Thời công nghiệp xanh "lên ngôi"
Hữu Tuấn - 03/08/2020 14:00
 
Việc xây dựng các nhà máy xanh, công trình xanh theo hướng bền vững, cũng như thiết lập mạng lưới công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng mới tích cực ở Việt Nam.
Một góc nhà máy sản xuất hộp giấy tiệt trùng Tetra Pak Bình Dương
Một góc nhà máy sản xuất hộp giấy tiệt trùng Tetra Pak Bình Dương

Xu hướng công nghiệp xanh lan rộng

Một màu xanh mát, không khí trong lành bao phủ khắp khuôn viên rộng 34,6ha của nhà máy sản xuất hộp giấy tiệt trùng Tetra Pak Bình Dương. Đây là nhà máy sản xuất bao bì đầu tiên tại Việt Nam vừa đạt được chứng nhận LEED Vàng - Phiên bản 4, phiên bản mới nhất với những tiêu chuẩn khắt khe nhất do Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (U.S. Green Building Council) cấp. Theo chia sẻ của tổ chức này, phiên bản 4 là phiên bản mới nhất của hệ thống LEED, nhằm nâng cao tiêu chuẩn xây dựng những công trình xanh với mục tiêu giải quyết hiệu quả tiết kiệm năng lượng, tài nguyên nước, thiết kế địa điểm bền vững, vật liệu, chiếu sáng ban ngày và giảm thiểu chất thải, cũng như đảm bảo sức khỏe cho người làm việc trong đó.

Theo tiết lộ của đại diện Tetra Pak Việt Nam, nhà máy xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Vàng đã giúp tiết kiệm tới 17.6 triệu lít nước/năm, tái sử dụng và tái chế 65% chất thải. Đặc biệt, nhà máy này có thể giảm phát thải 4.000 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm, tương đương với 200 chuyến bay vòng quanh thế giới. Hơn 70% sản phẩm trong nhà máy đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về phát thải hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, và đạt được tiêu chuẩn chất lượng không khí nghiêm ngặt đối với 37 hợp chất. Riêng nồng độ formaldehyd thấp hơn tới 66% so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, đảm bảo sự an toàn cho người lao động.

Trước đó, ở ngành công nghiệp bao bì, ngành được xem là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường, cũng chỉ có một doanh nghiệp được trao Chứng nhận nhà máy đạt chuẩn LEED. Việc lần đầu tiên có một doanh nghiệp đạt chứng chỉ LEED cấp độ Vàng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xu hướng công nghiệp xanh, nhà máy xanh cho ngành giấy và bao bì, một ngành thuộc nhóm bị đánh giá gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA, ngành giấy bao bì được đánh giá sẽ có những cơ hội phát triển lớn, đặc biệt là sự tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường. Tuy nhiên, ngành giấy Việt Nam vẫn đang đối mặt nhiều thách thức lớn về cạnh tranh.

“Để hướng tới sự phát triển bền vững ngành giấy, bao bì cần phải giảm thiểu những tác động tiêu cực lên môi trường, bởi trên thực tế, nhiều nhà máy giấy tại Việt Nam từng đứng trước thách thức lớn về môi trường, kể cả những nhà máy có quy mô lớn. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đang tập trung phát triển các giải pháp đóng gói riêng để có thể tái sử dụng. Việc phát triển các bao bì "xanh" không những mang lại hiệu quả về mặt sinh thái môi trường, hạn chế ô nhiễm mà còn góp phần giúp thương hiệu của các doanh nghiệp trở nên tốt hơn đối với người tiêu dùng”, ông Sơn đánh giá.

Cùng với lĩnh vực giấy và bao bì, các ngành sản xuất khác cũng đã nỗ lực “xanh hóa” hoạt động sản xuất của mình. Theo số liệu của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), tính đến hết tháng 4/2020, có 76 dự án tại Việt Nam đã đạt chứng nhận LEED.

Vì sao “chuộng” công trình xanh, công nghiệp xanh?

Những năm gần đây, việc xây dựng, vận hành các công trình công nghiệp xanh theo tiêu chuẩn LEED đang được nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, đặc biệt coi trọng. Đối với cộng đồng, LEED không chỉ có ý nghĩa trong sử dụng hiệu quả nước và năng lượng, thải ít khí CO2, sử dụng nguồn nước hiệu quả, tận dụng tốt các nguồn tài nguyên ở địa phương mà còn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng, là “điểm cộng” của doanh nghiệp đó đối với đất nước, xã hội và người dân.

 “Xu hướng xây dựng công nghiệp xanh, nhà máy xanh, kiến trúc xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu của tương lai bởi những năm qua chúng ta chú trọng phát triển kinh tế nhưng đã để lại nhiều hậu quả nặng nề về môi trường sống. Để cân bằng lại, việc xây dựng các công trình xanh, tiết kiệm năng lượng rất cần thiết, nhất là các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp đang nêu cao tinh thần “xanh” trong việc sản xuất”, TS. KTS Nguyễn Việt Huy, Khoa Kiến trúc và quy hoạch (Đại học Xây dựng) nhận xét.

Theo ông Huy, việc đạt được những chứng chỉ như LEED, LOTUS không chỉ đánh giá ý thức trong việc gìn giữ môi trường của doanh nghiệp mà còn đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Và đây chắc chắn là xu thế của tất yếu của tương lai. Cùng với ý thức trách nhiệm xã hội thì công nghiệp xanh còn mang lại lợi ích thiết thực và to lớn đối với chính doanh nghiệp.

Với những đột phá về công nghệ, ngành công nghiệp bao bì ngày một thân thiện hơn với môi trường
Với những đột phá về công nghệ, ngành công nghiệp bao bì ngày một thân thiện hơn với môi trường

Theo GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, nếu sử dụng các biện pháp thiết kế kiến trúc mới và kết hợp với trang thiết bị nội thất hiện đại thì chi phí đầu tư công trình xanh cao hơn công trình thông thường cùng loại trung bình khoảng 5%, cao nhất khoảng 15%, nhưng chi phí vận hành sử dụng công trình sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20-30% do tiết kiệm sử dụng năng lượng, nước sạch và các chi phí khác. Do đó, chỉ sau 4-5 năm vận hành công trình xanh, số tiền tiết kiệm có thể bù đắp vốn đầu tư. Từ năm thứ 5 trở đi và lâu dài về sau tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành ngày càng lớn.

Đồng quan điểm, Đại diện Tetra Pak Bình Dương cho biết, sau khi hoàn thiện và đi vào vận hành theo tiêu chuẩn LEED, các số liệu của công ty đã cho thấy hiệu quả sản xuất và năng suất lao động của công nhân và cả nhân viên khối gián tiếp có mức tăng đáng kể.

Nhận định về xu thế phát triển công trình xanh của Việt Nam, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng, phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu trên thế giới. Nếu có cơ chế, chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ phát triển mạnh công trình xanh trong thời gian tới và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng.

“Bộ Xây dựng đang giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển loại hình này để trình cấp thẩm quyền xem xét ban hành. Chính sách này sẽ định hướng và quy định các vấn đề liên quan đến yêu cầu phát triển công trình xanh trong các công trình xây dựng mới, hoặc công trình cải tạo, từ đó tổng kết, đánh giá, đề xuất chính sách phát triển công trình xanh, nhà máy xanh, công nghiệp xanh...”, ông Thịnh cho biết.

Có thể thấy rằng, công trình công nghiệp xanh tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ với con số ấn tượng theo từng năm, tác động lớn đến tiến trình phát triển theo hướng bền vững cũng như thiết lập mạng lưới công nghiệp xanh. Đây là tín hiệu tích cực thúc đẩy nền công nghiệp Việt Nam nhanh chóng, tạo được thương hiệu vươn ra thị trường toàn cầu mà vẫn đảm bảo phát triển bền vững. Đây cũng là xu hướng mới hội nhập thế giới về phát triển xanh đáp ứng được yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, giảm chi phí cho chủ doanh nghiệp khi vận hành công trình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản