Thị trường bất động sản: Thời khắc sôi động
Thị trường bất động sản Việt Nam khép lại năm 2017 với sự chuyển biến tích cực trên mọi phân khúc. Trong năm 2018, với sự phát triển của kinh tế, môi trường kinh doanh được cải thiện..., thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tích cực trên mọi phân khúc

Có thể nói, thị trường nhà ở đang diễn biến khá thuận lợi, theo hướng người mua có nhu cầu ở thực tăng cao, giảm thiểu đầu cơ, thể hiện tính lành mạnh và là dấu hiệu tốt cho sự phát triển thị trường.

Tuy quá trình hình thành của tầng lớp giàu có đang tạo ra cơ hội cho phân khúc trung và cao cấp, nhưng thị trường chung vẫn hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu. Trong năm qua, nhu cầu về nhà ở giá bình dân tiếp tục trên đà tăng nhanh tại các khu vực đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội.

Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam.
Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam.

Trong đó, ở TP.HCM, năm 2017, lượng giao dịch căn hộ đạt trên 47.000 căn, cao hơn năm 2016.  Một trong những lý do giúp phân khúc này chiếm lĩnh thị trường trong năm qua chính là việc các ngân hàng đưa ra nhiều gói vay hấp dẫn đối với người mua nhà. Động thái này sẽ tiếp tục thúc đẩy phân khúc giá rẻ phát triển trong năm 2018 và các năm tới.

Bên cạnh sự tích cực của phân khúc nhà ở, năm qua cũng ghi nhận sự khởi sắc của phân khúc văn phòng với tỷ lệ lấp đầy đạt 95% tại TP.HCM và vẫn tiếp tục tăng lên, đặc biệt là các tòa nhà hạng A. Những khách hàng thuê tiềm năng hàng đầu đều đến từ lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và nhu cầu liên quan đến bất động sản, theo sau đó là những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất.

Phân khúc khách sạn cũng hoạt động ổn định, nhất là ở khu vực Hà Nội, với lượng khách quốc tế tăng trưởng mạnh năm 2016 và năm 2017. Năm 2018, chúng tôi cũng dự đoán rằng, thị trường nghỉ dưỡng sẽ có sự khởi sắc, với sự phát triển sôi động của các mô hình nghỉ mát phức hợp, đặc biệt là Dự án Hoiana - dự án nằm cách khu phố cổ Hội An vài phút đi bộ, hứa hẹn trở thành khu casino lớn nhất Việt Nam khi chính thức hoạt động vào năm 2019.

Chúng ta cũng đang được chứng kiến mối quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư đối với thị trường công nghiệp, không chỉ là phương thức đầu tư trực tiếp vào khu công nghiệp, mà còn tìm kiếm tiềm năng phát triển từ các tài sản công nghiệp đang hoạt động, những cơ hội xây dựng khu nhà máy phù hợp nhu cầu doanh nghiệp, cũng như kho bãi phục vụ hoạt động hậu cần. Savills cũng đã mở rộng đội ngũ nhân sự để phục vụ riêng phân khúc này trong năm 2017.

Savills đặc biệt chú ý đến hiệu suất của phân khúc bất động sản đất nền đã diễn ra như báo cáo dự đoán cuối năm 2016 của chúng tôi, với tỷ lệ hấp thụ rất mạnh nhờ vào việc hoàn thành hạ tầng mới và sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.

M&A: Minh bạch và nhẫn nại

Với bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh trong khi các nơi khác trong khu vực đang dần chậm lại, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục nhận thêm nhiều sự quan tâm đối với tất cả các phân khúc. Trong đó, trọng tâm là phân khúc văn phòng và khách sạn do sự gia tăng vốn đầu tư nước ngoài và bùng nổ du lịch. Sự gia tăng của vốn đầu tư nước ngoài cũng giúp cho loại hình bất động sản công nghiệp và hậu cần (logistics) nhận được sự quan tâm lớn.

Thị trường chung vẫn hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.
Thị trường chung vẫn hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2017, Việt Nam thu hút 35,88 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (cả cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần), tăng 44,4% so với năm 2016; còn lượng vốn FDI giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016.

Về quốc gia và vùng lãnh thổ, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu với 9,11 tỷ USD, tiếp theo là Hàn Quốc với 8,49 tỷ USD, Singapore với 5,3 tỷ USD. Về ngành, bất động sản đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với hơn 3 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký trong năm 2017.

Điều này cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại thị trường bất động sản Việt Nam. Với sự hỗ trợ từ yếu tố chính sách, khung pháp lý rõ ràng hơn, cùng lợi thế cạnh tranh của thị trường, bất động sản Việt Nam đã thu hút dòng vốn lớn từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước trong những năm gần đây.

.

Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Bắc (Trung Hoa), cùng Hồng Kông (Trung Quốc) được xem là những cái tên nổi bật nhất về đầu tư nước ngoài và tất cả đều là thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), chứng minh tầm quan trọng của APEC với Việt Nam.

Các nhà đầu tư này đem tới Việt Nam không chỉ nguồn vốn, mà còn cả chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm toàn cầu của họ. Các dự án đầu tư và phát triển kinh doanh của họ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực.

Các nhà đầu tư Singapore là một trong những nhà đầu tư đầu tiên nhận thấy tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam. Trong đó, CapitaLand đã có mặt tại Việt Nam từ hơn 20 năm nay với nhiều dự án nhà ở, đã thành lập quỹ đầu tư khoảng 500 triệu USD tập trung vào các tài sản thương mại tại Việt Nam và giải ngân vào một trong những thương vụ lớn nhất trong năm nay là nhận chuyển nhượng khu thương mại 0,6 ha tại vị trí đắc địa trong trung tâm TP.HCM để xây dựng dự án phức hợp hạng A đầu tiên của họ tại Việt Nam. Ngoài ra, Keppel Land, một nhà phát triển bất động sản khác của Singapore cũng đã liên tục đưa ra thị trường nhiều dự án thành công trong những năm gần đây.

Trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật Bản, với sự hiện diện lâu năm tại thị trường Việt Nam, cũng đã hoạt động rất tích cực trong thời gian gần đây. Năm 2016, Tập đoàn Creed đã tham gia một thương vụ trị giá khoảng 500 triệu USD, hợp tác với Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia nhằm phát triển dự án khu dân cư quy mô lớn The River City ở quận 7 (TP.HCM). Năm 2017, Creed cùng với An Gia đã mua lại 5 khối chung cư của Dự án La Casa (quận 7, TP.HCM) từ Tập đoàn Vạn Phát Hưng với giá trị khoảng 40 triệu USD.

Hai nhà đầu tư Nhật Bản khác là Nishi Nippon Railroad và Hankyu Realty đã liên doanh với Tập đoàn bất động sản Nam Long nhằm phát triển Dự án Mizuki Park (TP.HCM) với diện tích 26 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 351 triệu USD.

Ngoài ra, AEON Mall, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Nhật Bản đã mở trung tâm thứ 5 tại Việt Nam vào năm 2016 và gần đây vừa tham gia liên doanh với đối tác trong nước là Tập đoàn BIM để phát triển trung tâm thương mại thứ 2 tại Hà Nội với diện tích 16,7 ha.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, điều quan trọng là họ có thể có sự so sánh dễ dàng giữa Việt Nam với các quốc gia khác, từ đó đưa ra quyết định chọn lựa đầu tư vào Việt Nam hay các thị trường khác trong khu vực. Để có thể thực hiện bài toán này dễ dàng, điều mà các nhà đầu tư nước ngoài cần chính là thông tin minh bạch. Đây cũng là lúc mà các công ty dịch vụ hàng đầu như Savills có thể tham gia và hỗ trợ các nhà phát triển nội địa chuẩn bị chiến lược tiếp thị đến các nhà đầu tư nước ngoài một cách rõ ràng, cẩn trọng. Thông qua công tác chuẩn bị - nghiên cứu kỹ lưỡng, các nhà phát triển địa phương sẽ đạt được những thỏa thuận giá cả hấp dẫn hơn cho tài sản của mình và sẽ tăng cao gấp bội cơ hội chốt hợp đồng thành công.

Kinh nghiệm của Savills cho thấy, các chủ đầu tư châu Á đã quen thuộc với bản chất của một thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) mới nổi như Việt Nam. Chẳng hạn, nhiều nhà phát triển Hàn Quốc nhận thấy thị trường Việt Nam giống như thị trường Hàn Quốc cách đây 4 thập niên. Còn những nhà đầu tư Nhật Bản lại bị thu hút bởi yếu tố dân số trẻ của Việt Nam thúc đẩy nhu cầu tăng mạnh, trong hoàn cảnh dân số của quốc gia này đang có tốc độ già hóa nhanh chóng.

Hơn thế nữa, sự phát triển của kinh tế, sự hoàn thiện dần các khung khổ pháp lý, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để thu hút mạnh hơn nữa dòng vốn ngoại, Việt Nam cũng cần có phương hướng rõ ràng, tập trung vận dụng triệt để tiềm năng phát triển ngành du lịch, kinh tế - xã hội từ thị trường quốc tế thông qua sự kiện APEC vừa qua.

Chúng tôi hy vọng rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư, tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, với chính sách rõ ràng và minh bạch để thị trường có thể phát triển bền vững trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản