Rào chặn tín dụng nhà ở xã hội
Ngô Sơn - 02/11/2023 09:03
 
Sau hơn nửa năm triển khai, nhưng tỷ lệ giải ngân chưa đến 0,07% tổng vốn (tương đương 83 tỷ đồng) cho thấy Chương trình Tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng chung cư cũ đã và đang gặp quá nhiều rào cản, đòi hỏi phải sớm có giải pháp tháo gỡ đồng bộ.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã phải ra Công điện 993/CĐ-TTg, ngày 24/10, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục, điều kiện cho vay, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình.

Lý giải sự chậm trễ trong giải ngân gói 120.000 tỷ đồng, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ thủ tục xây dựng các dự án nhà ở xã hội rất phức tạp, mất nhiều thời gian để hoàn thiện. Nhưng với thực tế TP.HCM - địa phương có nhu cầu lớn nhất nhì về dự án nhà ở xã hội, song lại chưa hề giải ngân được đồng nào - thì có lẽ, đó chỉ là một trong những nguyên nhân.

Không thể vay vốn là bởi hầu hết chủ đầu tư dự án tại TP.HCM khó có cơ hội tiếp cận gói vay do ngân hàng yêu cầu phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Trong khi đó, hầu hết chủ đầu tư dự án, sau khi có quyết định giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, các chủ đầu tư này không thể hoàn thiện đầy đủ hồ sơ vay vốn theo yêu cầu của ngân hàng. Điểm đáng nói nữa, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, ngay những dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành cũng chưa có dự án nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ở đây cũng không thể trách ngân hàng, bởi ngân hàng cũng như doanh nghiệp, phải tuân thủ quy định trong ngành, tuân thủ luật pháp, phải đảm bảo các yếu tố bảo toàn vốn, nếu không người ký duyệt hồ sơ sẽ bị xử lý.

Như vậy, để tháo gỡ rào cản từ ngân hàng tới chủ dự án, điều quan trọng là phải điều chỉnh chính sách, quy định pháp luật liên quan để người có trách nhiệm “đủ can đảm” ký cho vay. Nhưng chỉ gỡ rào cản này là chưa đủ, mà phải gỡ hàng loạt quy định liên quan, có thể giúp cung - cầu gặp nhau.

Đơn cử, theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, trong các điều kiện để được mua nhà ở xã hội, có tiêu chí người mua là người có thu nhập thấp tại đô thị. Trong đó, điều kiện quan trọng để trở thành người thu nhập thấp là mọi thành viên trong gia đình thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức thu nhập mỗi người không quá 11 triệu đồng/tháng.

Điều đáng nói là với mức này, nhiều công nhân chỉ cần làm chăm chỉ, tăng ca là có thể đạt và thu nhập 11 triệu đồng/tháng chỉ đủ chi phí cho sinh hoạt hàng ngày ở thành phố lớn, không còn tích lũy, không đủ đóng trước 20% tiền nhà và hình thành nguồn để trả trong 20 năm khi vay vốn mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội lại tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và oái oăm là giá nhà ở xã hội tại TP.HCM cũng cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Do đó, việc đánh đồng ngưỡng thu nhập trong tiêu chí mua nhà ở TP.HCM cùng mức với các địa phương khác đã khiến nhiều hồ sơ rớt từ "vòng gửi xe”.

Thực tế cho thấy, nếu muốn cầu gặp cung thì phải nâng cả mức đóng thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh thêm ít nhất 25%. Tức tăng mức thu nhập tối thiểu không phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ 11 lên 13 triệu đồng và tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4,4 triệu đồng lên 5,5 triệu đồng/tháng.

Tiếp nữa, phải gỡ hàng loạt rào cản ở quy trình thủ tục. Đơn cử như yêu cầu muốn mua nhà ở xã hội, người mua nhà phải nộp thêm bản sao công chứng sổ đỏ của ngôi nhà... đang thuê trọ. Tình thế này khiến cả những người có đầy đủ tiêu chí, song vẫn ra về khi kê khai hồ sơ mua nhà, bởi chủ nhà thẳng thừng từ chối với lý do không đủ tin tưởng để giao sổ đỏ - vốn là giấy tờ hết sức quan trọng - cho… người thuê trọ đi công chứng.

Đó là chưa kể những yêu cầu khác, khiến hàng trăm ngàn người có nhu cầu mua nhà ở xã hội gặp khó, như yêu cầu xác định thành viên của hộ gia đình để xét đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Thực tế, hộ gia đình có thể gồm nhiều gia đình nhỏ (vợ, chồng, con) hoặc trong hộ gia đình chỉ có vợ, chồng và con đăng ký thường trú hoặc người ở nhờ cùng đăng ký cư trú. Như vậy, việc quy định “Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình" sẽ dẫn đến tình trạng, hộ gia đình có nhiều người, nhiều thế hệ cùng đăng ký thường trú khó được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản