FLC triển khai 3 dự án BĐS tổng đầu tư 6.000 tỷ đồng
- 15/01/2015 14:00
 
TIN LIÊN QUAN

Chiến lược tăng quỹ dự án bằng M&A của FLC không chỉ giúp Tập đoàn tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần đánh thức một phần tài nguyên đất đai bị lãng phí nhiều năm. Với hàng ngàn dự án bất động sản đang bị treo nhiều năm qua, các thương vụ M&A BĐS có thể là lời giải bài toán tối ưu hóa nguồn tài nguyên này.

FLC triển khai 3 dự án BĐS tổng đầu tư 6.000 tỷ đồng
Phối cảnh Dự án FLC Complex 36 Phạm Hùng

Hàng trăm ngàn tỷ đồng bị bỏ quên

Những ngày vừa qua, thị trường bất động sản nói riêng, dư luận cả nước nói chung xôn xao với thông tin bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) bị bắt.

Bỏ qua những thông tin liên quan đến lùm xùm về tài chính, điều mà người ta dễ dàng nhìn thấy, nhất là những dự án bị bỏ dở cả chục năm một lần nữa khiến dư luận bức xúc.

Nhưng câu chuyện của Housing Group không phải là cá biệt. Khắp Hà Nội, TP. HCM, không ít doanh nghiệp bất động sản lừng lẫy một thời cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Càng nhiều dự án triển khai dở dang trước năm 2011 mà chưa kịp mở bán, thì nhiều chủ đầu tư, doanh nghiệp càng có nguy cơ rơi vào bế tắc.

Ngay Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS), một doanh nghiệp ngôi sao một thời, với dự án nổi tiếng là Nam An Khánh, mấy năm nay cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Dự án Nam An Khánh được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ cho cổ đông, nhưng trái với kỳ vọng, đến nay, tức sau 10 năm kể từ thời điểm được chấp thuận cho phép đầu tư và được Tổng công ty Sông Đà phê duyệt (năm 2004), vẫn còn nhiều dang dở. Cuối năm 2014, Sudico chấp nhận nhượng lại một phần dự án này cho đối tác khác.

Trên thực tế, với hàng ngàn dự án triển khai dở dang trên khắp cả nước, không chỉ chủ đầu tư bị thiệt hại về tài chính, mà rộng hơn, nhìn ở góc độ nguồn lực tài nguyên quốc gia, hàng trăm ngàn tỷ đồng giá trị quyền sử dụng đất đang bị bỏ quên. Làm sao để khôi phục, tối ưu hóa nguồn tài nguyên này là câu hỏi không chỉ dành cho chủ đầu tư, mà cũng là nỗi băn khoăn của chính cơ quan quản lý nhà nước.

Nhìn từ cách làm của FLC

Kể từ khi công bố thành công việc mua lại Dự án Alaska Garden City, thông điệp tìm kiếm và mua lại dự án bất động sản bị tồn đọng được Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đưa ra khá mạnh mẽ. Điểm lại hơn 1 năm qua, 3 dự án mà FLC đã hoàn tất thủ tục mua lại có tổng mức đầu tư lên tới 6.000 tỷ đồng, đều là những dự án đã bị tồn đọng lâu năm trước đó.

FLC Star Tower - tên mới của Dự án The Lavender, Hà Đông, Hà Nội, dù nằm ở vị trí đắc địa của quận Hà Đông, dù đã đủ điều kiện mở bán, nhưng sau bao năm, vẫn là dự án dang dở. Tình trạng đó không chỉ gây mất mỹ quan đô thị của khu vực này, mà còn làm lãng phí tài nguyên đất đai - vốn bị giới hạn và có giá không hề thấp. Khởi động lại dự án đã đình trệ lâu, FLC không chỉ có cơ hội tìm kiếm cho mình cơ hội sinh lời, mà ở góc độ khác, đó là một hành động góp phần tối ưu hóa nguồn lực tài nguyên đất của Hà Nội, điều mà chủ đầu tư cũ đã không thể làm được.

Tương tự với FLC Star Tower, FLC Complex 36  Phạm Hùng, trước kia là Ion Complex, sau thời gian dài tồn tại quy hoạch trên giấy, chỉ hơn nửa năm về với FLC đã được Tập đoàn rốt ráo triển khai và chuẩn bị để bán. Vị trí đẹp, nhưng có thể sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nếu dự án không được triển khai và triển khai đúng tầm.

Việc không để “chết” dự án sẽ đồng thời giải quyết được hàng loạt bài toán cho nền kinh tế: tối ưu hóa nguồn lực tài nguyên, tăng thu ngân sách, tăng quỹ nhà ở cho cộng đồng, tăng việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu cho thị trường và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, nếu làm tốt.

Đã từng có ý kiến về việc dừng cấp phép triển khai dự án bất động sản mới, để giải quyết hết các dự án tồn đọng đã có. Tuy nhiên, sẽ là không khả thi, nếu các chủ đầu tư cũ không chấp nhận cắt lỗ, cơ chế không được thông thoáng và quan trọng hơn là các doanh nghiệp  bất động sản không có tiền, không nhìn thấy cơ hội sinh lời từ các dự án tồn đọng này.

Với hàng ngàn dự án bị bỏ dở như hiện nay, phải chăng các thương vụ M&A bất động sản sẽ là cách giải bài toán tối ưu hóa nguồn lực tài nguyên đất trong chuỗi lợi ích xã hội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản