Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc: Mải mê gìn giữ những giá trị làng quê Việt
Trần Hà - 03/09/2019 14:24
 
Xa quê hương hơn 40 năm, tự nhận mình kém tiếng Việt, ngôn ngữ nhiều khi khó hiểu, nhưng điều lạ là, bất kỳ ai tiếp xúc với Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc đều nhận thấy nét chân quê đúng chất người Việt sống ở các làng quê…
Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc.
Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc.

Từ một buổi chiều đi lạc…

6 tuổi, rời Việt Nam theo gia đình sang Pháp, năm 1967, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Paris, năm 1991, ông làm việc với tư cách một viện sĩ Viện Kiến trúc Pháp, rồi làm viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa học Cộng hòa Pháp, tham gia hàng trăm công trình ở Pháp từ sân bay, cảng biển, đại học, bệnh viện… Ông trở về Việt Nam năm 1996 theo lời mời của Đại sứ Việt Nam ở Paris để tổ chức Hội nghị Pháp ngữ.

“Khi nghĩ đến cái đẹp, tôi hay mường tượng đến hình ảnh những cô gái mặc áo dài trắng, tóc đen và dài, đạp xe dưới bóng cây ở Hà Nội. Đối với giới sành điệu châu Âu, hình ảnh đó có tác động về cảm xúc và quyến rũ hơn nhiều so với những model trình diễn trên các tạp chí thời trang”, ông Quốc nói.

Ông kể, một buổi chiều đi lạc tới làng Triêm Tây, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, một ngôi làng nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cách Cửa Đại và TP. Hội An không xa, ông lặng mình trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của cánh đồng phía xa, bên những triền đồi thấp, từng đàn chim, cò bay về tổ. Đó là hình ảnh mà ông không thể tìm thấy ở thành phố hiện đại như Paris.

“Không kìm được cảm xúc, tôi cất lời khen, nhưng một người làng đi ngang qua nói: ‘2/3 làng đã rớt xuống sông, chúng tôi phải bỏ nhà đi’. Đó cũng chính là thời khắc tôi quyết tâm ở lại để giải quyết vấn đề sạt lở cho Triêm Tây”, ông Quốc nhớ lại.

Đã có nhiều người đề nghị ông trở về mở văn phòng tại Hà Nội, sẽ có nhiều hợp đồng và lợi nhuận không ít. Nhưng họ không hiểu rằng, ông không về để làm ăn. “Tôi về để làm những gì có thể, góp một phần năng lực và hiểu biết của mình để giúp nước nhà”, ông nói.

Với ông, khó khăn không nằm ở chuyện tiền bạc, mà là quyết tâm từ bỏ cuộc đua, từ bỏ tham vọng trở thành ngôi sao ở Pháp. Lúc đó, ông đã xây dựng được danh tiếng và cơ hội sẽ đến nếu có thể tập trung 100% vào công việc. “Khi về Việt Nam, tôi vẫn có thể làm việc ở cả hai nơi, nhưng không thể dành hết thời gian và sức lực cho cuộc đua top 10 lên top 5 và trở thành số 1. Đó thực sự là một quyết định khó”, ông Quốc khẳng định.

Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc trao đổi với chuyên gia từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về Dự án Chống sạt lở sinh thái tại Triêm Tây
Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc trao đổi với chuyên gia từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về Dự án Chống sạt lở sinh thái tại Triêm Tây

Đến hành trình giữ làng

Nhiều người lo ngại khi thấy ông từ bỏ những danh vị cao hơn tại Pháp để lao vào “vùng đất chết” (Triêm Tây thuộc diện di dời theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam do sạt lở nặng). Khi nghe ông trình bày dự án trồng cỏ để hồi sinh vùng đất này, ai cũng nghi ngờ tính khả thi, nhưng vẫn cho phép ông thực hiện trên diện tích 15.000 m2 đất, bởi Triêm Tây khi ấy cũng không còn gì để giữ.

Nhưng dự án diễn ra không như mong muốn khi công trình được làm với hiểu biết và kinh nghiệm của người châu Âu bị cơn lũ lịch sử năm 2009 cuốn hết. “Lúc đó, có người hỏi: ông sẽ ra đi chứ, nhưng tôi vẫn quyết ở lại dù chưa biết phải làm sao”, ông Quốc nhớ lại.

Ngồi trên bờ sông, ông nói chuyện với con sông như một con người. Một chiếc lá trôi qua khiến ông hiểu rằng, điều quan trọng là những gì mình không thấy, không phải mặt nước mà là dưới mặt nước, nghĩa là bờ sông sạt lở vì điều gì đó không ổn dưới đáy sông. “Một phụ nữ của làng xúc cát vào bao xi măng rồi hất xuống bờ sông. Một phụ nữ nông thôn mỗi ngày có thể làm được 200 bao cát như thế, thì cả làng Triêm Tây có lẽ sẽ ổn định được đáy sông”, ông chợt nhận ra.

Nghĩ là làm và kết quả không khiến ông thất vọng: vài trăm ngàn bao cát đổ xuống khiến bờ sông không bị lở nữa. Từ thử nghiệm ban đầu, ông mạnh dạn đưa thiết kế kè sông theo hình bậc thang thay thế kè bê tông thẳng đứng. Qua 3 năm cần mẫn, tiêu tốn trên 5 tỷ đồng, hàng chục mét kè sông đã được hoàn thiện. Trên một số đoạn kè, ông còn xây dựng những hồ bơi mini, trồng những hàng cây chỉ cách mép sông vài bước chân. Sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và sự sáng tạo của con người đã hồi sinh một “vùng đất chết”.

Triêm Tây giờ đây đã trở thành làng du lịch, là hiện thân của ngôi làng truyền thống Việt Nam, với những căn nhà phên tre, lợp ngói, nhưng cực kỳ vững chãi nằm giữa những bụi tre, chen lẫn là những mảnh vườn xanh tốt. Những con đường ngoằn ngoèo dẫn từ nhà này sang nhà khác ngập tràn nắng. “Khi phát triển, phương án làng không phải là phương án lựa chọn, mà là phương án duy nhất. Chúng ta phải đưa những giá trị nông thôn lên bậc cao để xã hội tôn vinh và tự hào”, kiến trúc sư Quốc nói.

Những điều này được ông đúc rút từ kinh nghiệm sống và làm việc tại Pháp, khi những sản phẩm nông thôn là những sản phẩm cao cấp nhất của thị trường. Chỉ cần nhắc đến vùng nông thôn làm vang Cognac, Champagne Bordeaux, nhiều người biết ngay đó vừa là thương hiệu vừa là văn hóa của làng quê Pháp.  

“Tôi cho rằng, du lịch cao cấp là phục vụ một cửa sổ có hướng nhìn ra cảnh đẹp tuyệt vời. Ở đó, phòng, giường, tivi, tủ lạnh là những thứ có thể cho không, còn cảnh đẹp đó có thể mang lại giá trị lớn khoảng 500 USD/đêm”, ông Quốc nói.

Với lối suy nghĩ ấy, trong tư cách là tư vấn cho quy hoạch 15.000 ha đất ven biển từ Điện Ngọc đến Chu Lai và tại Khu nghỉ mát sinh thái Tam Hải (thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai), kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc đã tham gia Ban Quản lý dự án và thiết kế không gian kiến trúc theo hướng người nước ngoài mong mỏi tìm thấy nhất.

“Sẽ thất bại nếu như cứ tổ chức khai thác du lịch như hiện nay, mải mê xây dựng những đô thị hiện đại đầy đủ tiện nghi mà người Pháp thường gọi là ‘logic ống cống’, nghĩa là thiết kế những phố thương mại đạt chuẩn, công viên rực rỡ…, mà không chú ý đến con người sống ở nơi đó có dễ chịu không”, ông Quốc nhấn mạnh.

Trò chuyện với kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc:

Tại sao ông mãi theo đuổi kiến trúc nông thôn?

Kiến trúc Pháp mang vẻ đẹp của một phong cách được sáng tác, lan truyền và điều chỉnh lâu dài dẫn đến sự hoàn hảo. Nông thôn cũng là một kiến trúc hoàn hảo, một “kiến trúc không có kiến trúc sư”, cũng là một mô hình hiệu quả của suy nghĩ, thực hiện và điều chỉnh. Hai kiểu kiến trúc đó đều là truyền thống, chỉ khác là một lối có kiến trúc sư, còn làng là sản phẩm của một thiết kế cộng đồng. Nhà nông thôn Việt Nam được những người Pháp đến đây rất thích, trong khi người Việt nhiều khi coi thường và không cảm nhận được trình độ của kiến trúc truyền thống.

Còn về văn hóa nông thôn?

Nông thôn là nền móng. Khi xã hội biến đổi, cái chúng ta thấy là toà nhà cao tầng, nhưng quan trọng là nền xã hội ở dưới, là văn hoá nông thôn. Nếu văn hóa này không giữ được, thì xã hội sẽ “sạt lở”. Nếu móng yếu đi, toà nhà sẽ đổ. Tôi sống ở Pháp 2/3 cuộc đời và thấy rằng, họ mất khoảng 20 năm để hủy hoại môi trường sống, phát triển du lịch, nhưng Việt Nam chỉ mất khoảng 4 năm.

Những ngôi nhà hiện đại, kè bê tông và con đường nhựa khô khan thay thế cho những mái nhà tranh, vườn cây, con thuyền và những con đường đất bình yên, liệu có cần thiết không? Một mô hình đô thị sai lầm có thể kéo theo đạo đức suy đồi, gia đình đảo lộn…

Việt Nam có nhiều vùng bị sạt lở, theo ông, lối kiến trúc nào có thể chế ngự thực tế này?

Để hạn chế sạt lở, cần hiểu rõ điểm sạt lở là sự mất cân bằng và nguyên nhân là do hút cát hay kè cứng… Nước là chất lỏng, sông là nước chảy, lở là do dòng nước mạnh và gặp bực tức sinh ra dòng xoáy. Có nghĩa là chúng ta cần giảm tốc độ dòng và xoá bỏ những điểm vướng. Đa số những công trình kè cứng đều không bền vững vì gây ra sự xoáy và trước sau gì thì cũng sẽ bị phá vỡ.

Ông có lời khuyên gì cho người trẻ?

Nếu bạn còn trẻ, bạn đừng ngại thử thách, đừng ngại thất bại. Có trải qua thử thách, thất bại, bạn mới có thêm những kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân. Trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, sáng tạo nên dành cho những công việc có ích. Hãy trở về để giúp quê hương đừng mắc sai lầm, đừng đi trật đường, đừng đánh giá mình thấp và đừng đi theo những mô hình thấp hơn mình.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt kiều trong việc tư vấn giúp đất nước phát triển?

Bất cứ lĩnh vực kinh tế - xã hội nào cũng có thể sử dụng những nhà tư vấn Việt kiều có tài và có uy tín. Họ là người Việt, có tinh thần tìm lối đầu tư tốt cho đất nước, chứ không phải là nhà đầu tư chỉ đi tìm hiệu quả kinh tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản