Có nên cấm dịch vụ cho thuê nhà riêng tại địa phương?
Nhã Nam - 29/12/2018 09:04
 
Thị trường dịch vụ cho thuê nhà riêng tại địa phương đang không ngừng phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả ở Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là, có nên cấm dịch vụ này?

Ở châu Á và thật ra là cả trên thế giới, thị trường dịch vụ cho thuê nhà riêng tại địa phương (Local Host Rentals - LHR, còn được gọi là cho thuê nhà riêng trong kỳ nghỉ hay cho thuê ngắn hạn) đang không ngừng phát triển.

Theo số liệu từ Price Waterhouse Cooper, mức tăng trưởng hằng năm của nền kinh tế chia sẻ toàn cầu hiện là 30%, dự kiến vào năm 2025 sẽ đuổi kịp “thị trường cho thuê truyền thống” - vốn được dự báo chỉ tăng thêm 3% mỗi năm.

.
Thị trường dịch vụ cho thuê nhà riêng tại địa phương đang không ngừng phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả ở Việt Nam

Theo Báo cáo Phân tích Thị trường của Skift 2017, trên thế giới, tổng lợi nhuận tính riêng cho phân khúc chia sẻ chỗ ở dự đoán sẽ chạm mốc 169 tỷ USD vào cuối năm nay, tăng nhanh hơn nền kinh tế thế giới nói chung từ hai đến bốn lần.

Thực ra, sự phát triển của phân khúc nhà ở mới này mang lại rất nhiều lợi ích, dẫn đến việc hình thức kinh doanh này tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Lý do xuất phát từ việc đơn giản là vì mọi người đều có nhu cầu sử dụng dịch vụ lưu trú.

Công ty Skift dự đoán rằng, thị trường LHR sẽ đạt 194 tỷ USD vào cuối năm 2020. Cụ thể, thế hệ Millenials (với khoảng 400 triệu người chỉ riêng ở Trung Quốc) sẽ chi 1,4 nghìn tỷ USD cho việc du lịch trong cùng một thời điểm. 74% thế hệ Millennials Mỹ còn sử dụng LHR cho công việc.

Còn theo HomeAway, thị trường LHR đang tăng trưởng nhanh gấp hai đến bốn lần nền kinh tế toàn cầu và các khoản đầu tư đang được đổ vào lĩnh vực này. Cũng tại Trung Quốc, tạp chí Wall Street cho biết, Tujia đã nhận được đầu tư tới 300 triệu USD và Xiaozhu nhận được 270 triệu USD tổng nguồn tiền. Cả hai công ty này hiện đủ điều kiện trở thành kỳ lân châu Á, với giá trị trên 1 tỷ USD.

.
.

Mặc dù nhu cầu gia tăng nhưng vẫn có nhiều hạn chế được đặt ra đối với LHR. Các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ LHR đang vấp phải sư phản đối của những “hàng xóm”, họ phàn nàn tiếng ồn và sự phiền nhiễu của các nhóm khách thuê ngắn ngày.

Hiện Thái Lan xem hình thức thuê nhà này là bất hợp pháp, Singapore đưa nhiều rào cản, còn Đài Loan thì đang tăng sức ép bằng cách phạt tiền trên cả nhà và mặt bằng của các cá nhân cho thuê… Điều này cho thấy, các chính phủ và cộng đồng vẫn còn đang nghi ngờ những lợi ích mà LHR mang lại

Tuy nhiên, theo ông Robert Rosenstein, người đồng sáng lập và Chủ tịch của Agoda Pte. Ltd, việc kìm hãm sự phát triển LHR bằng các biện pháp ngăn cấm là một cách phản ứng thiển cận.

Trong cuốn sách At Home Around the World (tạm dịch “Tổ ấm vòng quanh thế giới”), ông cho rằng, có 4 lợi ích mà mô hình này mang lại cần được xã hội ghi nhận.

Thứ nhất là khách du lịch có nhiều lựa chọn hơn về chỗ ở. Đối với khách du lịch, LHR là một cách để tiết kiệm chi phí. Theo dữ liệu của Agoda, LHR luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của du khách trong các chuyến đi. Các ông bố bà mẹ đi du lịch với con cái đánh giá cao những căn hộ có phòng ngủ riêng, thiết bị tiện nghi như máy giặt và nhà bếp trong khi khách sạn lại không thể đáp ứng được những nhu cầu này. Và sự thật là ngày càng nhiều khách du lịch thích thú với những trải nghiệm bản địa do LHR mang lại.

Thứ hai là chủ nhà có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Thức tế, chủ nhà cũng được hưởng lợi bằng việc có thể kiếm thêm thu nhập. Nghiên cứu cho thấy phần lớn số tiền này dùng để chi trả cho các nhu cầu cơ bản như nâng cấp và cải tạo nhà ở, chi phí thế chấp và cho thuê, chi phí sinh hoạt hàng ngày, việc học hành con cái và tiết kiệm hưu trí.

Thứ ba là cộng đồng cùng hưởng lợi. Dù cộng đồng địa phương là những người thường phản đối LHR, nhưng trên thực tế, họ lại hưởng lợi từ các dịch vụ cho thuê này. LHR mang lại nhiều khách hàng, nhiều nguồn thu du lịch ngoại tệ vì khách hàng sẵn sàng chi tiền cho thực phẩm và đồ uống, mua sắm, việc đi lại di chuyển và giải trí. LHR cũng đồng thời tạo ra việc làm không chỉ cho chủ nhà mà còn cho các nhà cung cấp dịch vụ khác như tiếp tân, dọn phòng, giặt ủi, nấu ăn tại nhà và nhiều loại hình khác.

Điểm cuối cùng ông Robert Rosenstein nhấn mạnh đó là LHR hỗ trợ các thành phố phát triển. Nếu các quy tắc và điều luật cấp phép phù hợp sẽ góp phần gia tăng sự an toàn cho du khách, quản lý thị trường theo cách có lợi cho cộng đồng và cung cấp nguồn thuế giúp đáp ứng nhu cầu dân sinh, từ các dịch vụ cơ bản như cứu hỏa và cảnh sát đến hỗ trợ quảng bá du lịch, hoặc thậm chí thúc đẩy nghệ thuật, giáo dục và nhà ở cho người vô gia cư.

Theo ông Robert Rosenstein thì sự phát triển của LHR không đồng nghĩa với việc dịch vụ khách sạn truyền thống sẽ biến mất hoàn toàn. Cũng giống như dịch vụ chia sẻ phương tiện đi lại như Grab, Uber, Go Việt sẽ góp phần gia tăng nhu cầu sử dụng và lựa chọn dịch vụ cho người dân.

Có thể ngành khách sạn sẽ đối mặt với sự thay đổi trong thị phần khi loại hình dịch vụ mới này càng phát triển, nhưng ngành du lịch và lữ hành nhìn chung sẽ vẫn tiếp tục mở rộng. Sự tăng trưởng của mô hình chia sẻ nơi ở sẽ thúc đẩy nhiều sáng kiến mới, tạo thêm doanh nghiệp và việc làm mới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản