Bất động sản công nghiệp “sống khỏe”
Lê Quân - 22/04/2020 10:10
 
Covid-19 đặt thị trường bất động sản công nghiệp trước cơ hội mới từ làn sóng dịch chuyển và mở rộng sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam.
.
Nhu cầu bất động sản công nghiệp vẫn tăng trong quý I/2020.

Giá thuê vẫn tăng

Theo JLL Việt Nam, Covid-19 không làm ảnh hưởng nhiều đến phân khúc bất động sản công nghiệp khu vực phía Bắc. Dù quy trình giao dịch ít nhiều bị đình trệ, nhưng nhu cầu bất động sản phân phúc này vẫn tăng trong quý I/2020.

Nhu cầu thuê đất công nghiệp vẫn ở mức cao nhờ nền tảng hạ tầng công nghiệp ở Việt Nam phát triển khá tốt thời gian qua. Khi Covid-19 bùng phát, việc hạn chế di chuyển giữa các vùng, khu vực, khiến giao dịch bất động sản công nghiệp tạm thời gián đoạn do nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài không thể thăm thực địa và trực tiếp làm việc với chủ đầu tư khu công nghiệp.

Các giao dịch thành công chủ yếu được thực hiện trước khi dịch bùng phát. Tỷ lệ lấp đầy thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc tăng ở mức tương đối, khoảng 200 điểm phần trăm so với quý IV/2019 và đạt 72% tính đến cuối quý I/2020.

Thị trường phía Bắc không ghi nhận khu công nghiệp mới nào đi vào hoạt động trong quý I/2020. Bắc Ninh và Hải Phòng với nguồn cung lớn vẫn đóng vai trò dẫn dắt thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc. Với nền tảng phát triển công nghiệp mạnh những năm qua, đây sẽ là 2 địa phương trọng điểm đón xu hướng các khu công nghiệp mới cùng các giai đoạn mở rộng.

Dù Covid-19 gây ra những khó khăn nhất định đối với việc ra quyết định cũng như hoạt động dịch chuyển sản xuất của nhà đầu tư, nhưng nhiều chủ đầu tư bất động sản công nghiệp vẫn tự tin tăng giá đất trong quý I/2020 với nhiều kỳ vọng vào xu hướng đầu tư sản xuất dài hạn trên thị trường.

Hiện giá đất khu công nghiệp trung bình trong quý I/2020 lên tới 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, mảng nhà xưởng xây sẵn - một lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn giữ giá quanh mức khoảng 4 - 5 USD/m2/tháng và tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.

Với khu vực phía Nam, bất động sản công nghiệp có sự sụt giảm nhẹ. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh, Công ty cổ phần Long Hậu - đơn vị phát triển Khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An) cho biết, việc hạn chế đi lại trên quy mô toàn cầu khiến số lượng khách hàng, nhà đầu tư trực tiếp đến tham quan, tìm hiểu địa điểm đầu tư tại khu công nghiệp giảm so với trước. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng do dự khi đưa ra quyết định đầu tư trong thời điểm nhạy cảm hiện nay.

Song, theo các chuyên gia, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu bất động sản công nghiệp cả nước sẽ mau chóng tăng trưởng vì sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

Mở rộng nhóm khách thuê

Theo bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao bộ phận thương mại của JLL Việt Nam, Việt Nam vẫn là điểm đến đầy hứa hẹn, nhất là sau khi xuất hiện làn sóng dịch chuyển, mở rộng nhà máy bên ngoài Trung Quốc. Với nền tảng hạ tầng phát triển khá tốt, thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc rất có sức hút đối với các nhà sản xuất lớn muốn đa dạng danh mục sản xuất, bên cạnh cơ sở hiện có tại Trung Quốc.

Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 3/2020, Việt Nam có 335 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 97.800 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 66.100 ha. Đã có 260 KCN đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 75,7%, còn 75 KCN đang xây dựng với tổng diện tích khoảng 29.200 ha.

“Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do Covid-19 đã khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp nhận ra nhu cầu cấp bách phải đa dạng hóa doanh mục đầu tư sản xuất khi quá phụ thuộc vào một quốc gia”, bà Trang Bùi nhận định.

Ông Alberto Vettoretti, chuyên gia phân tích Công ty tư vấn doanh nghiệp Dezan Shira & Associates cho rằng, Covid-19 cùng tác động của thương chiến Mỹ - Trung càng đẩy nhanh quá trình dịch chuyển và mở rộng sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam trong bối cảnh chuỗi cung ứng của Việt Nam được cải thiện đáng kể trong những năm qua.

“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh “chiến lược sản xuất Trung Quốc + 1” bằng cách thiết lập các cứ điểm sản xuất mới ngoài Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam là lựa chọn hấp dẫn, giúp các nhà đầu tư đối phó với chi phí sản xuất đang tăng cao tại Trung Quốc và phòng tránh những biến cố, rủi ro khó lường như thương chiến hay dịch bệnh gây ảnh hưởng tiêu cực trên diện rộng”, ông Alberto Vettoretti nói.

Tương tự, ông John Campbell, Trưởng bộ phận bất động sản công nghiệp tại Savills Việt Nam tin tưởng, đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong năm 2020 sẽ vẫn duy trì tốt.

“Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi từ việc xuất khẩu các sản phẩm giá trị thấp, chuyển sang hàng hóa có giá trị cao hơn như các thiết bị công nghệ cao, điện tử, xe cộ và y tế. Các mạng thương mại toàn cầu sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với nhiều đối tác khác nhau, cho phép nhập khẩu đầu vào hoặc hàng hóa trung gian rẻ hơn, từ đó sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Các nhà sản xuất sẽ tăng cường đặt nhà máy ở Việt Nam và bất động sản công nghiệp sẽ mở rộng nhóm khách thuê hơn”, ông John Campbell đánh giá.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản