Người đi qua nhà vương nhiều kỷ niệm!
Có những con người đi qua chốn định cư và lưu lại dấu ấn. Thậm chí, người đi qua nhà còn nhiều kỷ niệm hơn người đi qua người.

1.

Bữa tôi xuống mảnh vườn nhỏ của mình ở Bình Chánh, gặp lại Phúc - người giữ vườn của nhà hàng xóm. Phúc nói, hàng tối cậu đi làm ở dưới Sài Gòn, sửa chữa tiệm bán cơm cho một người quen, đến sáng thì trở lại vườn. Lẽ ra, có thể ở dưới đó luôn, nhưng vì nhớ vườn quá, đành phải về.

Phúc là người Quảng Ngãi, đã 37 tuổi mà chưa chịu lấy vợ. Không biết đưa đẩy sao mà quen ông chủ vườn đã chừng hơn 10 năm nay. Trước đây, ông chủ mua miếng đất vườn ở đường Vườn Lài, quận Tân Bình. Ngày đó, Vườn Lài đúng thực sự là vườn, chứ đâu phải con phố tấp nập như bây giờ. Nhà cửa còn thưa thớt, vắng vẻ. Mỗi m2 đất vườn khi ấy có 200.000 đồng. Phúc được ông chủ thuê, cải tạo đất, dọn dẹp vườn và xây cất nhà. Dần dần đất được quy hoạch lên thổ cư, mỗi m2 hiện giờ đang được giao dịch 28-30 triệu đồng. Bán dần đi để thu hồi dòng tiền, ông chủ mỗi ngày mỗi giàu có. Phố thị sầm uất rồi, ông lại kiếm chỗ khác làm vườn. Và lại giống như trước đây, miếng đất vườn Bình Chánh cũng chỉ được mua với giá vài trăm ngàn đồng mỗi m2.

Sau khi chuyển đổi lên đất nông nghiệp khác, cứ mỗi sổ đất sẽ được xây căn nhà nhỏ, nên Phúc lại bắt tay vào thực hiện “dự án” mới. Chỉ sau hơn 1 năm, khu đất hoang của vườn mía ngày trước đã hình thành nên căn nhà kiểu biệt thự vườn mái Thái. Cây trái xung quanh tươi tốt, xanh đẹp. Bất cứ ai tới đều trầm trồ khen ngợi. Giờ, vườn nhà đã ổn định, Phúc tính xin ông chủ ra chỗ khác làm, nhưng thực lòng ông chủ tha thiết giữ quá và còn thêm lại bị mảnh vườn níu chân.

Cậu kể, sáng sớm mở cửa ra, gió lùa vào mát lạnh và trong lành, thấy yêu thích nơi này lắm. Đêm ngủ thẳng giấc, chẳng mộng mị gì, cả ngày làm việc khỏe re. Trồng cây từ khi cây còn xíu xiu, giờ đã có hoa có trái, tự nhiên thấy mến tay mến chân. Mảnh đất dường như cũng cần có bàn tay của người làm vườn khéo léo, nên cứ giao cho người khác trông coi tạm chục ngày Phúc đi vắng, là về thấy có cây héo queo. Dưới ao, cá cũng bớt nhảy nhót mỗi khi được búng đồ ăn.

Phúc ở một mình khu vườn rộng rinh, chỉ cuối tuần ông bà chủ đưa các con ghé chơi, nên buồn. Cậu nói, có quen một cô bán tạp hóa gần đó nhưng chắc chẳng tới đâu. Cô suốt ngày điện thoại “canh” Phúc, sợ cậu đi chơi chỗ khác. Hơn thế, cô lại còn có 2 đứa con riêng sau khi đã ly dị ông chồng đầu. Phúc tính, chắc vài năm nữa mới có thể biết được chuyện lập gia đình thế nào. Chỉ biết, giờ đã năm bảy lần muốn xuống Sài Gòn mà vẫn lưu luyến chưa rời đi được.

2.

Chuyện gắn bó với nơi ở, giống như sự sắp xếp vô tình mà hữu duyên. “Khi ta đi, đất hóa tâm hồn”. Tôi có anh bạn nhà ở quận11 cho người ta thuê căn nhà tính đến nay đã tròn 32 năm. Căn nhà ấy nằm trong khu dân cư khá đông đúc. Ngày trước, anh mua nhà để giữ tiền, nhưng vì không ở nên cho một gia đình thuê. Họ vừa ở vừa bán hàng, lâu dần quen rồi, chẳng muốn chuyển đi chỗ khác. Đã nhiều dịp người thuê đánh tiếng muốn mua lại căn nhà, nhưng anh không bán. Tiền thì không cần tới, bán đi ăn xài đâu cần thiết. Cứ mỗi tháng, đều đặn mấy chục năm nay, người thuê nhà lại mang tiền ghé tận nhà trả. Và tất nhiên, giá thuê cũng tăng theo thời gian. Anh bạn chia sẻ, khoản tiền cho thuê đến nay đã vượt quá số tiền mua nhà, tính theo giá vàng. Người đi thuê nhà ở từ đó tới giờ quen chỗ quá rồi, cứ thế mà sống, mà làm ăn. Cũng không suy nghĩ gì thêm cho nặng đầu.

Với những nơi ở nặng tình, thì chẳng quan trọng đó là nhà của mình hay nhà đi thuê. Rồi ngày qua ngày, mọi thứ sẽ trôi qua, thậm chí người ta phải đối mặt càng gần hơn với những năm tháng cuối đời, nhưng vẫn luôn thích ở nơi nào thấy phù hợp bản thân nhất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản