Tạo thêm dư địa phát triển cho thị trường chứng khoán
 
GDP quý I có dấu hiệu giảm tốc đặt ra yêu cầu cần có các giải pháp mạnh hơn, thúc dòng vốn chảy trong nền kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn để hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế. TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với ĐTCK.
 TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội
TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Câu chuyện phối hợp ra sao trong điều hành thị trường tiền tệ và thị trường tài chính để hỗ trợ TTCK phát triển được nói nhiều, nhưng xem ra chưa mấy hiệu quả, thưa ông?

Thị trường vốn hiện còn yếu, càng đòi hỏi trong chỉ đạo, điều hành phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn phải có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn, để tạo thêm dư địa phát triển cho TTCK.

Một cơ chế điều phối hiệu quả trong chỉ đạo phát triển hai thị trường có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của bản thân các thị trường này, đặc biệt là TTCK. 

Theo ông, mối quan hệ giữa thị trường tiền tệ và TTCK nên như thế nào là cân bằng và hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế, đặt trong bối cảnh quý I, GDP có dấu hiệu giảm tốc?

Theo tôi, cần có các giải pháp để đo lường và phân định tương đối rạch ròi vai trò, chức năng của thị trường tiền tệ và TTCK. Qua đó, phát đi tín hiệu rõ nét rằng, khi doanh nghiệp cần vốn ngắn hạn thì vay ngân hàng thương mại, còn cần vốn trung và dài hạn thì tìm đến TTCK để huy động qua kênh phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu.

Khi nào tách bạch được như vậy, thì sẽ tạo thêm dư địa cho TTCK phát triển và bản thân thị trường tiền tệ cũng hoạt động an toàn hơn.

Điều quan trọng nữa là trong điều hành thị trường tiền tệ cần đảm bảo mặt bằng lãi suất ổn định thấp gắn với chính sách kiểm soát lạm phát. Khi lãi suất duy trì ở mức thấp sẽ kích thích người dân đầu tư vào các kênh khác sao cho hiệu quả hơn, thay vì chủ yếu gửi tiết kiệm. Khi các dòng chảy vốn được luân chuyển nhanh hơn và hiệu quả hơn, sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế vượt qua sự trì trệ và phát triển.

Ông có thể gợi ý một số giải pháp cụ thể để thúc đẩy TTCK, qua đó thu hút hiệu quả hơn nguồn vốn xã hội để đầu tư phát triển như đề xuất của Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại Kỳ họp 11 của Quốc hội đang diễn ra?

Giải pháp quan trọng nhất là phải cải thiện tính minh bạch trên tất cả các khía cạnh về quy định pháp lý, công bố thông tin, sức khỏe tài chính doanh nghiệp... Thị trường minh bạch cao thì mới góp phần chống đầu cơ, lũng đoạn hiệu quả, qua đó giúp NĐT yên tâm đầu tư vào chứng khoán.

Muốn vậy, cần hoàn thiện khung pháp lý theo hướng bổ sung chế tài xử phạt các hành vi vi phạm, các loại tội phạm trên TTCK đủ mạnh, có sức răn đe cao.

Cần cải thiện tính minh bạch trên tất cả các khía cạnh về quy định pháp lý, công bố thông tin, sức khỏe tài chính doanh nghiệp...
Cần cải thiện tính minh bạch trên tất cả các khía cạnh về quy định pháp lý, công bố thông tin, sức khỏe tài chính doanh nghiệp...

Ngoài ra, cần có thêm những giải pháp nào, theo ông?

Điều quan trọng là kinh tế vĩ mô ổn định, lành mạnh. Khi yếu tố nền tảng này được duy trì, cùng với hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện, thì ngay cả khi bối cảnh kinh tế, TTCK thế giới xuất hiện những yếu tố không thuận lợi, TTCK Việt Nam vẫn duy trì được sức phát triển tích cực.

Để hấp dẫn NĐT trong và ngoài nước tham gia thị trường, chất lượng và số lượng hàng hóa cần được cải thiện hơn nữa. Cần quyết liệt hơn trong gắn hoạt động bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp nhà nước với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK.

IPO xong là phải lên sàn chứng khoán ngay, tránh chần chừ như thời gian qua. Những doanh nghiệp không tuân thủ quy định này cần có chế tài xử lý mạnh tay, vừa tạo sức ép cải thiện chất lượng quản trị công ty hậu cổ phần hóa, vừa tạo thêm hàng hóa mới cho NĐT lựa chọn.

Ngoài ra, cần có các công cụ để giúp NĐT, đặc biệt là NĐT lớn, có tổ chức, phòng ngừa rủi ro. Để đáp ứng mong đợi này của giới đầu tư, cần sớm triển khai TTCK phái sinh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản