Định hướng tương lai qua tầm nhìn quy hoạch đô thị miền Trung - Tây Nguyên
Hà Minh - 17/11/2020 19:24
 
Một giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn quy hoạch kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang được tăng tốc khởi động trên cả nước.

Trong bản quy hoạch tổng thể đó, Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên cũng đang định hình chiến lược quy hoạch phù hợp, với mục tiêu hình thành các đô thị hiện đại, thông minh, thân thiện môi trường, tạo lực hấp dẫn thu hút đầu tư.

Quy hoạch với định hướng đa chiều, tầm nhìn chiến lược chính là “vũ khí” cạnh tranh của các địa phương trong Vùng Duyên hải miền Trung.
Quy hoạch với định hướng đa chiều, tầm nhìn chiến lược chính là “vũ khí” cạnh tranh của các địa phương trong Vùng Duyên hải miền Trung.

Quy hoạch theo xu hướng hội nhập

Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương trên cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giao nhiệm vụ lập quy hoạch. Đây đều là các quy hoạch chiến lược tạo khung pháp lý cơ sở cho thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản của các địa phương.

Ở các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, do đặc thù về địa hình có biển, núi và hay bị chia cắt giao thông vào mùa mưa lũ, nên các quyết định phê duyệt cũng có phần khác biệt với nhiều nội dung gợi mở trong công tác quy hoạch, đặc biệt là yếu tố liên kết địa phương, liên kết khu vực và có tính đến yếu tố liên kết quốc tế.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhận định: “Ở giai đoạn phát triển hiện nay, khi xu hướng hội nhập đang được đẩy mạnh, địa phương nào đứng tách biệt, thì sẽ thiệt thòi. Định hướng của Chính phủ chính là sợi dây đưa ra để các địa phương cùng đặt tay vào, tạo nên sức mạnh cộng hưởng và cũng là thể hiện quyết tâm liên kết để cùng nhau phát triển”.

Cũng theo ông Chính, nếu tìm được tiếng nói chung về tầm nhìn quy hoạch, các địa phương sẽ tạo ra nhiều lợi thế, thu hút các nhà đầu tư đến “đánh thức tiềm năng”, biến tiềm năng thành những “năng lượng” tích cực trong thực tế.

Nắm bắt cơ hội, các địa phương Vùng Duyên hải miền Trung cũng đang tiếp cận nhiều nhà tư vấn uy tín trong và ngoài nước để xây dựng quy hoạch chiến lược.

Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Phú Yên đã tiếp cận 2 đơn vị tư vấn quy hoạch của Singapore và Đức để đặt vấn đề tư vấn quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của Phú Yên là xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, bố trí hợp lý không gian để định hướng nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hợp lý các điều kiện bên trong và thu hút nguồn lực từ bên ngoài.

Chia sẻ về nhiệm vụ quy hoạch mà Chính phủ đang giao địa phương thực hiện, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh: “Quy hoạch là một trong những công cụ quản lý nhà nước của tỉnh giúp hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng Duyên hải Nam Trung bộ”.

Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam đều có mặt tiền giáp biển, phía Tây giáp các tỉnh Tây Nguyên với đường biên giới giữa Việt Nam và Lào, Campuchia, Thái Lan. Trong lần tham gia ý kiến tại Hội thảo Quy hoạch Đà Nẵng và vùng kinh tế miền Trung - Tây Nguyên, TS. Vũ Viết Ngoạn đã nhắc đến đặc điểm này và khuyến nghị, trong định hướng quy hoạch, các địa phương nói trên cần đặt ra những yêu cầu khắt khe về bảo đảm tính liên kết hiệu quả thông qua các tuyến hạ tầng giao thông huyết mạch để kết nối với các cửa khẩu quốc tế và điểm cuối xuất khẩu hàng hóa là các cảng biển nước sâu như Kỳ Hà - Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vũng Rô…

Quy hoạch bao quát hướng tới hội nhập cũng được Đà Nẵng đặt kỳ vọng thông qua Đồ án Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ Xây dựng cho ý kiến để trình Chính phủ. Đồ án này do liên danh Công ty Sakae Corporate và Công ty Surbana Jurong (Singapore) tư vấn thực hiện, gồm 2 hợp phần (thiết kế chiến lược phát triển kinh tế và điều chỉnh Quy hoạch chung), được tiến hành theo 2 giai đoạn. Giai đoạn I (2020 - 2025) có kinh phí đầu tư hơn 232.000 tỷ đồng; Giai đoạn II (2025 - 2030) có kinh phí đầu tư hơn 63.000 tỷ đồng.

Định hướng phát triển bền vững hàng trăm năm

TSKH - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, người có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc, chuyên gia quy hoạch kiến trúc quốc gia chia sẻ, tầm nhìn quy hoạch về thực chất là tầm nhìn phát triển, nhưng là phát triển có tính dự báo khoa học, một dự báo có tính khả thi cao. Tầm nhìn quy hoạch là tầm nhìn phát triển dài hạn cho miền đất ấy sống và phát triển bền vững hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm sau. Quy hoạch phát triển cố nhiên phải dựa vào điều kiện tự nhiên, kinh tế và chính trị, văn hóa, sinh thái của nơi đó, nhưng sẽ không đủ và vẫn có nguy cơ sai lầm nếu không có tư duy mới về phát triển của thời đại, không loại bỏ được những sai lầm trong quá khứ.

Nếu tìm được tiếng nói chung về tầm nhìn quy hoạch, các địa phương sẽ tạo ra nhiều lợi thế, thu hút các nhà đầu tư đến “đánh thức tiềm năng”, biến tiềm năng thành những “năng lượng” tích cực trong thực tế.

Cùng bàn về vấn đề này, kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, quy hoạch phát triển sẽ thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào trình độ hiểu biết của con người và trình độ phát triển của khoa học - công nghệ. Vì thế, để đem lại hiệu quả cho thực tiễn phát triển, công tác quy hoạch cần được xem xét thường xuyên và nghiên cứu nghiêm túc. “Có thể nói, tầm nhìn, chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch vừa là nguyên nhân, vừa là bài học sâu sắc, đắt giá cho công tác chỉ đạo, điều hành của chúng ta trong thời gian qua và cả trong tương lai”, ông Vạn nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group - đơn vị chủ sở hữu tổ hợp dự án trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng tại Đà Nẵng, Quảng Nam bày tỏ quan điểm: việc công bố, minh bạch các quy hoạch chiến lược với những định hướng đa chiều, tầm nhìn chiến lược chính là “vũ khí” cạnh tranh của các địa phương trong việc thu hút đầu tư và mang lại lòng tin cho nhà đầu tư.

“Quy hoạch tốt sẽ tạo lòng tin, tâm lý ổn định cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để hiện thực hóa các quy hoạch, vai trò của nhà đầu tư, doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Do đó, các địa phương cần xác định, nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng đột phá”, ông Trường nói.

Trong chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến 2030, tầm nhìn 2050 theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, có rất nhiều lĩnh vực, ngành được quy hoạch, từ quy hoạch đô thị, hạ tầng giao thông, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp… Vì vậy, theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Kinh tế vùng miền Trung được tổ chức hồi tháng 7/2020 tại Đà Nẵng, “nếu không có cái nhìn tổng thể, thì không bao giờ có thể giải quyết được tất cả vấn đề. Vì đây là câu chuyện của quy hoạch, cần sự tham gia của các cấp, các ngành. Các địa phương vùng miền Trung -  Tây Nguyên cần tầm nhìn quy hoạch mạnh mẽ hơn, chủ động, đổi mới tư duy và có tầm nhìn chiến lược…”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản