Trước 30/4 phải giải quyết xong các dự án bất động sản bị ách tắc
Trọng Tín - 22/02/2020 16:59
 
Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi đối thoại trực tiếp với 36 doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.HCM diễn ra vào sáng 22/2.
Một trong 6 Dự án bị ách tắc của Công ty Quốc Cường Gia Lai đang kiến nghị cần sớm được tháo gỡ (ảnh: Việt Dũng)
Một trong 6 dự án bị ách tắc của Công ty Quốc Cường Gia Lai đang kiến nghị cần sớm được tháo gỡ (ảnh: Việt Dũng)

Nhiều doanh nghiệp “kêu cứu”

Tại hội nghị, nhiều đại diện của các doanh nghiệp lớn trên thị trường đã thẳng thắn trình bày những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp mình.

Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland chi nhánh TP.HCM kiến nghị lãnh đạo Thành phố sớm tháo gỡ các vướng mắc tại dự án 30,2ha (P. Bình Khánh, Q. 2). ông Huy cũng đề xuất hai phương án giải quyết đối với những vướng mắc của dự án này.

Phương án thứ nhất là được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công và hoàn thành phần móng, đồng thời bàn giao lại cho cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá với phần chưa triển khai và các hạng mục thương mại dịch vụ. Phương án 2 doanh nghiệp đưa ra là được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.

Còn bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, đề nghị các sở, ngành sớm giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng đối với 6 dự án đang bị ách tắc nhiều tháng qua, trong đó quan trọng nhất là dự án tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Bà Loan cho biết, dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè có diện tích 91 ha đã được UBND Thành phố “chấp thuận đầu tư” từ năm 2017 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án cũng đã được phê duyệt từ tháng 4/2017. Dự án có quỹ đất hỗn hợp, có đất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng đất, nên công ty phải quay về Sở Kế hoạch Đầu tư để làm lại các bước thủ tục từ đầu. Do bất cập của các chính sách công ty Quốc Cường Gia Lai đã mất hơn 3 năm vẫn chưa làm xong thủ tục.

Trong khi đó, Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn khi lập thủ tục đầu tư Dự án nhà ở xã hội tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Hơn 11 tháng nộp hồ sơ nhưng vẫn không giải quyết được.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (ảnh: Trọng Tín)

“Kế hoạch sử dụng đất của dự án Phước Kiển đã được phê duyệt năm 2018, UBND huyện Nhà Bè đang trình xin gia hạn, nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường đã không đưa vào danh sách gia hạn. Thủ tục này, Sở Kế hoạch Đầu tư đang thụ lý, nhưng hiện nay công ty không được gia hạn vì chưa có quyết định chủ trương đầu tư”, bà Loan nói.

Tương tự, đại diện Công ty Cổ phần địa ốc Thảo Điền kiến nghị các cơ quan chức năng xem giải quyết vướng mắc tại dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý (P. Phước Bình, Q. 9). Đại diện công ty này cho biết, dự án được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường đã có văn bản giao đất, Cục Quản lý hoạt động của Bộ Xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở công trình… theo các quyết định này thời gian hoàn thành dự án dự kiến quý II/ 2018 nhưng đến nay công ty vẫn chưa thể triển khai dự án.

“Chúng tôi đã hoàn tất tất cả các thủ tục theo yêu cầu của các cấp, cơ quan có thẩm quyền. Phần đất thực hiện dự án chúng tôi đã quản lý, sử dụng từ năm 1993, nguồn vốn thực hiện dự án là nguồn vốn của công ty và đối tượng phục vụ của dự án là nhà ở xã hội cán bộ công nhân, viên chức, người nghèo… trên địa bàn quận 9 và lân cận”, đại diện công ty này nói và kiến nghị Thành phố sớm có văn bản trả lời có thể tiếp tục hay ngưng triển khai dự án.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành (ảnh: Trọng Tín)
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành (ảnh: Trọng Tín)

Trong khi đó, Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn khi lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Hơn 11 tháng nộp hồ sơ nhưng vẫn không giải quyết được.

“Khu vực Công ty Lê Thành xin lập dự án được quy hoạch chức năng nhà cao tầng, tối đa 15 tầng và mật độ xây dựng 30%. Tuy nhiên hệ số sử dụng đất chỉ cho 2 nên chúng tôi không thể làm được. Trong khi đó, nếu với tầng cao 15 tầng, mật độ xây dựng 30% thì hệ số sử dụng đất phải cho lên 4,5. Chưa kể, theo quy định dự án nhà ở xã hội được phép tăng thêm 50% hệ số sử dụng đất”, ông Thành nói và cho biết, Công ty Lê Thành nhiều lần kiến nghị các sở ngành liên quan tính toán tăng hệ số sử dụng đất lên nhưng chưa được giải quyết, các sở ngành cứ loay hoay chưa tìm ra hướng tháo gỡ về quy hoạch cho dự án.

“Vướng mắc 11 tháng, có thể giải quyết 1 tuần”

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng cần phải tìm ra giải pháp giải quyết những vấn đề tổng thể để làm cơ sở giải quyết cái cụ thể. Những việc thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố sẽ được triển khai và thống nhất thực hiện trong thời gian sớm nhất, còn lại các vấn đề cần xin ý kiến của các Bộ, ngành hoặc Thủ tướng chính phủ trước khi thực hiện sẽ được báo cáo đề nghị xem xét.

Lấy ví dụ cụ thể từ vụ việc của Công ty Lê Thành, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, Các Sở, ngành cần phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để thấy được sự khó khăn của họ mới thấy bức xúc như thế nào. Các doanh nghiệp phải chờ đợi trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, xây dựng.

 Nguyễn Thành Phong đề nghị các Sở, Ngành phải quyết liệt hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các Sở, Ngành phải quyết liệt hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản (ảnh: Trọng Tín)

"Chỉ có chuyện trao đổi chỉ tiêu quy hoạch mà kéo dài gần 1 năm, chuyện đó giải quyết chỉ cần một tuần thôi. Tôi nói đây là sự phối hợp không đồng bộ giữa các sở để giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp. Làm được hay không thì báo cho người ta biết. Doanh nghiệp rất khó khăn. Họ vay ngân hàng làm dự án mà thủ tục kéo dài như thế này càng khó khăn hơn".

Theo ông Phong, đụng đến vấn đề phụ trách thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Nếu các giám đốc Sở bận không đi họp được thì phải yêu cầu người đi họp thay báo cáo lại. Việc này cần chấn chỉnh lại.

"Chúng ta nói được là phải làm được, những việc nhỏ cần sớm giải quyết, giải quyết được hay không cũng cần sớm có câu trả lời cho doanh nghiệp, đồng thời có những bước đi phù hợp với những dự án nhà ở xã hội", ông Phong nói đồng thời khẳng định thêm, việc đẩy nhanh triển khai thực hiện dự án là có lợi cho doanh nghiệp cũng như cho thành phố, không thể kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của thành phố, ảnh hưởng đến nguồn lực kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hướng đến uy tín của phía cơ quan chức năng đối với sự phát triển của thành phố nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Về vấn đề vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp, ông Phong giao cho lãnh đạo UBND Thành phố lập tổ công tác họp hàng tuần. "Trước 30/4 phải giải quyết xong để tháng 6 còn tập trung xử lý vụ Thủ Thiêm. Nếu thời gian trong tuần không có thì tổ công tác phải họp cả thứ 7, chủ nhật", ông Phong nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản