Xin đừng sớm quên vết thương tín dụng bất động sản
Hà Tâm - 11/03/2016 08:26
 
Từng rơi vào cảnh thua lỗ, thậm chí phá sản vì bất động sản, nhưng việc nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục đổ vốn vào lĩnh vực này đang khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tìm cách hãm phanh.

Thông tin NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng siết tín dụng bất động sản làm nhiều doanh nghiệp bất động sản lo lắng. Theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tín dụng bất động sản bị siết chỉ sau một năm nới lỏng là quá ngắn, gây bất ngờ cho doanh nghiệp.

Trước phản ứng của doanh nghiệp, NHNN vừa chính thức xác nhận, cơ quan này đang lo lắng về tín dụng bất động sản bởi tín dụng lĩnh vực này tăng trưởng quá nhanh. Dẫn ra những con số đáng lo, báo cáo của NHNN cho hay, tính đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 393.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cuối năm 2014. Nếu tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho bất động sản thì tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng cho lĩnh vực bất động sản là 478.000 tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng dư nợ và chiếm 22,2% tổng dư nợ trung, dài hạn.

Đáng lo hơn cả, là dòng vốn trung, dài hạn đang “ngốn” cả tín dụng sản xuất và đẩy rủi ro tín dụng tăng nhanh. Trong năm 2015, tín dụng trung, dài hạn tăng tới 29% và chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng (những năm trước chỉ chiếm hơn 40%), làm gia tăng rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn, đồng thời tạo áp lực lên lãi suất.

NHNN lo ngại nhiều ngân hàng sẽ lao vào vết xe đổ nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài. "Bài học cho hệ thống ngân hàng trong giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2012 vẫn còn đó khi nợ xấu bất động sản vẫn chưa xử lý hết. Do vậy, lúc này cần phải kiểm soát tốt và giữ an toàn cho hệ thống tiền tệ.... Chúng tôi đang xem xét cẩn thận để ban hành Thông tư 36 sửa đổi vào thời điểm thích hợp", Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay.

NHNN cho rằng, trong bối cảnh vốn nhu cầu vốn trung, dài hạn cho sản xuất, đầu tư, kinh doanh rất lớn mà nguồn vốn này lại hạn chế, thì việc ưu tiên dòng vốn hướng vào sản xuất thay vì chỉ đổ vào bất động sản là cần thiết, chứ không phải vốn huy động từ dân chỉ dành riêng cho bất động sản. “Hệ thống các tổ chức tín dụng vừa trải qua thời kỳ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đau đớn, vết thương còn chưa lành, tổn thất chưa khắc phục xong mà một trong những nguyên nhân chính là rủi ro bất động sản. Xin đừng sớm quên”, đại diện NHNN cảnh báo.

Mặc dù vậy, trước lo ngại của dư luận về việc sửa đổi Thông tư 36 sẽ “phanh gấp” tín dụng bất động sản, NHNN khẳng định, việc sửa đổi sẽ không làm  giảm vốn tín dụng ngân hàng cho thị trường bất động sản mà chỉ sàng lọc tốt hơn người vay, chặn bớt thành phần đầu cơ.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN sẽ kiểm soát tín dụng "chảy" vào thị trường một cách đúng liều lượng, không theo kiểu mất kiểm soát như giai đoạn trước và sẽ ban hành Thông tư 36 sửa đổi vào một thời điểm thích hợp. NHNN cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, dòng vốn FDI đổ vào bất động sản có dấu hiệu tăng, đã tới lúc cần thực thi chính sách tín dụng thận trọng và quản lý chặt thị trường bất động sản.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản