Chủ đầu tư đối thoại cư dân dự án Hòa Bình Green City: Hé lộ nguyên nhân “treo” sổ đỏ
Tú Ân - 08/07/2018 21:54
 
Tại cuộc đối thoại với cư dân dự án Hòa Bình Green City 505 Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chiều hôm nay ngày 8/7/2018, nguyên nhân việc “ách tắc” 4 năm chưa được cấp sổ đỏ tại dự án này đã được hé lộ...

Tại cuộc đối thoại với khoảng hơn 100 cư dân dự án Hòa Bình Green City 505 Minh Khai kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, đích thân ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hoà Bình Group đã trả lời thẳng thắn, rõ ràng những nguyên nhân khiến dự án bị chậm cấp sổ đỏ cũng như các vấn đề mà cư dân quan tâm như thành lập Ban Quản trị, bàn giao phí bảo trì, vướng mắc trong vận hành Dự án…

Theo giải thích của ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, việc cấp sổ đỏ bị chậm trễ là do chưa nhận được các quyết định về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của UBND TP Hà Nội để làm thủ tục đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho dự án.

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hoà Bình Group đối thoại với cư dân Hoà Bình Green City.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hoà Bình Group đối thoại với cư dân Hoà Bình Green City.

Một dự án, nhiều mức thu tiền sử dụng đất!

Theo đó,  ngày 10/10/2012, UBND TP Hà Nội có quyết định về việc cho phép công ty CP nông sản AGREXIM chuyển mục đích sử dụng 17.377m2 đất tại số 505 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu dịch vụ công cộng, thương mại, nhà trẻ kết hợp chung cư cao tầng – Hòa Bình Green City.

Năm 2013, UBND TP có quyết định về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất dự án đầu tư xây dựng dự án Hòa Bình Green City. Tổng số tiền sử dụng đất phải nộp là hơn 322 tỷ đồng.

Văn bản cuối cùng vào tháng 6/2015 do UBND TP ban hành quyết định về việc điều chỉnh khoản 1,2 Điều 1 tại quyết định tháng 12.2014 trên bổ sung khoản 2: “Công ty CP Nông sản Agrenxim có trách nhiệm liên hệ với Sở tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, xác định tiền sử dụng đất và chênh lệch tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung (nếu có) theo quy định”.

Bổ sung khoản 2a, 2b như sau: “Đối với 25.000 m2 sàn tầng hầm 1 và các sàn từ tầng 1 đến tầng 5 của tòa CT01: Nhà nước chưa thu tiền sử dụng đất, chưa tính chi phí đầu tư xây dựng vào chi phí dự án để xác định giá đất… Trường hợp Công ty CP Nông sản Agrexim sử dụng diện tích sàn nêu trên để cho thuê có thu tiền hoặc chuyển nhượng sở hữu, chuyển giao cho thuê cho tổ chức, cá nhân khác thì phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định…”.

Được biết, đến ngày 24/2.2016, tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Hòa Bình Green City được Cục thuế TP xác nhận, chủ đầu tư đã nộp số tiền sửu dụng đất là hơn 129 tỷ đồng.

Lắng nghe phản ánh, băn khoăn của cư dân.
Lắng nghe phản ánh, băn khoăn của cư dân.

“Công ty chúng tôi đã nghiêm túc chấp hành quyết định và đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính đổi với quyết định trên. Tuy nhiên, dù nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ tài chính trên,  Công ty vẫn chưa nhận được quyết định về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của UBND Thành phố để làm thủ tục để nghị Sở Tài nguyên Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân tại Dự án”, ông Đường cho biết.

Được biết, từ 12/2014 đến tháng 2/2015, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã 3 lần có văn bản gửi Hội đồng Thẩm định giá đất về phương án sử dụng giá đất tại 505 Minh Khai và thống nhất phương án thu tiền sử dụng đất là hơn 135 tỷ đồng. Giá trị tiền sử dụng đất trên do đơn vị tư vấn đề xuất là giá trị tiền sử dụng đất đối với dự án theo quy hoạch mới, không tính doanh thu và chi phí đối với diện tích 25.000m2 sàn thương mại dành để miễn phí tiền thuê mặt bằng.

Tuy nhiên, ngày 12/9/2016, đoàn Thanh tra Thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ cấu chi phí, doanh thu của Dự án Hòa Bình Green City. Sau khi tiến hành kiểm tra, đoàn Thanh tra Thành phố đã xác định lại số tiền sử dụng đất phải nộp về ngân sách nhà nước của dự án Hòa Bình Green City là hơn 134 tỷ đồng.

Tiếp đến, ngày 20/10/2016, đoàn Thanh thanh tra Thành phố Hà Nội tiếp tục kiểm tra, rà soát về 25.000m2 sàn thương mại tại Dự án Hòa Bình Green City đã xác định tiền sử dụng đất  đối với phần diện tích 25.000m2 sàn thương mại tại tòa CT-01 là hơn 16 tỷ đồng.

Gần đây nhất, ngày 21/6/2018, Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể TP đã có buổi họp với các đơn vị Sở, cục Thuế và chủ đầu tư về việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung tại dự án Hòa Bình Green City. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nêu ra phương án đề xuất nghĩa vụ tài chính bổ sung chủ đầu tư phải nộp khi điều chỉnh quy hoạch là hơn 13 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, tại buổi họp trên, chủ đầu tư không đồng ý với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung trên. Nguyên nhân là đơn vị tư vấn định giá trị nộp tiền sử dụng đất là 78 triệu đồng/m2 (thời điểm này) thay vì 39 triệu đồng/m2 (thời điểm Quyết định phê duyệt dự án).

Ông Nguyễn Hữu Đường khẳng định, chỉ cần Sở Tài nguyên và Môi trường ban hànhquyết định về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của UBND Thành phố chủ đầu tư sẽ tiến hành ngay các thủ tục để nghị Sở Tài nguyên Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân tại Dự án.

“Chúng tôi rất tiếc vì sự việc bất khả kháng này và khẳng định rằng, chủ đầu tư có trách nhiệm, sẽ quyết liệt, nỗ lực hết sức làm việc với các ban ngành của Hà Nội để sớm giải quyết vấn đề, làm được sổ đỏ cho cư dân sớm nhất có thể”, ông Đường nói.

Cư dân được cung cấp các văn bản và quá trình trầy trật xin cấp sổ đỏ của Chủ đầu tư.
Cư dân được cung cấp các văn bản và quá trình trầy trật xin cấp sổ đỏ của Chủ đầu tư.

 Giải quyết các vướng mắc “tại trận”!

Cũng tại cuộc đối thoại, ông Đường cũng đã trả lời và giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác vận hành toà nhà, thành lập Ban quản trị, chuyển giao Quỹ bảo trì cho cư dân…

Ông cũng chia sẻ rằng, hiện Ban Quản lý Nhà đang thu mức phí 3.900 đồng/m2 cho một dự án có đủ tiện ích. Mức phí này hiện không đủ chi trả nên hiện chủ đầu tư đang phải bù hơn 10 tỷ đồng/năm để dự án hoạt động bình thường như hiện nay.

Đối với vấn đề thành lập Ban quản trị, ông Đường cho biết đã 7 lần có văn bản đề nghị cư dân tổ chức hội nghị Nhà chung cư thành lập Ban Quản trị nhưng vẫn chưa thành, Ban quản trị là do cư dân bầu ra, chủ đầu tư không thể chỉ định được mà chỉ hỗ trợ. Tại cuộc đối thoại, ông Đường đã ngay lập tức đồng ý chi 150 triệu đồng thuê Luật sư tư vấn, tiến hành các thủ tục để tổ chức Hội nghị nhà chung cư một cách sớm nhất.

Đối với vấn đề phí bảo trì của dự án là khoảng 41 tỷ đồng hiện chủ đầu tư đang tạm giữ. Số phí bảo trì này hàng năm được kiểm toán độc lập kiểm tra và có báo cáo đầy đủ.

“Khi thành lập được Ban Quản trị, chúng tôi sẽ bàn giao ngay Quỹ bảo trì chung cư cho Ban Quản trị và cũng bàn giao luôn quyền quản lý, vận hành toà nhà cho Ban Quản trị mới”, ông Đường khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản