Thị trường bất động sản TP.HCM: Tái xuất dự án “ma”
Gia Huy - 15/05/2019 10:08
 
Đầu tháng 5/2019, UBND phường Phú Thuận (quận 7, TP.HCM) đã ra văn bản thông báo, trên địa bàn phường không có bất kỳ dự án nào mang tên “Dự án khu dân cư Venica Garden”. Nguyên nhân bởi trước đó vài tháng, giới cò đất rầm rộ thông tin về việc mở bán dự án trên.
.
Thị trường bất động sản tại TP.HCM thời gian qua khan hiếm nghiêm trọng nguồn cung đất nền, dẫn tới việc các đối tượng môi giới lợi dụng “cơn khát” này để lừa đảo trục lợi.

Lừa đảo trắng trợn

Từ đầu năm 2019 tới nay, trên các tuyến đường của TP.HCM liên tục xuất hiện những tờ rơi quảng cáo về Dự án Venica Garden. Trên các trang quảng cáo mua bán nhà đất cũng liên tục xuất hiện thông tin chào bán dự án này với nội dung: Dự án Venica Garden có tổng diện tích khoảng 10.000 m2, với 118 nền, giá chỉ 2,8 tỷ đồng/nền. Diện tích các lô đất từ 50 - 75 m2. Khách hàng mua đặt cọc ngay 100 triệu đồng, 7 ngày sau thanh toán tiếp 30%, sau đó tiếp tục thanh toán số tiền còn lại.

Dự án “ma” này cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại và quảng cáo “có cánh” như: Dự án nằm cạnh sông và các dự án tỷ đô; quà tặng lên đến 10 chỉ vàng cho mỗi khách chỉ trong 1 đợt; cam kết mua lại lợi nhuận 10% trong 6 tháng... Theo các thông tin giới thiệu trên mạng, Dự án do Công ty Kim Tây Nam làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, ngày 2/5 vừa qua, ông Trần Nguyễn Hoàng, Chủ tịch UBND phường Phú Thuận đã ký Văn bản số 586/TB-UBND, khẳng định trên địa bàn phường không có dự án nào mang tên khu dân cư Venica Garden.

Cũng đầu năm 2019, tại khu Dự án Làng đại học Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức) liên tục xuất hiện nhiều nhân viên môi giới đứng chào bán đất nền phân lô được quảng cáo có diện tích 5x15, 5x20 tại tổ 5, khu phố 6, phường Linh Trung. Khi người dân tìm hiểu mua thì những môi giới này giới thiệu một khu đất trống đang được phân lô nhưng chưa xây dựng hạ tầng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Văn Đức, một khách hàng cho biết, thấy vị trí đất đẹp, ông tìm tới UBND phường Linh Trung để tìm hiểu pháp lý dự án thì phát hiện đây không phải đất dự án phân lô, mà là đất trong quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM.

Cũng từ phản ánh của ông Đức mà sau đó, UBND phường Linh Trung đã ra Văn bản số 57/TB-UBND với nội dung, vị trí bãi đất trống mà các đối tượng môi giới rao bán trên địa bàn phường Linh Trung là khu đất nằm trong quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM, đang chờ thực hiện chính sách giải tỏa đền bù.

Mới đây nhất, hàng trăm người dân đã kéo tới UBND xã Đông Thạnh và Nhị Bình (huyện Hóc Môn) để báo việc mình bị lừa mua đất nền tại một dự án mang tên “Khu dân cư mở rộng Hóc Môn” tại hai xã này.

Cụ thể, dự án “ma” này có 330 nền, mỗi nền có giá hơn 600 triệu đồng và đã bán hết cho người dân. Thế nhưng, sau khi mua đất nền tại đây, người dân không thấy bất cứ hoạt động xây dựng hạ tầng nào, nên tìm tới UBND xã tìm hiểu thì mới phát hiện là bị lừa.

Ngăn chặn từ đầu

Nguyên nhân xảy ra tình trạng dự án “ma” đến từ việc thị trường bất động sản tại TP.HCM thời gian qua khan hiếm nghiêm trọng nguồn cung đất nền. Nhu cầu mua đất nền phân lô luôn cao, nhưng nguồn hàng thì lại nhỏ giọt, dẫn tới các đối tượng môi giới lợi dụng “cơn khát” này để lừa đảo trục lợi.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Hoding cho biết, trong các năm 2016 tới 2018, nhiều doanh nghiệp bất động sản đua nhau thành lập, trong khi đó, nguồn hàng từ năm 2017 tới nay giảm sút nghiêm trọng, dẫn tới cảnh doanh nghiệp quẫn trí làm liều.

“Có doanh nghiệp mua được quỹ đất, hoặc bắt tay với nhà đầu tư có quỹ đất lớn, rồi tự ý phân lô bán. Với mục đích bán trước làm sau, khi thu được tiền sẽ lấy tiền này đóng tiền sử dụng đất, tiền lập dự án, tiền làm hạ tầng để nộp hồ sơ pháp lý cho chính quyền địa phương. Đây là hình thức “mỡ nó rán nó”, lấy trước tiền của khách hàng làm dự án, từng diễn ra rất nhiều tại các tỉnh lân cận TP.HCM”, ông Hậu nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh cho biết thêm, Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của TP.HCM quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đang bị tắc. Hàng ngàn hồ sơ xin được phân lô tách thửa được người dân nộp lên cơ quan chức năng, nhưng thời gian dài chưa được giải quyết bởi chưa có hướng dẫn, nên không cơ quan nào dám chấp nhận phân lô, đã tạo ra việc doanh nghiệp môi giới làm liều, phân lô bán trước rồi khi có quyết định làm sổ sau.

Dù gì thì việc các “cò” đất, công ty môi giới bất động sản ngang nhiên vẽ dự án “ma”, rao bán là trái pháp luật. Cách xử lý của các cơ quan chức năng hiện nay chủ yếu mang tính chất tuyên truyền, giải quyết hậu quả, trong khi lẽ ra phải có giải pháp ngăn chặn ngay từ đầu.

Theo luật sư Nguyễn Văn Dũng, Đoàn luật sư TP.HCM, với các trường hợp bán đất quy hoạch dự án Làng đại học Quốc gia xảy ra trên địa bàn phường Linh Trung, hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an cần điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng.

Ông Dũng cũng khuyến cáo khi quyết định mua đất, người dân cần tìm hiểu kỹ pháp lý của khu đất dự án, mà đơn giản nhất là lên UBND xã, phường để hỏi xem dự án có thật hay không.

Văn phòng thừa phát lại không được chứng nhận cho mua bán đất trái luật

Luật sư Nguyễn Văn Dũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể xử lý việc này một cách nhanh chóng. Hiện nay, các cá nhân, tổ chức lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để đưa hợp đồng qua các văn phòng thừa phát lại, thay vì thực hiện ở văn phòng công chứng. Theo quy định, thừa phát lại không có chức năng công chứng hồ sơ nhà đất, bởi vậy, Sở Tư pháp TP.HCM cần yêu cầu các văn phòng thừa phát lại chấm dứt việc chứng nhận cho hồ sơ mua bán đất trái pháp luật.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản