Trúng thầu 13.000 m2 đất đấu giá, Hải Phát quyết xây biệt thự ở Gia Lâm
Tú Ân - 18/12/2017 10:20
 
CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) công bố vừa trúng thầu đất đấu giá có tổng diện tích hơn 13.000 m2 tại thị trấn Trâu Qùy, huyện Gia Lâm, Tp Hà Nội. Dự kiến, Hải Phát sẽ thực hiện xây dựng các khu nhà liền kề, biệt thự trên khu đất để đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019.
Hình ảnh quy hoạch khu đất đấu giá
Hình ảnh quy hoạch khu đất đấu giá

Theo kết quả phiên đấu giá do CTCP Đấu giá Số 5 - Quốc gia phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm tổ chức, Hải Phát trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng tại các ô đất từ TT14 đến TT19, thị trấn Trâu Qùy, huyện Gia Lâm.

Ngoài diện tích đất trúng đấu giá, nhà nước giao 4.395,5 m2 đất để Hải Phát xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật. Sau khi xây dựng xong, chủ đầu tư sẽ bàn giao cho cấp có thẩm quyền để quản lý, duy tu duy trì theo quy định.

Theo quy hoạch của thành phố, khu đất Hải Phát vừa trúng thầu có vị trí nằm ngay cạnh trung tâm hành chính huyện Gia Lâm trong tương lai.

Hiện nay, vị trí khu đất này, ngoài tiếp giáp với khu dân cư thị trấn Trâu Quỳ, còn giáp với khu dân cư Viện chính sách chiến lược và phát triển nông thôn và khu dân cư Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Riêng phía Đông giáp khu quy hoạch công viên cây xanh, hồ điều hoà (hiện trạng là đất canh tác). Xung quanh là các cơ sở y tế, giáo dục gồm Bệnh viện đa khoa Gia Lâm, Trường THCS Trâu Qùy, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, thời gian tới, dự kiến sẽ có thêm một số trung tâm thương tại, văn hóa, tổ hợp thể thao được xây dựng mới tại khu vực này.

Theo Hải Phát, 6 block thấp tầng (từ TT14 đến TT19) công ty vừa trúng thầu sẽ được chia thành 140 ô đất để phân phối cho khách hàng, diện tích mỗi ô từ 85,5 m2 đến 190,5 m2. Các ô đất này đều tiếp xúc với đường khu vực rộng 30 m hoặc đường nhánh có mặt cắt ngang rộng từ 13,5 m - 22 m.

Ảnh 2  Cầu Thanh Trì kết nối Gia Lâm và các quận Nội Thành
 Cầu Thanh Trì kết nối Gia Lâm và các quận Nội Thành

Có thể nói, sau sự trỗi dậy của bất động sản phía Tây Hà Nội, thời gian gần đây, thị trường nhà đất phía Đông cũng có những bước chuyển biến đáng kể. Đặc biệt, khi thông tin về việc xây dựng 4 cây cầu bắc qua sông Hồng được phát đi.

Cụ thể, cuối tháng 9/2017, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thông báo UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai thực hiện dự án xây 4 cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống gồm cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, Cầu Đuống 2 và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Riêng tại khu vực huyện Gia Lâm, thông tin trên là một cú huých lớn khi Gia Lâm đã đặt mục tiêu lên Quận trong các năm tới, như chỉ đạo của Chủ tịch Thành phố hồi đầu 2017.

Trong kế hoạch phát triển toàn diện về kinh tế xã hội, Gia Lâm đã được Thành phố quy hoạch hình thành nhiều công trình, dự án quan trọng trong tương lai.

Theo thông tin được công bố năm 2017, các dự án đáng chú ý có thể kể đến là cụm công nghiệp thực phẩm Hapro do Tổng Công ty Thương mại Hà Nội làm chủ đầu tư ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm với quy mô 32,66 ha.

Bên cạnh cụm công nghiệp là dự án trung tâm thương mại mới tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm có tổng mức đầu tư dự kiến 750 tỷ đồng. Với quy mô là trung tâm thương mại hạng 1, diện tích vào khoảng 3 - 5 ha, dự án được quy hoạch vào mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Một công trình đáng chú ý khác là bến xe có quy mô hơn 100.000 m2 tại xã Cổ Bi. Bến xe khách liên tỉnh phía Đông này dự kiến đảm nhiệm vai trò vận tải hành khách trên các tuyến từ khu vực nội đô đi 6 tỉnh phía Đông và Đông Bắc, gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Đất đai là hình thức tích lũy tài sản truyền thống của người Việt. Tâm lý chuộng đất nền của người Việt, theo các chuyên gia, không chỉ xuất phát từ tính bảo toàn giá trị mà còn do đất nền luôn gắn liền với tiềm năng phát triển trong tương lai.

Cũng bởi vậy, đất nền luôn có một sức hút lớn và được nhiều khách hàng lựa chọn nhờ giá trị sinh lời cao, đặc biệt tại những địa bàn có yếu tố hạ tầng hỗ trợ.

Việc đấu giá thành công khu đất hơn 13.000 m2 tại Thị trấn Trâu Qùy được xem là bước đi đầu của Hải Phát để khai phá thị trường phía Đông và đặc biệt là huyện Gia Lâm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản