Khánh Hòa tìm giải pháp để vực dậy thị trường bất động sản
Việt Hương - 28/04/2020 07:50
 
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành và các địa phương nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) tại tỉnh này phát triển ổn định trở lại sau một thời gian dài gần như “đóng băng”.

Nhiều tháng liền… “ngủ đông”

Việc không có giao dịch về lĩnh vực BĐS tại Khánh Hòa trong một thời gian dài được hiểu một phần là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các chủ đầu tư cũng như các sàn giao dịch buộc phải tạm hoãn các hoạt động mở bán dự án. Nhiều sàn phải đóng cửa, cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp…

Theo một số người am hiểu thị trường BĐS tại miền Trung, cho rằng với Khánh Hòa sự trầm lắng về giao dịch BĐS đã kèo dài ít nhất vài năm trở lại nay. Hiện nay, tại TP Nha Trang nhiều dự án chưa được cấp phép do đang vướng đến đấu thầu, định giá đất nên chính quyền phải đợi chỉ thị của các bộ, ngành. Điều này khiến phố biển Nha Trang khan hiếm sản phẩm mới, khách hàng và nhà đầu tư ít quan tâm vì phải lo chống dịch… Bên cạnh đó, Thông tư số 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực kể từ đầu năm 2020 đã kiểm soát chặt tín dụng bất động sản theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay... Những yếu tố đó khiến thị trường bất động sản trầm lắng.

Thị trường BĐS tại Khánh Hòa nhiều tháng liền chỉ ghi nhận giao dịch nhẹ tại vùng nông thôn
Thị trường BĐS tại Khánh Hòa nhiều tháng liền chỉ ghi nhận giao dịch nhẹ tại vùng nông thôn

Tuy nhiên, theo ghi nhận từ Hội môi giới BĐS tỉnh Khánh Hòa thì dù “gặp khó” về thị trường nhưng giá về BĐS tại tỉnh này vẫn không giảm. Đặc biệt, sự “đóng băng” trong lĩnh vực mua bán sản phẩm condotel đã kéo dài nhiều tháng liền hầu như không có giao dịch.

Đơn cử, thời gian qua đất nền trong Khu đô thị Mỹ Gia và vùng ven TP. Nha Trang vẫn có giao dịch nhưng không đáng kể. Dọc đường Võ Nguyên Giáp giá đất vẫn dao động từ 13 đến 17 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Trong khi đó, tại Khu đô thị An Bình Tân, Mỹ Gia giá đất vẫn dao động từ 18 triệu đồng đến 26 triệu đồng/m2, không giảm so với trước Tết Nguyên đán.

Theo lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa, 3 tháng đầu năm, lượng giao dịch tại TP. Nha Trang không đáng kể. Các sản phẩm condotel hầu như không có giao dịch. Sản phẩm nhà phố và đất ở nông thôn ven thành phố thỉnh thoảng mới có giao dịch thành công. Việc không có giao dịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chủ đầu tư cũng như các sàn giao dịch buộc phải tạm hoãn các hoạt động mở bán dự án.

"Việc không có giao dịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chủ đầu tư cũng như các sàn giao dịch buộc phải tạm hoãn các hoạt động mở bán dự án. Khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa, nhiều cá nhân môi giới BĐS thất nghiệp…”, Ông Phan Việt Hoàng, Thư ký Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa, cho biết

Theo Hội môi giới BĐS Khánh Hòa, quí I/2020, lượng giao dịch tại Nha Trang, Khánh Hòa không đáng kể. Chỉ một số sản phẩm thông thường ở khu vực nhà phố nội ô và đất ở nông thôn đạt được giao dịch. Riêng các sản phẩm từ các dự án và condotel gần như “ngủ đông”.

Giải pháp

Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng đã ký văn bán (số 3867) về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc mới đây về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

phải xác định phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội.
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các cơ quan chức năng trong tỉnh phải xác định phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình. Ảnh dự án Nhà ở HQC Nha Trang đang trên đà hoàn thiện để bàn giao cho nhân dân

Phó chủ tịch tỉnh này đề nghị các các Sở, gồm: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, Ban Quản ly Khu du lịch Bán đảo Cam Ranh tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về việc thực hiện một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Ông Hoàng nhấn mạnh, phải xác định phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Giải pháp về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm hoàn thành cơ bản mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội được đề ra trong chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời nghiên cứu Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 10/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, đảm bảo an sinh xã hội để chủ động triển khai theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Khánh Hòa, nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh này giai đoạn 2016 - 2020 là 14.386 căn. Đến nay, đã có 4 dự án nhà ở xã hội đi vào hoạt động với khoảng 1.000 căn hộ được bàn giao cho người dân, gồm: Chung cư An Thịnh, Chung cư An Bình, Chung cư Đường sắt, Chung cư Bình Phú 2. Một số dự án đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện như: Nhà ở xã hội HQC Nha Trang với khoảng 1.000 căn, Chung cư  PH khoảng 1.000 căn, dự án Nhà ở xã hội Phước Long, nhà ở xã hội Khu đô thị VCN Phước Long 2, nhà ở xã hội Khu đô thị Lê Hồng Phong 1…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản