Thị trường bất động sản: Những điểm "nóng" thuộc phân khúc nghỉ dưỡng
Hai năm qua, sự xuất hiện dày đặc cả về số lượng cũng như quy mô của các dự án đã hình thành nhiều “điểm nóng” trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, bên cạnh những địa danh quen thuộc thu hút giới đầu tư như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long…
Phú Quốc, từ hòn đảo hoang sơ, đã nhanh chóng trở thành viên ngọc lấp lánh
Phú Quốc, từ hòn đảo hoang sơ, đã nhanh chóng trở thành viên ngọc lấp lánh

Từ thiên đường nghỉ dưỡng Phú Quốc

Phú Quốc được thiên nhiên ban tặng những bãi biển hoang sơ, hệ thống rừng nguyên sinh phong phú và nắng ấm quanh năm, là nơi lý tưởng cho mô hình du lịch nghỉ dưỡng và là tầm ngắm của nhiều chủ đầu tư trong lĩnh vực này.

Thời gian qua, hàng loạt dự án đua nhau trình làng tại Phú Quốc, góp phần thay đổi bộ mặt của nơi được mệnh danh là đảo Ngọc và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới này.

Theo đánh giá của các đơn vị nghiên cứu thị trường, dù phát triển muộn hơn Đà Nẵng, Vũng Tàu, Khánh Hòa, nhưng Phú Quốc, từ hòn ngọc thô hoang sơ, đã nhanh chóng trở thành viên ngọc lấp lánh, thu hút hàng trăm dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn. Một trong những lý do quan trọng là Chính phủ đã định hướng phát triển Phú Quốc thành đặc khu kinh tế và trung tâm du lịch - dịch vụ lớn của cả nước.

Cùng với đó, hàng loạt công trình hạ tầng nhanh chóng được xây dựng, như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển quốc tế An Thới, trục giao thông chính Bắc - Nam đảo, đường điện cáp ngầm Hà Tiên - Phú Quốc, các tuyến đường vòng quanh đảo, đường nhánh…

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, tính đến hết tháng 9/2016, Phú Quốc đã đón nhận khoảng 250 dự án đăng ký đầu tư đến từ nhiều doanh nghiệp trên cả nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới gần 200.000 tỷ đồng. Trong đó, Vingroup là đơn vị tiên phong với số vốn khổng lồ rót vào Phú Quốc để phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Ngoài Vinpearl Resort Phú Quốc được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, Vingroup còn sở hữu nhiều dự án lớn khác như Vườn thú Safari trị giá 150 triệu USD có quy mô hơn 500 ha, cảng du lịch quốc tế 1.664 tỷ đồng và hệ thống tiện ích, giải trí hiện đại đi kèm là Vinpearl Land, Bệnh viện đa khoa Vinmec.

CEO Group cũng ghi dấu ấn trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc với các dự án tên tuổi như Novotel Phu Quoc Resort đẳng cấp 5 sao, Sonasea Residences, Villas & Resort… Tập đoàn này vừa mở rộng quỹ đất ở “thiên đường nghỉ dưỡng” lên 450 ha bằng cách mua thêm 2 dự án mới có tổng diện tích gần 160 ha.

Là một tên tuổi lớn đang đầu tư vào phía Nam đảo Phú Quốc, Sun Group sở hữu hơn 200 căn hộ Premier Residence Phu Quoc Emerald Bay, 118 khu biệt thự Premier Village Phú Quốc, Khu nghỉ dưỡng JW Marriott có tuyến cáp treo có thể vượt biển tới Hòn Thơm. Khu vực này cũng là nơi BIM Group đang triển khai khách sạn 5 sao Crowne Plaza có 400 phòng trong tổng thể quy mô 157 ha, dự án Sunset Sanato…

…đến Cam Ranh

Cam Ranh cũng là một điểm nóng mới trên thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, với rất nhiều dự án đang được triển khai. Nếu đảo ngọc Phú Quốc có nét đẹp hoang sơ mê hồn, thì Cam Ranh sở hữu vịnh biển rộng tới 100 km2, được đánh giá là vịnh có vẻ đẹp tự nhiên, rất thuận lợi cho du lịch cũng như nghỉ dưỡng.

Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, Khu du lịch có 40 dự án và phân nửa trong số này đã và đang được triển khai. Trong đó, các dự án có quy mô lên tới cả ngàn tỷ đồng có thể kể tên như Movenpick Cam Ranh Resort, Radisson Blu Cam Ranh Resort, Ariyana... Sự phát triển sôi động của Cam Ranh đã thu hút được rất nhiều đơn vị quản lý quốc tế như Accor, Carlson Residor và Mövenpick.

Ngoài các nhà đầu tư trong nước, thời gian qua, Cam Ranh cũng được ghi nhận là điểm đến của đông đảo nhà đầu tư nước ngoài. Nổi bật là quyết định đầu tư hơn 1.890 tỷ đồng từ State Development (Nga), khu nghỉ dưỡng 6 sao của Ngân hàng Emirates NBD (UAE). Đặc biệt, Tập đoàn Park Hyatt đã chọn nơi đây làm điểm đầu tư khách sạn 5 sao thứ ba tại Việt Nam, sau TP.HCM và Đà Nẵng.

Bên cạnh lợi thế tự nhiên sẵn có, tiềm năng phát triển của Cam Ranh đang phát lộ rất nhanh do tác động thuận lợi từ việc Chính phủ thực hiện kế hoạch phát triển nơi đây trở thành hải cảng mở. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã quy hoạch để khu vực này trở thành trung tâm kinh tế mang tầm quốc tế, kết nối đầy đủ hạ tầng đường không, đường bộ và đường biển.

Sự hoàn thiện của các dự án hạ tầng được đánh giá là sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của bán đảo Cam Ranh. Đầu năm 2016, Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh đã chính thức trình Bộ Giao thông - Vận tải Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, với tổng mức đầu tư lên tới 3.395 tỷ đồng, nâng công suất phục vụ từ 1,5 triệu lượt khách/năm lên 2,7 triệu lượt khách/năm. Tương lai, nhà ga sẽ đáp ứng được nhu cầu phục vụ trên 2,5 triệu khách vào năm 2020, 4 triệu khách vào năm 2025 và có khả năng đáp ứng tối đa 6 triệu khách vào năm 2030.

Tương lai sẽ là Hải Phòng?

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hải Phòng bất ngờ được ghi nhận là địa phương thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai cả nước trong năm 2016, sau TP.HCM với tổng vốn đăng ký gần 3 tỷ USD, chủ yếu đầu tư vào các dự án hạ tầng và bất động sản.

Những cam kết cùng với dòng vốn “nóng” từ nước ngoài đang chảy vào thị trường này cho thấy Hải Phòng sẽ có sự phát triển đột phá, đặc biệt là về hạ tầng. Trong thời gian tới, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, cảng biển lớn được đầu tư như 7 cầu cảng tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, với tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng; đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua TP.Hải Phòng theo hình thức PPP, tổng vốn đầu tư 3.250 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Fujita Corporation (Nhật Bản) vừa khởi công dự án 60 triệu USD xây dựng khách sạn 5 sao Nikko, cao 22 tầng, 269 phòng. Đây là 1 trong 3 dự án nằm trong Khu đô thị Water Front City mà tập đoàn này đang đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 230 triệu USD. McKinley Hàn Quốc cũng đã ký kết đầu tư vào Hải Phòng, để triển khai khu nghỉ dưỡng phức hợp và nhà máy điện mặt trời với tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD.

Những cam kết cùng với dòng vốn “nóng” từ nước ngoài đang chảy vào thị trường này cho thấy Hải Phòng sẽ có sự phát triển đột phá, đặc biệt là về hạ tầng.
Nhiều tập đoàn lớn trong nước cũng sẽ đầu tư mạnh vào hạ tầng ở Hải Phòng. Đó là Vingroup và Tân Cảng Sài Gòn sẽ đầu tư Cảng quốc tế ở Lạch Huyện có tổng mức đầu tư 3 tỷ USD, Tập đoàn Phúc Lộc đầu tư nhiều tuyến đường giao thông với tổng vốn đầu tư 14.268 tỷ đồng. Với những động thái trên, cơ hội phát triển thị trường bất động sản trong vài năm tới ở Hải Phòng là rất lớn, đặc biệt là phân khúc cao cấp và nghỉ dưỡng.

Trong khi Vingroup được xem là nhà đầu tư tiên phong, thì Sun Group, FLC, Him Lam, BRG… cũng nhanh chân chẳng kém. Hồi đầu năm, Vingroup đã khởi công xây dựng tòa nhà cao nhất TP.Hải Phòng 45 tầng thuộc Khu đô thị Vinhomes Riva City - Hải Phòng. Ngoài ra, Vingroup đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng một khu vui chơi giải trí trên đảo Vũ Yên quy mô 880 ha và Khu đô thị Vinhomes Riverside Hải Phòng với gần 1.000 căn biệt thự, Bệnh viện Vinmec…

Trong khi đó, FLC sẽ đầu tư 1 quần thể khu du lịch 5.300 tỷ đồng ở Đồ Sơn, Him Lam làm 1 khu nghỉ dưỡng gần 5.000 tỷ đồng ở Hòn Dấu (Đồ Sơn), BRG mở rộng quần thể sân golf 36 lỗ với tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng, Tập đoàn Xuân Thành đầu tư hạ tầng Khu đô thị Bắc sông Cấm trị giá 7.800 tỷ đồng…

Đáng chú ý, trong buổi xúc tiến đầu tư diễn ra mới đây, TP.Hải Phòng đã ký bản ghi nhớ với Tập đoàn Sun Group nhằm triển khai đầu tư vào quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp và vui chơi giải trí ở đảo Cát Bà, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương đang khởi động xây dựng khu đô thị 480 ha, với tổng mức đầu tư đăng ký gần 8.200 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản