Dấu ấn cổng nhà!
Sao có những người chỉ quan tâm và chú trọng tới cổng của căn nhà? Đó là bệnh hình thức hay thực sự là dấu ấn?

1. 

Bữa rồi tôi nhận được vài tấm hình của cô em đồng nghiệp xưa. Cô và mấy đứa con đứng tạo dáng đủ các tư thế ngoài cổng của căn nhà cũ.

Nhà ấy, là nơi mà cô và ông anh trai đã sinh ra và lớn lên. Căn nhà phố ở một tỉnh nhỏ, thưa thớt người qua lại. Cả tuổi thơ của cô gắn bó với căn nhà này.

Sau nhiều năm tu nghiệp ở nước ngoài, Sài Gòn là chốn nương thân gần nhất. Cha mẹ vì muốn ở gần con cháu nên cũng bán nhà để sum họp vui vầy. Nhà đã cũ, đường trước nhà cũng đã xuống cấp, đặc biệt cánh cổng đã lên màu thời gian. Nhưng mọi thứ đều vẫn thân thuộc. Mà tất cả những điều thân thuộc thì vô cùng đẹp.

Vậy nên, sau khoảng thời gian xa cách, quay trở về quê nhà, cô em ngay lập tức dắt các con về lại căn nhà cũ, chụp hình ngoài cổng. Cô kể, khi nhìn thấy tấm biển số nhà, thì không kìm được nước mắt. Vì rất may rằng người chủ mới vẫn để y nguyên như xưa, không hề thay đổi bảng mới.

Lập tức, cô nhớ lại tất cả những kỷ niệm ngày trước, từ hồi nẳm hồi nằm khi đi học thời tiểu học, sáng đã ăn chiếc bánh mỳ chà bông rồi mà tới gần 12h trưa đi bộ về nhà bụng đói meo tới mức hoa mắt chóng mặt luôn. Vừa ăn xong liền tù tì mấy chén cơm, là lên giường nằm thở dốc trong sự sợ hãi của cả nhà.

Cô còn nhớ ở tuổi cập kê, có anh bạn hơn vài tuổi ở phố gần nhà rất để ý. Anh đứng trước cổng nhà chờ mãi, cô ra gặp mới trao đổi được vài ba câu thì cha mẹ cứ gọi ời ời kêu vô. Cả mấy năm sau cô còn cảm thấy áy náy vì vẫn chưa trả nợ cho anh một lời chào. Và từ đó, sự rung động đầu đời cũng đi luôn.

Cánh cổng nhà như minh chứng cho cả câu chuyện cô và ông anh ruột đã từng nổi loạn trốn nhà đi chơi nguyên ngày. Tưởng đi đâu xa lắm, hóa ra là 2 anh em đi bắt ốc ở ngoài hồ gần trường học. Được cả rổ ốc rồi thì kéo nhau qua nhà bạn luộc ăn. Trời sập tối rồi mới bắt đầu biết sợ đòn roi của cha mẹ.

Về tới cổng nhà, 2 anh em cứ đùn đẩy nhau mãi, không đứa nào dám bước tới bấm chuông cổng. May lúc đó có khách tới thăm nhà, chứ không thì chắc đứng phạt bị muỗi cắn bầm tay chân.

Những cảm xúc ấy của cô em, vẹn nguyên trong từng lời kể. Vài tấm hình cô chụp cùng các con ngoài cánh cổng, nhìn “background” thường lắm nhưng với người trong cuộc thì chẳng thường chút nào. Nơi đó, là cả quãng đời tươi đẹp của những người đã từng sống trong căn nhà. Hoàn toàn chỉ đi xa hẳn rồi, người ta mới biết nâng niu điều đã cũ.

2.

Tôi có anh bạn chuyên nghề làm cổng đúc nhôm. Anh bị bệnh nghề nghiệp, đi đâu cũng nhìn vào cánh cổng của các ngôi nhà ven đường. Có lần tôi đi quá giang xe anh từ Long Thành về Sài Gòn, nếu với tốc độ của xe hơi, thì chỉ cần 1 tiếng đồng hồ đã có mặt ở chợ Bến Thành rồi. Nhưng chuyến xe của chúng tôi phải mất cả gần 2 tiếng.

Anh đi đâu cũng ngắm cổng nhà người khác. Và tiện thể, cũng khoe luôn các cánh cổng là sản phẩm của công ty anh ở dọc đường đi. Những cánh cổng rất giống nhau, nhìn hoành tráng, bóng loáng, màu vàng, thể hiện bên trong là các căn villa, biệt thự. Trông giàu có sang trọng lắm, nhưng quả thật là tôi thấy chẳng có gì phải chú ý. Những người chú ý, tôi nghĩ hoặc là người không thích quan sát, hoặc là những tên trộm!

Có lần, tôi được vào 1 căn nhà người quen với cách rất đặc biệt. Anh vốn là dân kinh doanh xe đạp điện, nhưng tâm hồn cũng có chút nghệ sĩ tính. Anh làm căn nhà có cánh cổng bằng gỗ, bên ngoài là miếng đồng để đập cửa gọi chủ nhân mỗi khi khách tới.

Cánh cổng đã cũ, để thô, chỉ đánh verni nhưng có lẽ thời gian cũng quá lâu rồi nên lợt hết. Chỉ đơn thuần là màu sậm của gỗ, bạc đi vì mưa nắng ngoài trời. Nhưng cánh cổng ấy đẹp quá. Sự đơn giản luôn tồn tại vĩnh cửu.

Có những điều hết sức giản đơn mà đôi khi chúng ta chỉ nhớ lại được khi người khác khơi gợi. Và tiền bạc thậm chí không quyết định được phong cách và dấu ấn cho ngôi nhà, kể cả những căn villa sang trọng và lộng lẫy trên đường…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản