Hơn 800 sàn môi giới địa ốc đóng cửa: Nên vui hơn buồn
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, câu nói này có lẽ đúng với tất các các doanh nghiệp. Và với nhóm ngành phân phối bất động sản cũng không là ngoại lệ.

Lửa thử vàng

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong quý I/2020, cả nước đã có trên 800 sàn phân phối phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Con số này phản ánh một thực tế đầy khó khăn với các doanh nghiệp phân phối bất động sản, trái ngược hoàn toàn với cảnh mở mắt thấy sàn mới ra đời hồi năm 2018.

Việc hàng loạt sàn giao dịch phải đóng cửa liên quan chặt chẽ đến sự suy giảm cung - cầu trong ngắn hạn của thị trường do Covid-19.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, 3 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 53.000 sản phẩm bất động sản được chào bán ra thị trường (bao gồm sản phẩm mới và hàng tồn kho), nhưng tỷ lệ tiêu thụ được chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Đối với phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel), có hơn 41.000 sản phẩm đưa vào sử dụng, chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số 139.281 sản phẩm được đầu tư xây dựng. Cung suy giảm, cầu thấp do giãn cách xã hội khiến cho các sàn nhỏ lẻ, được thành lập theo kiểu lướt sóng theo dự án, theo các cơn sốt đất nền buộc phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động.

Các sàn nhỏ lập ra để chớp cơ hội lúc thị trường nóng, hoặc bán hàng cho một vài Dự án dễ bị tác động khi thị trường gặp khó.
Các sàn nhỏ lập ra để chớp cơ hội lúc thị trường nóng, hoặc bán hàng cho một vài dự án dễ bị tác động khi thị trường gặp khó.

Ngược thời gian, sau khi quy định về vốn pháp định tối thiểu (20 tỷ đồng theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014) được lý giải kỹ là chỉ áp dụng với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản, còn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản không chịu sự điều chỉnh của quy định này, việc thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản được cởi trói hoàn toàn. Nhiều môi giới sau thời gian vài năm làm nghề có nhu cầu tách ra “ở riêng” đã lập các sàn nhỏ, kêu gọi anh em chiến hữu về cùng làm với nhau để nhận bảng hàng các dự án.

Thậm chí, nhiều người chuyển sang làm sales bất động sản theo kiểu tay ngang, không được đào tạo, không có kiến thức nền về thị trường, sản phẩm, khách hàng,… Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra ở giai đoạn thị trường thăng hoa, nguồn cung và cầu dồi dào.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Giáp Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT AVLand Group cho biết, mặt trái của việc các sàn giao dịch mọc lên như nấm đã tạo ra nhiều sàn môi giới nhỏ làm ăn chụp giật theo thời vụ, bằng mọi giá để lôi kéo khách hàng. Thậm chí, họ còn dẫn dắt khách hàng vào các dự án không đủ pháp lý, dự án ma, không quan tâm đến thương hiệu công ty, quyền lợi của nhà đầu tư.

Theo ông Kiểm, “con sâu làm rầu nồi canh”, cách làm việc như trên không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư, toàn thị trường, mà còn khiến nhiều nhà đầu tư sau khi “tiền mất, tật mang” đã có cái nhìn sai lệch về nghề môi giới.

Ở thời điểm hiện tại, việc hàng loạt sàn phải đóng cửa ở khía cạnh nào đó lại là điều tích cực với thị trường, bởi sẽ giúp thanh lọc bớt các sàn nhỏ, làm ăn chụp giật.

Trên thực tế, theo tiết lộ của đại diện AVLand Group, đã có nhiều nhân sự thuộc nhóm lãnh đạo các sàn môi giới nhỏ lẻ nộp hồ sơ xin đầu quân cho doanh nghiệp này khi thị trường gặp khó. Phần đa các nhân sự thuộc nhóm này đều đã từng lập công ty riêng khi thị trường thăng hoa, nhưng nay gặp khó buộc phải quay về tìm “mối” cố định để duy trì hoạt động.

Đòi hỏi nâng “tầm”

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), sau dịch, khi thị trường phục hồi sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở chất lượng hoạt động môi giới. Do đó, doanh nghiệp phân phối nào có thể vượt qua được ở giai đoạn này thì cần nhanh chóng nâng cao chất lượng nhân sự, thông qua các hoạt động đào tạo nội bộ, tham gia thi và lấy chứng chỉ cho người lao động…

“Với nhóm dịch vụ, bán hàng, đây là nhóm rất quan trọng. Môi giới là nhà trung gian, góp phần tạo ra thị trường, do đó, lực lượng phải tinh nhuệ. Lúc này cần ổn định lại cơ cấu, bộ máy, tinh nhuệ hơn về kỹ năng, công nghệ hóa để sau khi dịch qua đi đã có kỹ năng, trình độ tốt hơn, bộ máy hiệu quả nhất tiết kiệm chi phí”, ông Đính nhấn mạnh.

Để trụ vững và lớn mạnh, các công ty phân phối, môi giới bất động sản phải hướng tới sự chuyên nghiệp
Để trụ vững và lớn mạnh, các công ty phân phối, môi giới bất động sản phải hướng tới sự chuyên nghiệp

Không chỉ nâng cao chất lượng nhân sự, việc ứng dụng công nghệ hiện cũng được coi là một yếu tố quan trọng để chinh phục khách hàng.

Đang có một cuộc đua ngầm giữa các doanh nghiệp ngành phân phối về công nghệ. Không khó để kể ra các cái tên như Cengroup, Vinhomes, AVLand Group…

Hiện CenGroup đang rót 1 triệu USD để đầu tư vào nền tảng công nghệ Revex, giúp tăng cường kết nối giữa các chủ đầu tư và nhà đầu tư bất động sản. Revex cho phép các nhà đầu tư tham gia đầu tư bất động sản với số tiền tối thiểu từ 1 triệu đồng và không giới hạn mức đầu tư. Theo đó, các nhà đầu tư có thể lựa chọn danh mục các sản phẩm bất động sản trên Revex để ra quyết định đầu tư.

Khách hàng sau khi quyết định đầu tư sẽ có thể thực hiện thoái vốn khi có nhu cầu thông qua công cụ chuyển nhượng hợp đồng của nền tảng hợp đồng thông minh (Smart Contract). Để tăng hiệu quả, Revex sẽ có một hội đồng khuyến nghị đầu tư để tư vấn cho khách hàng. Dĩ nhiên, người ra quyết định cuối cùng vẫn là khách hàng. Và nguyên lý hoạt động của Revex vẫn là “được ăn, lỗ chịu”.

Theo ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT CenGroup, việc đầu tư vào Revex nằm trong kế hoạch hoàn thiện hệ sinh thái bất động sản của doanh nghiệp này. Trong đó, Revex là nền tảng công nghệ đầu tư bất động sản được xây dựng trên nền tảng Smart Contract, ứng dụng công nghệ Blockchain.

Tương tự, mới đây, Vinhomes cũng đã đưa vào hoạt động sàn giao dịch bất động sản trực tuyến Vinhomes Online. Tất cả thông tin về vị trí, quy hoạch cũng như tài liệu bán hàng của các dự án mở bán trên Vinhomes Online đều được công bố đầy đủ và chi tiết. Ngoài ra, tất cả các chính sách bán hàng, chương trình ưu đãi đặc quyền và giá bán sẽ được công bố chính xác, công khai và minh bạch. Như vậy, các khách hàng của Vinhomes sẽ có thể thực hiện từ xa toàn bộ việc mua bất động sản của chủ đầu tư này.

Với AVLand, ông Giáp Văn Kiểm cho biết, doanh nghiệp của ông cũng đang lên kế hoạch để có thể sớm ra mắt một ứng dụng mua bán bất động sản trực tuyến.

Người đứng đầu AVLand cho biết, dù chỉ là tình cờ, nhưng với các doanh nghiệp có tham gia bán hàng online thì đây là cơ hội chưa từng có khi cách ly xã hội khiến mọi người phải ở nhà nhiều hơn. Ông Kiểm cũng cho rằng, làm việc online cũng sẽ trở thành xu thế, do đó, doanh nghiệp của ông đang chuẩn bị để có thể ra mắt AVTech vào tháng 12 tới.

Là một doanh nghiệp phân phối, ứng dụng của AVLand sẽ cho phép khách hàng tìm mua nhiều bất động sản, của nhiều chủ đầu tư tại Việt Nam và có thu phí.

“Dịch là cơ hội chưa từng có để thay đổi. Mọi người ở nhà, cách ly nên làm viêc qua mạng phổ biến, chúng ta dùng smartphone nhiều. Dịch chỉ là tình cờ, tháng 12 năm nay, dự kiến chúng tôi sẽ ra mắt AVTech tại Singapore. Chúng tôi nhìn nhận về câu chuyện hậu Covid-19 cũng tương tự như diễn biến thị trường sau dịch SARS (ghi nhận sự lớn mạnh của các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến). Thực ra, chúng tôi đã chuẩn bị từ 1 năm trước. App của chúng tôi giúp khách hàng ở bất cứ đâu cũng có thể mua nhà ở Việt Nam. Và các khách hàng sẽ mất phí để kiểm tra dự án, phân tích đầu tư cho các dự án về lợi nhuận, khả năng tăng giá”, ông Kiểm cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản