Đánh thuế nhà đất đối với phần giá trị vượt 700 triệu đồng: "Một đề xuất nguy hiểm"
Hữu Tuấn - 18/04/2018 07:46
 
Đa phần ý kiến không ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính tại Dự án Luật Thuế tài sản về việc đánh thuế với mọi chủ sở hữu nhà đất, gồm căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh..., với mức 0,3-0,4%/năm cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng.

“Một đề xuất nguy hiểm”!

Đó là nhận xét của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn cầu (GP Invest) về đề xuất nêu trên của Bộ tài chính.

Theo ông Hiệp, nếu đề xuất này được thông qua, chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản. Người dân có tiền cũng không dám mua nhà để đầu tư vì lợi nhuận từ đầu tư địa ốc sẽ chẳng còn đáng kể. Thị trường bất động sản tất yếu sẽ mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và cả những người mua nhà ở thực.

.
.

Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, nếu đánh thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính, sẽ dẫn đến hiện tượng người mua kê khai giá trị nhà mua bán thấp hơn rất nhiều giá trị thật.

“Khi đó, Nhà nước tăng thu được một khoản thuế tài sản, nhưng sẽ không thu được một phần thuế chuyển nhượng trên tổng giá trị căn hộ, một phần thuế thu nhập cá nhân. Vài triệu đồng mỗi tháng thu thêm không đáng kể gì so với số tiền thuế bị thất thu”, ông Quyết phân tích.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), bên cạnh một số mặt tích cực, việc đánh thuế bất động sản ẩn chứa nhiều rủi ro, bất cập. Cụ thể, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế, do người mua nhà vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản; tác động đến mặt bằng giá nhà ở trên thị trường bất động sản theo chiều hướng tăng lên; làm giảm phần nào hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp, dẫn tới khả năng sụt giảm giao dịch.

“Giá nhà tại Việt Nam hiện ở mức cao so với thế giới, nhất là nhà đất tại các đô thị, nhưng thu nhập của người Việt lại thấp hơn so với thu nhập của người dân các nước. Giờ lại đánh thêm thuế bất động sản hằng năm thì không phù hợp. Việc đánh thuế sẽ khiến cơ hội mua nhà của một bộ phận người dân ngày càng xa vời, nguồn cầu sẽ giảm và thị trường khó phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam bình luận.

Không loại trừ người nghèo

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cách tính thuế như đề xuất của Bộ Tài chính khiến hầu như dân thành thị, cả người có thu nhập thấp, người về hưu, gia đình chính sách, thậm chí cả người thất nghiệp, đều phải chịu thuế. Điều này đi ngược với mục đích “điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội” do chính Bộ Tài chính đưa ra.

Theo ông Đức, mức tối thiểu khởi điểm đánh thuế phải là 5 tỷ đồng trở lên, vì 3-4 tỷ đồng vẫn là giá của một căn nhà rất bình thường; 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng là giá nhà của người nghèo. Với nhiều người, đó là tài sản được tích cóp từ nhiều đời hoặc vay mượn mà có. Không ít người có căn nhà để ở, nhưng thu nhập hàng tháng rất thấp, phải sống tằn tiện, thậm chí còn phải trích một phần để trả nợ ngân hàng.

Đồng quan điểm, HoREA cho rằng, đề xuất áp dụng mức thuế suất 0,4% đối với đất ở, đất xây dựng nhà chung cư, nhà ở có giá trị trên 1 tỷ đồng là “có thể chấp nhận được khi so sánh với thuế suất của nhiều nước”. HoREA tán thành việc áp dụng mức thuế suất 1% “đối với đất sử dụng không đúng mục đích; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng”; và áp dụng mức thuế suất 2% “đối với đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế lấn, chiếm”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản