Tìm giải pháp cho bộ mặt của đô thị
Khánh Linh - 28/12/2017 08:22
 
Việc tìm kiếm giải pháp cho vật liệu bao phủ bề mặt tòa nhà đang được giới chuyên gia vật liệu và kiến trúc sư đặc biệt quan tâm.
.
Hội thảo quốc tế FAÇADE – THE FACE OF TOWN thu hút 200 đại biểu, là các kiến trúc sư, các nhà phát triển bất động sản và lãnh đạo Bộ Xây dựng tham gia.

Thời của các ý tưởng

Tốc độ đô thị hóa và xu hướng kiến trúc thế giới đang khiến bề mặt nhà cao tầng ở Việt Nam trở nên thô kệch, cần phải thay đổi.

“Khoảng chục năm trước, những tòa nhà gần như rập khuôn kết cấu bao che các tòa nhà khiến Hà Nội trông khá buồn tẻ. Hiện tại, với sự phát triển của công nghệ và xu hướng kiến trúc, nhiều chủ đầu tư đã quan tâm đến bề mặt của tòa nhà, khiến bộ mặt của Hà Nội trở nên hấp dẫn hơn”, ông Nguyễn Đại Minh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và xây dựng (IBST) đặt vấn đề với 200 kiến trúc sư, các nhà phát triển bất động sản và cả các lãnh đạo Bộ Xây Dựng có mặt tại Hội thảo quốc tế FAÇADE – THE FACE OF TOWN do IBST phối hợp với Công ty TID vừa tổ chức tại Hà Nội.

Ông Minh đã nhắc tới một số doanh nghiệp đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, vật liệu mới vào thiết kế, sản xuất, thi công lớp vỏ bao che công trình theo các tiêu chuẩn quốc tế, như Công ty cổ phần TID, Công ty Quân Đạt, Công ty cổ phần Cửa số nhựa châu Âu (Eurowindow)...

Trong đó, hệ vách kính khổ lớn đang được ưa thích, lựa chọn ứng dụng trong nhiều công trình khác nhau.

“Công nghệ hiện tại cho phép các kiến trúc sư có những giải pháp phù hợp cho các điều kiện thời tiết khác biệt của các vùng, miền của Việt Nam. Cùng một hệ vách dựng, nhưng ở Hà Nội sẽ khác với TP.HCM. Điều này sẽ tạo nên sự đa dạng trong các bộ mặt của tòa nhà, cũng là bộ mặt của các thành phố”, ông Chris Bosse, Giám đốc Lave Asia Pacific (Australia) –công ty tư vấn thiết kế quốc tế với mạng lưới văn phòng ở rất nhiều nước như Sydney, Stuttgart và Berlin.

Rào cản với chủ đầu tư

Mặc dù không quá xa lạ với xu hướng phát triển Façade trên thế giới, cũng như ứng dụng các loại vật liệu mới, công nghệ kỹ thuật hiện đại trong thiết kế và thi công lớp vỏ bao che tòa nhà, song bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần TID đang có những băn khoăn không hề nhỏ. Đó là Việt Nam đang thiếu các tiêu chuẩn dành riêng cho hệ thống bao che tòa nhà.

“Khi chúng tôi ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới cho hệ vách dựng của dự án, chúng tôi buộc phải dịch bộ tiêu chuẩn, phải thực hiện các đánh giá vật liệu theo các tiêu chuẩn nước ngoài, nên chi phí sẽ đội lên. Không phải chủ đầu tư nào cũng sẵn sàng bỏ thêm các chi phí này”, bà Minh cho biết.

TID có công ty con là TID FAÇADE, doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ và giải pháp mới trong lĩnh vực thiết kế và thi công hệ mặt dựng, sản phẩm nhôm kính tại Việt Nam. Đây là lý do mà TID phải chọn thực hiện các thiết kế mới, vật liệu mới trong hệ vách dựng ngay tại các dự án cho Công ty làm chủ đầu tư.

Chia sẻ hiện trạng này, ông Nguyễn Đại Minh cho biết, Viện đang nghiên cứu đề xuất bổ sung tiêu chuẩn đánh giá hệ kết cấu bao che công trình để phục vụ công tác quản lý, vì hiện tại, Việt Nam mới có chỉ dẫn chuyên về nghiệm thu hệ thống bao che, còn các hệ kế cấu bao che được thiết kế theo tiêu chuẩn nước ngoài, chủ yếu là Mỹ (AAMA), châu ÂU (EN), ANh (BS), Australia (AS), Singapore (SS).

“Nhu cầu của các doanh nghiệp và đặc biệt là sự tiên phong của các doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới buộc các cơ quan quản lý phải cập nhật các tiêu chuẩn cần thiết. Chúng tôi cũng rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp, chuyên gia để hoàn thiện”, ông Minh đề xuất.

Theo kế hoạch, các đề xuất hoàn thiện bộ tiêu chuẩn chuyên về kết cấu bao che sẽ được IBST trình Bộ Xây dựng vào năm 2018 tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản