Kinh nghiệm "vá" lỗi quy hoạch đô thị
Duy Quang (DNSG) - 15/09/2018 09:06
 
Tại phiên thảo luận Quy hoạch đô thị - Con đường của tương lai trong khuôn khổ Hội nghị Bất động sản Quốc tế - IREC 2018 vừa qua, các chuyên gia đô thị nhiều nước đã chia sẻ những kinh nghiệm "vá" lỗi quy hoạch đô thị bằng tầm nhìn dài hạn, với những giải pháp gắn liền với thực tiễn.

Ông Harry Yeo - nguyên Chủ tịch Viện Bất động sản Singapore cho biết, diện tích Singapore chỉ khoảng 700km2, do đó vấn đề quy hoạch đô thị là rất quan trọng. Singapore có quy hoạch tổng thể 1/5.000 từ rất sớm (năm 1971) và được các nhà đầu tư tuân thủ triệt để.

Quy hoạch tổng thể Singapore phân ra từng khu nhà: cao tầng (trên 10 tầng), cao trung bình (3 - 10 tầng), thấp tầng (1 - 2 tầng) và có tính đến bảo tồn kiến trúc cổ cũng như bản sắc văn hóa của 4 tộc người (bản địa, Hoa, Malaysia, Ấn Độ).

Bản quy hoạch tổng thể cũng thể hiện việc kết nối hạ tầng (nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, điện, điện thoại...) được nhà nước đầu tư. Do tập trung phát triển ngành công nghiệp sạch nên Singapore xây dựng các khu đô thị vệ tinh, giảm chi phí đi lại, tiết kiệm sinh hoạt.

Mặc dù diện tích hạn chế nhưng Singapore dành nhiều quỹ đất cho nhà ở xã hội. Các nhà quy hoạch đô thị tại Singapore luôn chú ý đảm bảo không gian xanh, tiện ích tốt nhất cho người dân. Ở Singapore, kế hoạch quy hoạch tổng thể thường dài hạn, từ  5 - 10 năm và phần nếu đã quy hoạch cho kinh doanh thì không có nhà ở, và ngược lại.

Ông Soichrio Takamine - Phó vụ trưởng Ban Quy hoạch đô thị, Cục Đô thị - Bộ Đất đai hạ tầng giao thông (MLIT) Nhật Bản thì cho rằng, các thành phố ở Nhật được phát triển dựa trên hạ tầng trước đây. Trên đường phố có không gian cho người đi bộ, cấp thoát nước. Nhà cửa được xây dựng trên quy hoạch tốt sẽ đủ không gian như vậy.

"Bây giờ, với dân số giảm, Nhật Bản phải tính đến và thay đổi về quy hoạch trong tương lai để không chỉ duy trì tốt về hạ tầng mà phải tối ưu công năng của hạ tầng", ông Soichrio Takamine cho biết.

Ông Soichrio Takamine nhấn mạnh, phải ứng dụng công nghệ vào quy hoạch đô thị để quản lý tốt hạ tầng, bố trí khu dân cư gần các phương tiện công cộng để giảm tải tắc đường và ô nhiễm môi trường. Trong quá trình quy hoạch, Nhật Bản đề cao việc giúp người dân có cuộc sống thoải mái hơn.

"Ở California, đặc biệt là Nam California, quỹ đất còn lại rất ít, vì vậy giải pháp đưa ra là phát triển đô thị theo chiều cao. Giải pháp là khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân. Đồng thời xây dựng khép kín, ví dụ bên trên là nhà ở thì bên dưới là trung tâm mua sắm. Chúng tôi khuyến khích các chủ đầu tư dành quỹ đất, quỹ nhà cho những nhóm người có thu nhập thấp", ông Tom Berge - Ủy viên Hội đồng Quy hoạch đô thị của California (Mỹ), chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản