Khó như mua nhà ở xã hội
Ngoài nguồn cung khan hiếm, thì việc mở bán thiếu minh bạch của một số dự án nhà ở xã hội là lý do khiến nhiều đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội không thể tiếp cận được thông tin để đăng ký.
Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn
Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn

Nhu cầu lớn

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.

Riêng tại địa bàn TP.HCM, theo Sở Xây dựng TP.HCM, có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ). Còn theo một khảo sát khác của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Trong các đối tượng khảo sát, có đến 65 - 94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội.

Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho thấy tình trạng tượng tự. Người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng hơn 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư. Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, nhất là loại căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn và được trả góp tối thiểu 15 năm.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên chỉ chiếm 20 - 30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 chiếm đến 70 - 80%, nhưng nguồn cung lại đang rất thiếu.

Ở góc độ khác, theo khảo sát và tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại một số khu công nghiệp lớn trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên cho thấy, 100% công nhân ngoại tỉnh đều mong muốn được thuê, mua nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước để tiết giảm chi phí, ổn định cuộc sống.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Lê Quang Dương (quê Thanh Hóa) hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp Phổ Yên (Thái Nguyên) cho biết, cả hai vợ chồng đều làm việc cho Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, với mức lương của cả hai vợ chồng được 18 triệu đồng/tháng. Đã nhiều lần tìm hiểu, nhưng anh chị chưa mua được chung cư dành cho người có thu nhập thấp.

Khó tiếp cận

Anh Lê Tiến Trường (quê Thái Bình) đã hơn chục năm làm công nhân ở Hà Nội và thuộc đối tượng thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội, nhưng sau nhiều lần tìm hiểu, anh vẫn chưa mua được nhà ở xã hội.

“Hiện gia đình tôi đang tìm hiểu dự án nhà ở xã hội IEC Thanh Trì, nhưng cũng không biết thế nào. Bởi thấy nhiều thông tin rao bán trên các trang tin về bất động sản theo kiểu môi giới. Tôi cũng được người bạn từng mua dự án nhà ở xã hội Thanh Hà cảnh báo là nếu không có quan hệ thì khó lắm, có nộp được hồ sơ cũng chưa biết thế nào”, anh Trường chia sẻ.

Về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, khi chủ đầu tư khởi công dự án nhà ở xã hội, phải cung cấp thông tin dự án (thời gian bắt đầu và kết thúc nhận đơn đăng ký) để công khai tại trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng và đăng trên tờ báo là cơ quan ngôn luận của chính quyền địa phương. Trước khi nhận hồ sơ đăng ký, chủ đầu tư báo cáo Sở Xây dựng biết và kiểm tra. Thông tin về nhận hồ sơ được công bố công khai tại trang thông tin của Sở Xây dựng tối thiểu 30 ngày làm việc kể từ thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ.

Tuy nhiên, trên thực tế, những thông tin này vẫn khó tiếp cận đến một số nhóm đối tượng trong 10 đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49, Luật Nhà ở 2014. Chẳng hạn như nhóm người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị (Đối tượng 4); người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp (Đối tượng 5); hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở (Đối tượng 10). Bởi những nhóm đối tượng này có đặc điểm có thể tiếp xúc hoặc hiểu về chính sách nhà ở không thuận lợi như các nhóm đối tượng khác để nắm bắt được thông tin, không hiểu đầy đủ để tham gia…

Đơn cử, tại dự án chung cư số 35 đường Hồ Học Lãm (TP.HCM), theo thông báo kết quả chấm điểm của Sở Xây dựng TP.HCM, Đối tượng 1 (người có công) có 66 hồ sơ, chiếm 9,46%; đối tượng 4 (người thu nhập thấp, hộ nghèo) có 20 hồ sơ, chiếm 2,87%; đối tượng 5 (người lao động), có 39 hồ sơ, chiếm 5,59%; đối tượng 6 (sĩ quan, hạ sĩ quan) chiếm 7,02%; đối tượng 7 (cán bộ, công chức), có 494 hồ sơ, chiếm 70,77%; đối tượng 10 (hộ gia đình cá nhân thuộc diện thu hồi đất), chỉ có 13 hồ sơ, chiếm 1,86%.

“Số lượng hồ sơ theo từng nhóm đối tượng có sự chênh lệch khá lớn, dù có nhiều lý do, nhưng cũng là những thông tin cần nghiên cứu để hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội trong các thủ tục về công bố thông tin để các nhóm đối tượng có thể tiếp cận được thông tin. Ngoài ra, cũng cần đưa ra chính sách để có sự công bằng giữa các nhóm, vì phương pháp chấm điểm cũng tạo ra sự không phù hợp giữa các nhóm đối tượng. Từ số lượng hồ sơ theo nhóm, có thể nhìn thấy sự bất bình thường trong chính sách”, luật sư Phượng cho hay.

Là một địa phương giáp ranh Hà Nội, có tỷ lệ công nhận tập trung tại các khu công nghiệp lớn, ông Lê Tiến Nam, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết, với 16 khu công nghiệp tập trung đã và đang đi vào hoạt động, hiện Bắc Ninh thu hút khoảng gần 300.000 lao động, trong đó 70% là lao động ngoại tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã dành nhiều nguồn lực để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Tuy nhiên, với số lượng lao động lớn, kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng cao, các dự án nhà ở xã hội mà Bắc Ninh đã triển khai xây dựng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của công nhân đang làm việc trên địa bàn.

Theo nhận định của các chuyên gia, để tháo điểm nghẽn mang tên nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị hiện nay, cần sự chung tay và sự quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong cải cách hành chính; có cơ chế phù hợp để tạo quỹ đất sạch; tháo nút thắt về thuế, thời hạn về vay vốn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Trên cơ sở đó, đưa ra mức giá thuê, mua phù hợp với thu nhập của người dân.

Không chỉ vậy, cần đồng bộ hóa các giải pháp tạo việc làm, ổn định thu nhập, hoàn thiện các điều kiện hạ tầng tương ứng… để đảm bảo hiệu quả của dự án nhà ở thu nhập thấp. Ngoài ra, sớm chuẩn hóa và đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại trong “sản xuất nhà” thay vì “xây nhà” như truyền thống, để vừa giảm chi phí xây dựng nhưng lại tăng được số lượng và công năng sử dụng nhà.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Lộc cho biết, chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp đang được hoàn thiện từng bước. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là hành động của các cấp, các ngành trong việc hiện thức hóa ước mơ sở hữu ngôi nhà cho người thu nhập thấp cần phải được làm thực chất hơn, không chung chung, đề xuất.

“Để có thể phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, thì trước hết phải quan tâm đến việc đáp ứng các điều kiện mà doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này mong muốn. Điều này góp phần thúc đẩy doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không ngại khổ, ngại khó, mạnh dạn đầu tư vào nhà ở xã hội”, vị này nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Công ty Thiên Lộc cũng biết, hiện nhiều chủ đầu tư không chấp hành việc dùng 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội, mà chọn cách đóng số tiền quỹ tương ứng. Điều này làm giảm nguồn cung nhà ở xã hội, vì vậy các địa phương, nhất là Hà Nộ và TP.HCM phải bắt buộc các dự án đó phải xây nhà ở xã hội, nếu anh không xây được thì chuyển nhà đầu tư khác. Có như vậy mới tăng thêm sản phẩm nhà cho người thu nhập thấp, người dân mới tiếp cận hoàn toàn được chính sách của Nhà nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản