TP.HCM “ấp ủ” thành lập khu kinh tế lớn
Lê Quân - 03/09/2022 08:47
 
TP.HCM dự định thành lập một khu kinh tế với diện tích 26.000 ha trên cơ sở diện tích của 4 quận, huyện, trong đó có các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ đi kèm…
Khu công nghiệp Hiệp Phước trong tương lai sẽ là một phần của khu kinh tế phía Nam TP.HCM.  Ảnh: Lê Toàn

Bao trùm 4 quận

Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM đang “ấp ủ” thành lập một khu kinh tế với diện tích rất lớn ở phía Nam. Kế hoạch này đã được đưa vào Dự thảo Đề án định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Khu kinh tế phía Nam TP.HCM dự kiến bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của quận 7 (3.500 ha), huyện Nhà Bè (10.000 ha), một phần huyện Bình Chánh (xã Bình Hưng 1.374 ha, xã Phong Phú 1.870 ha), huyện Cần Giờ (xã Bình Khánh 4.339 ha và một phần diện tích xã An Thới Đông, xã Lý Nhơn dọc sông Soài Rạp khoảng 5.000 ha), không bao gồm Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Trong khu kinh tế rộng lớn này, TP.HCM xác định Khu chế xuất Tân Thuận (300 ha), Khu đô thị Cảng Hiệp Phước (1.354 ha) là phần lõi với cảng biển, cửa khẩu quốc tế, trung tâm logistics của Thành phố. Ngoài các khu công nghiệp, còn có các khu đô thị, dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung ứng dịch vụ, tiện ích công cộng và xã hội cho khu công nghiệp.

Trong bối cảnh TP.HCM đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng ở phía Nam với các dự án đường vành đai 3 và đường vành đai 4, việc thành lập một khu kinh tế là hoàn toàn có cơ sở. Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), nhiều dự án phát triển hạ tầng cho khu công nghiệp và cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác của Thành phố đã và đang được tập trung triển khai đầu tư xây dựng ở phía Nam. Đó là các dự án đầu tư xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh).

Các dự án phát triển giao thông mang tính liên vùng cũng đã được triển khai để kết nối giao thông từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long sang vùng Đông Nam bộ, như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công, dự kiến hoàn thành năm 2023. Đặc biệt, Dự án đường Vành đai 3 đang chuẩn bị đầu tư và đường Vành đai 4 đang lập dự án. Song song với đường bộ là tuyến đường sắt quốc gia kết nối khu vực đô thị cảng Hiệp Phước với vùng Đông Nam bộ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Về giao thông đường thủy, phía Nam TP.HCM có luồng Soài Rạp cho các tàu biển có trọng tải 50.000 tấn ra vào cảng Hiệp Phước thuận tiện, kết hợp với hệ thống sông, rạch trong khu vực huyện Nhà Bè, dễ dàng cho việc giải tỏa hàng hóa tại cảng Hiệp Phước về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, khu vực này còn có các khu đô thị hiện đại là Khu đô thị Nam TP.HCM (quy mô hơn 2.900 ha) với hệ thống đường giao thông nối với các quận nội thành hiện hữu và kết nối với đại lộ Nguyễn Văn Linh rộng 120 m. Tại huyện Cần Giờ, Thành phố đang quy hoạch Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ và phát triển Cảng biển quốc tế nước sâu Gò Da.

Lợi ích cho cả địa phương và nhà đầu tư

Theo phân tích của Hepza trong Đề án Định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040, việc thành lập khu kinh tế lớn sẽ có nhiều lợi ích cho cả nhà đầu tư và địa phương nơi có khu kinh tế.

Đối với nhà đầu tư, khi đầu tư vào khu kinh tế, sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế như miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới (theo Điều 16, Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp).

Đối với TP.HCM, khu kinh tế ở phía Nam hướng ra biển với không gian phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn và năng lực sản xuất tổng hợp (phát triển cả công nghiệp, dịch vụ và đô thị), đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi khu vực ven biển kém phát triển trở thành vùng động lực phát triển kinh tế. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hình thành khu đô thị chất lượng cao.

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, việc thành lập một khu kinh tế lớn tại TP.HCM là rất cần thiết vì muốn đón “đại bàng” đến đầu tư thì cũng phải có nơi để làm tổ.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza cho biết, thời gian qua, một số nhà đầu tư khi tìm hiểu đầu tư vào TP.HCM muốn thuê diện tích đất vài chục héc-ta để đầu tư nhà máy, nhưng Thành phố không có. Do vậy, khi có khu kinh tế diện tích đủ lớn với hạ tầng đồng bộ, Thành phố sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn, từ đó tạo sự đột phá về phát triển kinh tế.

Đây không phải là lần đầu tiên TP.HCM nghiên cứu mô hình khu kinh tế, mà từ năm 2014, thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước đã bắt tay vào nghiên cứu mô hình này. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, hạ tầng khu vực phía Nam của TP.HCM chưa được xây dựng, nên rất khó để thực hiện kế hoạch.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản