Thanh tra một loạt dự án bất động sản: Ngăn chặn nguy cơ thất thoát “đất vàng”
Hà Quang - 11/05/2017 08:16
 
Bộ Tài chính vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ thanh tra một loạt dự án bất động sản vì nghi ngờ việc xác định tiền sử dụng đất chưa sát giá thị trường.

Hoài nghi nhiều dự án

Bộ Tài chính vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thanh tra một loạt dự án bất động sản, trong đó có Dự án Khu nhà ở thấp tầng tại Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông, Hà Nội), Dự án số 25 - Vũ Ngọc Phan (quận Đống Đa, Hà Nội), Dự án Pandora 53 - Triều Khúc  (quận Thanh Xuân, Hà Nội)...

.
.

Theo Bộ Tài chính, căn cứ vào báo cáo rà soát của Tổng cục Thuế (từ ngày 1/7/2014 đến 30/11/2016), có 60 trường hợp doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cổ phần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Bộ Tài chính cũng chỉ ra, việc định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả doanh nghiệp tư vấn, nhưng không đầy đủ và chưa sát giá thị trường. Chưa kể, việc xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.

Để chấn chỉnh, xử lý các tồn tại, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017. Đồng thời, trình Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư.

.
.

Trước đó, tháng 3/2017, Đoàn thanh tra liên ngành của TP. Hà Nội tổ chức thanh kiểm tra ngẫu nhiên 50 dự án bất động sản và có tới 38 dự án sai phạm về quy hoạch, xây dựng.

Các sai phạm phổ biến là xây dựng vượt số tầng, thông tầng, vượt diện tích xây dựng, vượt diện tích sàn xây dựng so với quy hoạch, thiết kế, giấy phép xây dựng được duyệt; sử dụng sai công năng một số tầng  chung cư, thay đổi cơ cấu căn hộ, chưa hoàn thiện hồ sơ về quy hoạch… dù nhiều dự án đã cho người dân sử dụng trong thời gian dài.

Định giá trị tài sản “có vấn đề”

Báo cáo Chính phủ kết quả kiểm toán năm 2016 với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đầu tháng 2/2017, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc định giá doanh nghiệp nhà nước và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa tại nhiều đơn vị còn thiếu chính xác, chưa phù hợp với quy định hiện hành, làm giảm giá trị tài sản định giá, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước.

Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý vấn đề tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp của 7 đơn vị. Qua kiểm toán, đã xác định vốn nhà nước tăng thêm tại 6 doanh nghiệp theo phương pháp định giá tài sản là hơn 4.625 tỷ đồng.

Một thực tế rất đáng lo ngại  là tình trạng một số doanh nghiệp nhà nước có quỹ đất lớn, vị trí lợi thế cho kinh doanh, nhưng không còn nhu cầu sử dụng, hoặc trong diện phải di dời, đã không trả lại đất cho Nhà nước, mà kêu gọi nhà đầu tư cùng liên doanh, hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp…

Đồng tình với kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quyền thuê đất nhà nước đều có giá trị lợi thế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có quỹ đất lớn, vị trí đắc địa, có lợi thế kinh doanh, phát triển dự án bất động sản…

“Việc không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước đã làm cho giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, hoặc giá khởi điểm khi thoái vốn, không phản ánh đầy đủ giá trị lợi thế, không phản ánh sát giá giao dịch thị trường, tạo kẽ hở để có thể lợi dụng gây thất thoát vốn nhà nước”, Phó thủ tướng lưu ý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản