Tuyên Quang hoàn thiện hạ tầng, tạo động lực phát triển du lịch, bất động sản
Như Loan - 13/04/2023 15:02
 
Nhiều tuyến giao thông liên kết trong và ngoài tỉnh được nâng cấp, xây mới, tạo"đòn bẩy" đưa nền kinh tế Tuyên Quang phát triển bền vững, là động lực thúc đẩy du lịch và bất động sản phục hồi.

“Cú huých” hạ tầng giao thông

Xác định ''đường thông, kinh tế mở'', tỉnh Tuyên Quang tập trung huy động mọi nguồn lực, ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo hướng liên kết vùng thuận lợi. 

Một trong những dự án trọng điểm tỉnh Tuyên Quang đang triển khai là dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Dự án có tổng chiều dài hơn 40 km, với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Dự kiến thông xe kỹ thuật vào tháng 9/2023, tuyến cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang với mạng lưới giao thông trong khu vực, bao gồm các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ và Hà Nội.

Tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Nguồn ảnh: Google Maps

Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang cũng đang triển khai các bước đầu tư, xây dựng các dự án đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn; dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang; xây dựng cầu Trắng 2 qua sông Phó Đáy, đi khu du lịch Quốc gia đặc biệt Tân Trào; xây dựng cầu qua sông Lô Km71 đường Tuyên Quang - Hà Giang đi xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên; dự án cầu Xuân Vân, đường từ Khu du lịch Suối Khoáng Mỹ Lâm đến quốc lộ 2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ; đồng thời cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chính Minh (đoạn qua địa bàn tỉnh), tiếp tục nâng cấp một số tuyến đường huyện lên đường tỉnh và đường tỉnh lên quốc lộ, là động lực thúc đẩy kinh tế, giao thương, vận tải hàng hóa và du lịch phát triển nhờ liên kết trong, ngoài vùng thuận lợi.

Những dự án này sẽ mang lại cho Tuyên Quang cơ hội phát triển mạnh mẽ kinh tế dịch vụ, từ đó thúc đẩy du lịch và thị trường bất động sản đặc trưng, mang đậm bản sắc địa phương.

“Đòn bẩy” phát triển du lịch từ tiềm năng sẵn có

Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều cảnh sắc hiếm có, Tuyên Quang sở hữu địa hình đặc biệt kiến tạo nên bức tranh non núi hùng vĩ với những cảnh đẹp ngoạn mục của Thác Pác Ban, Động Tiên, hang Bó Ngoặng, núi Dùm, rừng nguyên sinh Tát Kẻ, khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang,...

Không chỉ có tiềm năng du lịch phong phú, Tuyên Quang còn là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc. Vừa là nơi khởi phát, vừa là nơi hội tụ, giao thoa những sắc thái riêng của hơn hai mươi dân tộc miền núi phía Bắc, với những lễ hội và những làn điệu dân ca như: Lễ hội Lồng Tông, hát Then của dân tộc Tày; Lễ Cấp Sắc, hát Páo Dung của dân tộc Dao; Hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan; Lễ hội đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La; Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ;….

Tuyên Quang cũng là nơi còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ, trong đó bia Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia cùng nhiều di tích được xếp hạng quốc gia như: thành Nhà Mạc, Đền Hạ,… Vẻ đẹp của người Tuyên Quang không chỉ dừng ở bề ngoài mà còn ẩn chứa vẻ đẹp bên trong của tâm hồn phong phú, sự chân thành giản dị, sự đằm thắm và lòng hiếu khách.

Nhắc đến Tuyên Quang, không thể không kể đến Tân Trào, nơi được ngợi ca như “Bảo tàng Cách mạng” của cả nước. Không chỉ mang trong mình những giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng và là “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn, khu di tích Quốc gia Tân Trào còn là điểm đến hấp dẫn du khách trong những năm gần đây với những địa danh nổi tiếng như: Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, lán Hang Bòng, thác Dẫng,...

Chỉ riêng năm 2022, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón hơn 750 nghìn lượt khách đến tham quan, chiếm gần 90% tổng lượng du khách đến Tuyên Quang. Trong tương lai, khu di tích Tân Trào hứa hẹn sẽ thu hút lượng du khách nhiều hơn nữa nhờ Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào đến năm 2023 của Chính phủ.

Tân Trào hứa hẹn còn thu hút nhiều du khách hơn nữa nhờ Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030 của Chính phủ. Nguồn ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Song hành cùng những nỗ lực trong công tác đầu tư hạ tầng giao thông và phát triển du lịch tại Tân Trào, Tuyên Quang, nhiều doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ, nhà phát triển bất động sản cũng chung tay cùng chính quyền tỉnh thúc đẩy du lịch, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, 2030 đón khoảng 2,0 triệu lượt khách.

Theo đó, Tập đoàn Flamingo Holding Group gần đây đã khởi công một dự án quy mô trong lòng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Với nỗ lực kết hợp đa dạng loại hình du lịch trong một dự án cao cấp duy nhất, bao gồm: du lịch lịch sử, văn hoá; du lịch tâm linh; du lịch văn hoá cộng đồng; du lịch giải trí, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, chủ đầu tư Flamingo Holding Group đặt kỳ vọng sẽ thay đổi cái nhìn của du khách về vùng đất Tân Trào nói riêng và Tuyên Quang nói chung, đó sẽ là 1 Tân Trào hiện đại hơn, đậm nét hơn, giàu chất liệu du lịch và mang đậm dấu ấn dân tộc, đa màu sắc, đa văn hoá.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản