng nấu ở bếp rất ít, mà lúc nấu cũng không đứng một chỗ, nên không tính hướng của người.

Cũng như vậy, ban thờ thường đặt nhìn ra mặt tiền và hợp tuổi với chủ là tốt nhất, trước ban thờ có cửa ra vào là rất tốt, bởi khi cúng bái, chúng ta mở cửa đón các bậc tâm linh. Người cúng lễ, không nhất thiết phải đứng nhìn thẳng với ban thờ, có thể đứng lệch ra một bên và quay chéo một chút. Như vậy, sẽ không quay lưng ra cửa.

Nhiều người cho rằng, trước ban thờ không được mở cửa ra vào, điều này là không lý về tâm linh và phong thủy. Chúng ta thấy, từ đền chùa và nhà thờ hay nhà 5 gian ở quê, luôn đặt gian thờ ở chính giữa và thẳng cửa chính.

Khi chọn vị trí giường ngủ cho các thành viên, không đơn giản là đặt sao cho phù hợp với phong thủy Bát Trạch, tức là theo 8 hướng, mà còn phải tốt theo 24 sơn và 72 long. Hơn nữa, còn phải giải lá số tứ trụ của hai vợ chồng và các thành viên, để chọn ra các vị trí giường ngủ tốt theo từng người.

Như vậy, nhà này chọn được các phương vị đặt ban thờ và giường ngủ của vợ. Ở đây không chỉ chọn theo mỗi trường phái bát trạch, mà còn phải tính theo Loan đầu, Huyền không Phi tinh và Tứ trụ…

Bước 4: Vẽ các phương án thiết kế nhà

Nếu không xác định được các khu vực tốt xấu, để chỉ định các công năng kiến trúc. Hoặc một số nhà, gặp kiến trúc sư thiết kế nhà xong rồi mới gặp thầy phong thủy. Có khi toàn bộ công năng của nhà sẽ phải thay đổi và bản vẽ lại bỏ đi không dùng được.

Vậy nên trước khi thiết kế, phải được chỉ định chính xác theo 8 hướng và 9 cung, thì ban thờ, bếp, giường đặt vào cung nào và quay về đâu. Từ đó, thiết kế mặt bằng các tầng mới không bị thay đổi.

Tuy nhiên, khi thiết kế các mặt bằng không chỉ có một phương án mà có nhiều phương án như sau (hình 2, hình 3):

ảnh 2
ảnh 3 
Ở hai phương án tầng 1 ở trên, cầu thang bộ và thang máy đổi chỗ nhau, đã thấy không gian kiến trúc ở tầng 1 có cảm quan khác nhau rất lớn. Phương án chọn là phương án 2, có cầu thang bộ ở ngoài tạo cảm quan thoáng và trang trí nội thất đẹp hơn so với phương án 1.

Khi chưa kinh doanh hoặc không để ô vào nhà, thì không gian 1 được đặt phòng khách, không gian 2 đặt bếp. Trường hợp để xe ô tô vào nhà thì không gian 1 được hạ nền thấp hơn so với không gian 2 một bậc, để không bị bụi bẩn đến không gian 2 là khu khách.

Nếu tầng một dùng làm kinh doanh thì không gian cửa phụ 2 cánh đi lên cầu thang được ngăn vách với không gian 1 và 2, thang máy được khóa ở tầng 1. Như vậy, việc đi lên xuống các tầng trên là riêng biệt, không ảnh hưởng tới người thuê tầng 1.

Chúng ta cùng xem mặt bằng tầng lửng như sau

ảnh 4
Tầng lửng với diện tích đủ rộng để làm khu bếp và ăn, để tạo không khí sum họp gia đình và thân thiện khi có khách đến thì đặt thêm một bộ bàn ghế khách nhỏ, vừa là không gian sinh hoạt chung cho gia đình trước khi ăn cơm, cũng dùng để tiếp khách được nếu tầng 1 cho thuê hoặc tự làm kinh doanh.

Tiếp đến, chúng ta xem các phương án kiến trúc của tầng 2

ảnh 5
Tầng 2 có 3 phòng ngủ, 1 phòng vợ chồng có vệ sinh khép kín, với hai mặt thoáng, liền với ban công, tạo không gian thoải mái và công năng tiện dụng.

Hai phòng ngủ còn lại cho các con và có một vệ sinh chung, chọn giường cho các con theo phong thủy là phải giải lá số tứ trụ để chọn, chứ không phải mỗi hướng hợp theo bát trạch.

Để chọn được phương án kiến trúc của các tầng hợp lý theo khuôn đất và theo phong thủy, kiến trúc sư cũng đã lên nhiều giải pháp công năng khác nhau. Tuy nhiên, không diễn giải ra đây, vì sẽ làm rối trí mọi người.

Sau khi thống nhất được công năng của các tầng chính, tốt theo phong thủy và đảm bảo về kiến trúc. Lúc này, trao đổi với chủ đầu tư. Để điều chỉnh kích thước các phòng ngủ, vệ sinh, chiều rộng và số bậc của cầu thang.

Từ đó mới thiết kế tiếp tầng 3, có phòng thờ, sân phơi, rồi đưa ra giải pháp kết cấu nhà và móng. Tùy theo giải pháp móng loại gì thì sẽ ảnh hưởng tới phong thủy vị trí của bể phốt và bể nước. Nếu nhà làm móng bằng thì chân móng xòe ra, nên không đặt bể phốt và bể nước sát vào tường được. Nếu nhà làm móng ép cọc bê tông thì có thể điều chỉnh và xê dịch đài móng để đảm bảo các vị trí bể phốt và bể nước tốt theo phong thủy. Tuy nhiên, lưu ý nhà để xe ô tô ở trong thì khu vực xe ra vào không đặt bể được, vì sẽ gây nứt bể.

Để phân tích sâu hơn về phong thủy và kiến trúc, trong bài viết sau, chuyên gia sẽ sáng tỏ thêm các vấn đề.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản