Tận dụng kinh nghiệm quốc tế xây dựng thành phố thông minh
Hồng Quảng - 03/10/2019 13:07
 
Theo ông Ted Kim, CEO của KIMC Group, những kinh nghiệm và công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam giải bài toán xây dựng thành phố thông minh.
.
Ông Ted Kim, CEO của KIMC Group,.

Tham dự Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019) tại Hà Nội, các đại biểu và chuyên gia xây dựng thành phố thông minh của Hàn Quốc sẽ chia sẻ gì với phía Việt Nam, thưa ông?

Hàn Quốc đã có bước chuyển đổi thần tốc, là quốc gia có tốc độ đô thị hóa chóng mặt, với hơn 90% người dân Hàn Quốc sinh sống tại khu vực đô thị.

Tháng 12/2017, Hàn Quốc đã công bố kỷ nguyên “Thành phố thông minh”, là một phần quan trọng trong chính sách phát triển quốc gia. Thành phố thông minh được chọn là một trong 8 sáng kiến tăng trưởng sáng tạo (IGI) trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0). Theo đó, chính quyền các địa phương tập trung vào phát triển thành phố thông minh, còn các viện và đơn vị nghiên cứu, thử nghiệm nỗ lực nghiên cứu đưa ra các công nghệ và hệ thống 4.0 để thực hiện mục tiêu phát triển thành phố thông minh.

Đến với Diễn đàn lần này, chúng tôi mong muốn giới thiệu những công nghệ phát triển thành phố thông minh hàng đầu của Hàn Quốc tới Việt Nam. Hầu hết các công nghệ này được phát triển bởi các viện nghiên cứu do chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ, gồm Viện Kỹ thuật và Công nghệ xây dựng Hàn quốc (KICT), Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc, Trung tâm Dịch vụ sở hữu trí tuệ Hàn Quốc...

Ngoài ra, việc phát triển thành phố thông minh của Hàn Quốc còn có vai trò tư vấn dịch vụ số hóa giáo dục của Ducogen. Cụ thể, chương trình “Wiseflow” của Ducogen cung cấp cho học viên hệ thống giáo dục số hóa 100% và thích hợp với mô hình giảng dạy theo tiêu chí kiểm tra và phản hồi với học viên. Hiện hệ thống giáo dục này được hơn 40% trường học ở Bắc Âu chấp nhận.

Tựu trung, chúng tôi muốn chia sẻ với Việt Nam không chỉ về công nghệ, mà cả ở tầm nhìn và triết lý phát triển thành phố thông minh.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam?

Trước khi nói về tương lai phát triển thành phố thông minh ở Việt Nam, tôi muốn đề cập đến một số cách làm quốc tế về vấn đề này.

Vào năm 1980, Trung Quốc có tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn mức trung bình của thế giới, chỉ với 20,1%, nhưng đến năm 2018, tốc độ đô thị hóa của nước này tăng gần gấp 3 lần, lên 59,6%. Mỗi năm, chính phủ Trung Quốc hỗ trợ dịch chuyển 10-14 triệu người từ khu vực nông thôn và ngoại thành sang sinh sống tại các khu vực trung tâm.

Còn với Hàn Quốc, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90% và đang đẩy mạnh xây dựng các thành phố thông minh trên phạm vi toàn quốc.

Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2018, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt khoảng 35%, thấp hơn mức trung bình thế giới (54%) và thậm chí là thấp hơn mức trung bình của ASEAN (46%). Thời gian tới, gần 1% người dân Việt Nam sẽ chuyển sang sinh sống tại khu vực thành phố. Tốc độ đô thị hóa cao có thể gây ra những tác dụng không mong muốn, nhưng đây là xu hướng tất yếu ở Việt Nam.

Từ thực tiễn của Hàn Quốc và Trung Quốc, tôi cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển thành phố thông minh. Việt Nam đủ thông minh để sàng lọc, học hỏi những kinh nghiệm tốt và loại bỏ những bất cập từ thực tiễn phát triển thành phố thông minh ở Hàn Quốc và Trung Quốc.

Chính phủ Việt Nam cần phải làm gì để phát triển thành phố thông minh, thưa ông?

Tôi cho rằng, nếu không có sự chỉ đạo mạnh mẽ của chính quyền Trung ương, bất kỳ dự án thành phố thông minh nào cũng không thể triển khai được, bởi sự phát triển của thành phố thông minh cần huy động hầu hết các nguồn lực và đầu tư mạnh mẽ, nhất là đề ra chính sách và quy định cụ thể, phát triển công nghệ và huy động sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân.

Nói cách khác, phát triển thành phố thông minh trên phạm vi toàn quốc đồng nghĩa sẽ chạm tới “mọi ngõ ngách” đời sống người dân. Do vậy, Chính phủ Việt Nam nên lưu ý xây dựng chính sách phát triển thành phố thông minh dài hạn, toàn diện và hỗ trợ triển khai thực hiện, đồng thời có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống giám sát thường xuyên để tiếp nhập phản hồi chính sách liên quan đến phát triển thành phố thông minh. Bất kỳ thành phố thông minh nào cũng cần phát triển hạ tầng, đặc biệt hệ thống giao thông công cộng phù hợp với tình hình của riêng mình. Chẳng chính phủ nào có thể đảm bảo ngân sách cho toàn bộ các dự án thành phố thông minh. Do vậy, Chính phủ Việt Nam nên đề ra các ưu đãi và chính sách phù hợp theo hình thức BOT để huy động sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài.

KIMC có kế hoạch tham gia xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam ra sao, thưa ông?

KIMC là nhà tổ chức gian hàng thành phố thông minh Hàn Quốc tại Industry 4.0 Summit 2019, chúng tôi sẽ chia sẻ các bài học kinh nghiệm với Việt Nam.

Với tư cách là cổ đông số 1 tham gia thành lập Campus K - mô hình chia sẻ không gian làm việc có trụ sở tại Mỹ Đình (Hà Nội) vào tháng 11/2018, KIMC đang hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và startup của Hàn Quốc “định cư” và phát triển tốt tại thị trường Việt Nam.

Ngoài tham gia Diễn đàn lần này, thay mặt Trung tâm Fintech Hàn Quốc - một cơ quan của Chính phủ Hàn Quốc có nhiệm vụ thúc đẩy ngành công nghiệp Fintech, KIMC đang lên kế hoạch tổ chức một sự kiện thú vị mang tên “Fintech Demo Day” vào tháng 10 này. Còn trong tháng 11, KIMC sẽ phối hợp với IEC - đơn vị tổ chức Industry 4.0 Summit 2019, tổ chức Triển lãm công nghệ Internet vạn vật (IoT) và an ninh mạng “Korea Cyber Security & IoT Pavilion” tại TP.HCM.

Chúng tôi rất tin tưởng các sáng kiến đề xuất đó sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế đổi mới sáng tạo mà Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản