Mặt bằng bán lẻ: Cuộc chơi của các "ông lớn"
Hà Quang - 15/01/2017 08:32
 
Trong khi Lotte, Vingroup, Central Group… tiếp tục vung tiền vào phân khúc mặt bằng bán lẻ, thì không ít nhà đầu tư vào trung tâm thương mại tổng hợp phải ngậm đắng đóng cửa, trả mặt bằng.

Kẻ đóng, người mở

Nhà đầu tư phân khúc mặt bằng bán lẻ bước vào năm 2017 với dư âm sôi động của thị trường năm trước với hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập và các trung tâm thương mại mới ra đời, các gian hàng nhanh chóng được lấp đầy.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trong khuôn khổ buổi công bố Báo cáo thị trường bất động sản quý IV và cả năm 2016, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận nghiên cứu, tư vấn và quản lý tài sản Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho biết, năm 2016, thị trường bán lẻ Hà Nội tương đối trầm lắng trong nửa đầu năm và trở nên sôi động hơn trong nửa cuối năm với các trung tâm thương mại được mở mới, thu hút khách hàng.

.
Năm 2017, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động với sự gia nhập của các nhà bán lẻ mới và sự tăng cường đầu tư của các doanh nghiệp

Cụ thể, trong quý IV/2016, phân khúc mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội có thêm 45.900 m2 sàn từ 2 dự án là Trung tâm thương mại Vincom Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) và Vincom Plaza Bắc Từ Liêm (quận Bắc Từ Liêm).

“Trong khi những trung tâm thương mại mới được phủ kín khách thuê, thì những trung tâm thương mại không thành công đã phải đóng cửa, di dời hoặc sắp xếp lại để cải thiện tình hình hoạt động (điển hình là Trung tâm thương mại tổng hợp Parkson Viet Tower tại số 1 - Thái Hà, quận Đống Đa). Điều này càng nhấn mạnh hơn tầm quan trọng trong việc xác định lĩnh vực, khách hàng mục tiêu và cơ cấu người thuê một cách hợp lý”, bà An lưu ý.

Tỷ lệ trống của quý này giảm 7,7% theo quý và 5% theo năm. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự cải thiện này, theo CBRE, là do tỷ lệ lấp đầy cao của những dự án mới. Ngoài ra, việc đóng cửa Trung tâm thương mại tổng hợp Parkson Viet Tower vốn có tỷ lệ trống cao cũng góp phần làm tăng tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường. Giá thuê trung bình của các trung tâm thương mại tại Hà Nội giảm 7,6% so với quý trước, do giá thuê khu vực ngoại thành sụt giảm.

Cuộc đua tiếp tục sôi động trong năm 2017

Đại diện CBRE Việt Nam nhận định, năm 2017, thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và tại Hà Nội nói riêng được kỳ vọng sẽ tiếp tục sôi động với sự gia nhập của các nhà bán lẻ mới và sự tăng cường đầu tư, đặc biệt là từ nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2016, thị trường bán lẻ Việt Nam “rúng động” bởi các thương vụ lớn của các nhà đầu tư Thái Lan như Tập đoàn Central Group bỏ ra hơn 1 tỷ USD để thâu tóm hệ thống bán lẻ Big C từ Tập đoàn Casino Group (Pháp) hay TCC Holdings bỏ ra 655 triệu USD để mua lại hệ thống bán sỉ Metro Cash & Carry. 

Trong khi đó, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã đạt được thỏa thuận mua lại Dự án Ciputra Hanoi Mall từ chủ đầu tư hiện tại là Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long, với mức giá khoảng 300 triệu USD. Riêng tại Hà Nội, lượng cung mặt bằng bán lẻ trong năm 2017 dự kiến khoảng 106.000 m2, toàn bộ đều ở khu vực ngoại thành, góp phần làm tăng thêm tính cạnh tranh của khu vực này. Đến thời điểm này, quỹ đất ở khu vực trung tâm Thành phố còn rất ít, vì vậy, xu hướng dịch chuyển ra vùng ngoại ô được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong những năm tới.

“Không chỉ có nhà đầu tư Thái Lan, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng bày tỏ mối quan tâm ngày càng tăng đối với việc đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam. Cuối năm 2016, phân khúc bán lẻ còn có sự xuất hiện của những tên tuổi mới như Takashimaya (Nhật Bản), AuchanSuper (Pháp). Việc Aeon Mall mở thêm chi nhánh tiếp tục cho thấy cuộc đua hấp dẫn của phân khúc mặt bằng bán lẻ với những thương hiệu quốc tế lần đầu tiên đến Việt Nam”, bà An cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản