Ngày Tết nhớ... quê!
Đã bao năm bon chen nơi phố thị, ngày thường chẳng sao, nhưng y như rằng, cứ trước ngày ông Công, ông Táo vài hôm, nỗi nhớ quê lại dấy lên da diết.
Ảnh: Thành Nguyễn
Ảnh: Thành Nguyễn

Tôi còn nhớ, ngày bé, cứ gần cuối năm, khi cái rét ngọt đã làm mọi thứ cỏ cây như thu lại, thì cây bưởi dây đầu nhà lại bắt đầu ruộm lên sáng vàng. Nhà tôi có đôi ba gốc bưởi dây.

Quê thì gọi như vậy, nhưng sau này, khi lang thang và kiếm cơm thiên hạ, tôi mới biết người phố gọi đó là quả Kỳ Đà. Có lẽ, bởi da nó nhăn nheo, xù xì như con Kỳ Đà.

Giống bưởi này vô duyên đến lạ. Nó chẳng ngọt mà nhạt thếch. So với bưởi thường, nó lại xấu xí hơn nhiều. Đã thế, ra hoa từ mùa Xuân như bao loại bưởi khác, ấy thế mà mãi tận Tết năm sau, nghe ra ăn với ngon. Một năm tròn lơ lửng trên cây, nó cũng thử thách lòng kiên trì của ối người trồng trọt.

Ảnh: Thành Nguyễn
Ảnh: Thành Nguyễn

Nói vậy, nhưng xấu cũng có cái hay của nó. Có vẻ đã quen mắt với các giống bưởi nhẵn nhụi, tròn căng thông thường, lại thêm cái tính hiếm (ít nhà trồng) nên dần dà, bưởi dây lại được nhiều người dân quê yêu thích và chọn làm bưởi thờ.

Tôi còn nhớ, cứ trước Tết chừng nửa tháng, thi thoảng lại có người đến dặn mẹ tôi để cho một quả thắp hương Tết. Cũng lạ, trong cái trí nhớ lủng củng đầy mắm, muối, dưa hành của các cụ, ấy thế mà quả nào, của nhà ai là nhớ như in, không hề lệch lạc.

Bưởi dây vốn xù xì, nhưng khi được cắt xuống, kèm thêm cuống và cái lá xanh, rửa sạch, lấy rẻ mềm, chấm rượu trắng mà lau, thì cả quả bưởi như một cô nàng lọ lem, bỏ đi chiếc áo sần sùi xấu xí, thoát xác, vàng ruộm, bóng loáng, thơm lừng.

Nó hóa thân từ một loại quả nhăn nheo thành một thứ lạ lạ, hay hay. Một cuộc thoát xác ngoạn mục.

Tạm gác câu chuyện về bưởi, câu chuyện về cái không khí Tết quê mới thực thú vị.

Chừng trước Tết Nguyên đán độ chục ngày, nửa tháng. Cái chợ quê bé tý nép mình bên con đê lừng lững bỗng nhộn nhịp hơn nhiều. Người ta bày bán đủ thứ, lỉnh kỉnh những đồ cho Tết.

Tầm này, các hàng khô đã đầy những nấm hương, mộc nhĩ, miến dong, măng khô… Những vật dụng thường ngày như cái rổ, cái rá, nồi niêu, xoong chảo dường như cũng chiếm cho mình nhiều chỗ xuất hiện hơn.

Ảnh: Thành Nguyễn
Ảnh: Thành Nguyễn

Ở cổng chợ, các cửa hàng bán đèn trang trí sáng bừng lên lấp lánh. Cái gì có thể thắp sáng là người ta đều cắm điện, nhưng nhiều nhất là đống dây đèn nhấp nháy, cái nhanh, cái chậm, như nhịp tim hộp hồi của đám trẻ quê mong Tết.

Rồi sát Tết ít nữa, từ tầm cúng ông Công, ông Táo, lá rong xanh mướp đổ ra chợ, xếp ngay ngắn, gọn gàng bên cạnh các ống giang xanh. Người ta mua lá rong, kèm thêm đoạn ống giang về chẻ lạt. Chợ quê lúc đó sáng bừng lên rực rỡ, bởi tiếng cười nói, chào mời. Bởi tiếng con trẻ đùa nhau nô nức, tiếng cười bay từ đầu chợ, đến cuối chợ, tan ra, lẩn khuất đâu đó trong tiếng mặc cả bán mua, trong tiếng gà vịt gióng lên rộn rã.

Người quê có nhu cầu đi chợ. Những ngày này, dường như đi chợ không chỉ để mua bán, mà còn để giao thiệp, để thắp lên trong mình một vài nét quê, cái phong vị truyền thống, cái khí tượng của Tết cổ truyền.

Ảnh: Thành Nguyễn
Ảnh: Thành Nguyễn

Có người xa quê cả năm, có người đi biệt xứ, và chợ quê là nơi phù hợp nhất để người ta gặp lại cảnh cũ, người xưa. Người ta ra chợ để tìm lại cho mình một mảnh ký ức, gặp lại người thiếu nữ ngày nào với một đoạn ân tình thuở thanh xuân. Giờ, nay kẻ tóc muối tiêu, người con bồng, cháu bế, vẫn chào nhau bằng những chữ rất tình.

Có người một ngày dăm ba lần qua chợ, mua cái này một ít, mua cái kia một chút. Và dường như cái công việc lỉnh kỉnh của Tết cũng khiến người ta nghễnh ngãng đi, chẳng ai có thể mua đủ trong một lần.

Quê tôi thường hay cấy trước Tết, vì thế, cái cảnh một vài lão nông tri điền quần sắn móng lợn, chân vẫn dính bùn vội vã vào chợ mua dăm ba món đồ rồi về là điều không hiếm.

Sau bao năm, cái hơi thở của đô thị, của đám con cháu lang bạt phố phường mang về đã khiến chợ quê cũng mất đi nhiều nét xưa, nếp cũ. Nhưng dường như, càng vì thế, những nét chấm phá cũ càng khơi gợi trong lòng những người hoài cổ ít nhiều cảm xúc bùi ngùi.

Một bà cụ bỏm bẻm nhai trầu, một cụ ông làn râu như cước thong thả ra chợ, vài đứa trẻ không phải của Thạch Lam, nhưng háo hức với màu xanh, màu đỏ của cây kẹo mút đâu đó vẫn còn.

Giờ, khi những thanh âm dồn dập của thành phố đã ầm ĩ cả nơi lũy tre làng, cái nét quê xưa cũng dần bị phai nhạt ít nhiều. Thẳm sâu trong tiềm thức, người nhớ nét Tết xưa, mong quay về ngày cũ có lẽ cũng nhiều như tâm tư mong chờ cái mới của những người cấp tiến.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản