Tiền ào ào đổ vào đất nền ven đô
Giá đất nền tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM tăng mạnh sau một thời gian lắng dịu và chưa có dấu hiệu hạ giá. Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư đã tìm đến những khu vực lân cận, nhưng giá đất ở đây cũng không còn mềm như trước.

Giá đất Sài Gòn tăng cao

Ngay sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản phía Nam, nhất là phân khúc đất nền đã hoạt động trở lại một cách sôi động. Các sàn giao dịch nhộn nhịp ngay từ những ngày đầu làm việc.

Chị Linh, phó giám đốc một sàn giao dịch trên đường Quang Trung, quận 9 (TP.HCM) cho biết, phân khúc đất nền tại khu Đông (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) luôn được nhiều người săn đón từ sau Tết đến nay. Công ty lúc nào cũng nhộn nhịp, người ra người vào tìm hiểu tấp nập, nhưng số lượng giao dịch lại không đáng kể.

“Giá đất ở những khu vực này đang ở mức khá cao, người có đất đều muốn giữ lại vì nghĩ nếu bán thì có lời, nhưng đi mua chỗ khác lại phải bỏ thêm tiền. Do đó, có nhiều khách hỏi mua, nhưng lại không có hàng để bán”, chị Linh nói.

Bên cạnh đó, lý giải thêm về vấn đề này, chị Linh cho biết, không phải Công ty không có hàng để bán cho khách, mà yêu cầu của các nhà đầu tư ngày càng cao. Hiện nay, khách hàng chỉ chịu “chi mạnh” với những dự án đã có sổ riêng, giao thông thuận lợi và hạ tầng hoàn thiện. Còn những dự án ở trong hẻm sâu, đường bé, sau khi ký hợp đồng 3 tháng mới có sổ… vẫn khó thu hút khách hàng.

Những đợt mở bán Dự án vùng ven gần đây hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Ảnh: Lê Toàn
Những đợt mở bán dự án vùng ven gần đây hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Ảnh: Lê Toàn

Là người có nhu cầu đi mua đất, anh Tuấn, hiện đang sinh sống tại quận 3 (TP.HCM) chia sẻ, giá đất bây giờ cao quá, nếu dồn hết tiền mua đất thì lại thiếu hụt khoản để xây nhà. Trong khi đó, muốn mua ở một dự án có pháp lý rõ ràng cũng không phải chuyện dễ.

“Tôi đã đi khảo sát các sàn ở khu vực này, nhiều nơi có vị trí đẹp, giao thông thuận tiện, dân cư đông đúc… nhưng hỏi mãi cũng không thấy có ai bán, mà có người bán thì cũng toàn giá trên trời”, anh Tuấn nói.

Hiện tại, giá đất tại một số dự án trên đường Liên Phường, quận 9 (TP.HCM) dao động khoảng từ 32 - 35 triệu đồng/m2, trong khi trước Tết chỉ 25 - 30 triệu đồng/m2. Còn tại khu vực đường số 2, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, giá đất đã lên 46 - 50 triệu đồng/m2, tăng từ 10 - 15% so với thời điểm cuối năm 2017.

Không chỉ dừng lại ở khu vực phía Đông TP.HCM, giá đất tại các quận, huyện phía Tây như quận Bình Tân, Bình Chánh cũng tăng mạnh. Đặc biệt, ngay khu Tên Lửa (quận Bình Tân), đối diện Trung Tâm Thương mại Aeon Mall, giá đất từ 80 - 85 triệu đồng/m2 đã nhảy lên hơn 150 triệu đồng/m2 chỉ trong vòng 4 tháng, hiện đang ở mức 170 - 180 triệu đồng/m2.

Nhà đầu tư tìm đến vùng Giáp Ranh

Với lợi thế giáp ranh với TP.HCM, hạ tầng kết nối đang dần hoàn thiện giúp cho quãng đường di chuyển không còn là rào cản, các nhà đầu tư bất động sản đang dần hướng đến các tỉnh vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Mặc dù mặt bằng giá đất tại đây đã bị đẩy lên đáng kể nhưng vẫn chỉ bằng 20 - 30% so với TP.HCM.

Các công trình hạ tầng này đã và đang từng bước rút ngắn quãng thời gian di chuyển từ TP.HCM về các đô thị vệ tinh lân cận
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Eximrs 

Đơn cử, Dự án Khu đô thị Long Hưng tại địa bàn TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), hơn 1.600 lô đất đã được tiêu thụ bất chấp giá bán đợt sau liên tục leo thang. Nếu giai đoạn đầu, giá mở bán của Dự án Long Hưng chỉ 7,5 triệu đồng/m2, thì hiện tại, giá giao dịch trên trị trường đã tăng lên 17 - 25 triệu đồng/m2.

Tương tự, tại tỉnh Long An, hiện nguồn cung bất động sản cũng không đáp ứng đủ cầu. Nhiều dự án ghi nhận tỷ lệ giao dịch đột phá như Cát Tường Phú Sinh, Cát Tường Phú Nguyên, Cát Tường Phú Nam…

Theo phân tích của giới chuyên môn, vì giá đất ở tỉnh giáp ranh rẻ hơn TP.HCM, nên những dòng vốn từ vài trăm triệu đến trên dưới một tỷ đồng sẽ đổ về đây. Còn tại TP.HCM, đầu tư đất hoặc bất động sản liền thổ đòi hỏi dòng vốn phải từ vài ba tỷ đồng trở lên mới có thể nhập cuộc.

Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Eximrs cho biết, lý do khiến nhà đầu tư từ TP.HCM hướng ra vùng ven trước tiên xuất phát từ giá rẻ, mua làm của đề dành, khi hạ tầng kết nối ngày càng tốt, thì nhà đất ở đây sẽ phát huy được ưu điểm mới là có thể an cư.

Bà Tú phân tích thêm, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được kéo dài qua địa phận Bình Dương và Đồng Nai hay tuyến đường trên cao TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hoặc những tuyến đường được nâng cấp mở rộng từ TP.HCM về hướng Long An đã tạo cú hích đột phá cho thị trường địa ốc tỉnh lẻ.

“Các công trình hạ tầng này đã và đang từng bước rút ngắn quãng thời gian di chuyển từ TP.HCM về các đô thị vệ tinh lân cận. Điều này tạo tiền đề và là sức bật lớn cho việc giãn dân”, CEO Eximrs chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản