Thị trường bất động sản: Khi hàng ế thành... nhà ở xã hội
Hà Quang - 17/08/2017 09:28
 
Bộ Xây dựng vừa đồng ý chuyển mục đích sử dụng 3 tòa nhà thuộc Dự án Nhà ở cho học sinh, sinh viên nằm trên khu đất giá trị tại Pháp Vân (Hà Nội) sang nhà ở xã hội theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội.
.
UBND TP. Hà Nội nêu lý do đang gặp khó khăn về vốn, nên đề nghị Chính phủ cho phép chuyển đổi thành nhà cho người thu nhập thấp để bán, cho thuê, cho thuê mua

Dự án Nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 40.000 m2 trong Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai). Dự án gồm 6 tòa nhà có sức chứa lên tới 22.000 sinh viên, được khởi công tháng 9/2009, với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Tháng 1/2015, 3 tòa nhà của Dự án bắt đầu được đưa vào sử dụng, với giá thuê 205.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, số lượng sinh viên vào ở không nhiều, chỉ khoảng 3.100 người, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 30%. Phần lớn Dự án bị bỏ hoang hoặc bị sử dụng vào mục đích khác.

Đưa ra phương án chuyển mục đích sử dụng một phần ký túc xá sinh viên này, UBND TP. Hà Nội nêu lý do đang gặp khó khăn về vốn, nên đề nghị Chính phủ cho phép chuyển đổi thành nhà cho người thu nhập thấp để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Về phương án này, Bộ Xây dựng cho rằng, hạng mục nhà A2, A3 được chuyển sang nhà ở xã hội để dành cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định trên địa bàn Thành phố. Đối với hạng mục nhà A4 chưa khởi công, có thể xem xét, chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng sang nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua với các đối tượng có thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức... theo phương thức xã hội hóa.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời kỳ 2009, TP. Hà Nội quy hoạch và trích quỹ đất có giá trị tại khu vực Pháp Vân, đồng thời miễn tiền sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội dành cho sinh viên. Đến nay, các trường đại học có chủ trương di rời khỏi trung tâm (Bách Khoa, Thủy Lợi, Kinh tế quốc dân…) đều đã có phân hiệu ở các tỉnh, nên sinh viên ở nội đô giảm.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, UBND TP. Hà Nội phải tuân thủ nguyên tắc việc chuyển đổi từ vốn trái phiếu chính phủ thành vốn xã hội hóa có ưu đãi và phải tính toán cụ thể, làm sao thu hồi được vốn ngân sách đã đầu tư. Thêm vào đó, đối tượng ở sau chuyển đổi là các hộ gia đình, vì vậy hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế, vui chơi giải trí… cần phải được tính toán cho phù hợp.

Thực tế triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô cho thấy, các dự án cho thuê, thuê mua, nhà ở cho sinh viên, công nhân rất ế ẩm. Dự án Nhà ở xã hội Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (huyện Mê Linh) hay Khu nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh còn hàng ngàn căn hộ bỏ trống. Khu chung cư tái định cư Hoàng Cầu (quận Đống Đa) với 4 tòa nhà cơ bản đã hoàn thiện, song số người dân về ở còn khiêm tốn. Chung cư tái định cư 20 tầng với gần 150 căn hộ tại phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng), sau nhiều năm “đắp chiếu”, đến năm 2015 đã tái khởi động, nhưng vẫn chưa được đưa vào sử dụng…
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản