Thị trường bất động sản: Sàn môi giới khó giữ chân nhân viên
Các doanh nghiệp môi giới bất động sản đang phát triển mạnh về số lượng, nhưng để ổn định nhân lực cho hoạt động môi giới này vẫn là bài toán khó đối với những doanh nghiệp mới.
Môi giới bất động sản là một nghề nhiều thách thức
Môi giới bất động sản là một nghề nhiều thách thức

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2017, Thành phố có TP.HCM có 33.839 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 457.082 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm 41,8% về số doanh nghiệp, với 14.144 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 91.365 tỷ đồng (tăng 97,3% so với cùng kỳ năm trước).

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, chiếm phần lớn là các doanh nghiệp môi giới bất động sản.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng mạnh, đồng nghĩa với việc phải cần một số lượng lớn nhân viên kinh doanh. Tuy nhiên, việc ổn định nhân sự tại các sàn môi giới tới thời điểm này vẫn là bài toán khó.

Để trở thành nhân viên môi giới bất động sản hiện nay không khó, nhiều san đưa ra tiêu chí tiểu người rất đơn giản, thậm chí, có công ty chỉ yêu cầu người xin việc tốt nghiệp phổ thông là được.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Cao Hữu Phi, giám đốc một sàn môi giới đất nền trên địa bàn quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, dù tiêu chí tuyển nhân viên kinh doanh đơn giản như vậy, nhưng công ty lúc nào cũng trong tình trạng thiếu nhân sự. Nguyên nhân là bởi những nhân viên mới do không có kiến thức chuyên môi, chưa có kinh nghiệm, nên khó khăn trong việc tìm khách hàng. Những nhân viên này chỉ làm một thời gian ngắn là nản chí, nên nghỉ việc.

Trong khi đó, đối với những người đã có kinh nghiệm, có sẵn khách hàng và đảm bảo doanh số tốt, thì luôn trong tình trạng “đứng núi này trông núi nọ”. Họ sẵn sàng ra đi nếu công ty gặp khó khăn hoặc công ty khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn.

“Các công ty môi giới bây giờ chỉ ăn nhau ở độ phủ, nguồn hàng chỉ có vậy, mà khách hàng cũng không tăng nhiều. 2-3 công ty cùng chào bán 1 dự án là chuyện thường, công ty nào có nhiều nhân viên thì đồng nghĩa với việc thông tin dự án được khách hàng tiếp cận dễ hơn, khả năng bán hàng nhanh hơn”, ông Phi cho biết.

Với nhiều năm kinh nghiệm làm nghề môi giới địa ốc, anh Lê Quang Vũ, một nhân viên môi giới tại quận 9 (TP.HCM) cho rằng, công việc nào càng nhiều cơ hội, thì thách thức sẽ càng lớn. Nghề môi giới bất động sản không đơn giản như nhiều người nghĩ, mà là một nghề đòi hỏi nhiều kiến thức về kinh tế, thị trường, kỹ năng giao tiếp…

“Những người mới vào nghề cần phải xác định tâm thế làm việc hết mình, xem mình có phù hợp với nghề nghiệp này hay không. Còn những người thấy người ta kiếm tiền dễ quá mà lao vào, sau đó nhìn đâu cũng ngại khó, ngại khổ, thì chắc chắn sẽ thất bại”, anh Vũ cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, để giữ chân nhân viên, hiện các sàn môi giới thường trả mức lương cố định từ 2-4 triệu đồng/tháng (có nơi đã bao gồm chi phí xăng xe và điện thoại), cùng với đó là chế độ chiết khấu, hoa hồng cao, kèm với các chương trình tặng thưởng hấp dẫn vào mỗi chu kỳ bán hàng để buộc các nhân viên phải nổ lực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản