Sumitomo “tham chiến” theo cách truyền thống
Hà Quang - 15/06/2017 11:17
 
Không thành công với ý tưởng xin cấp đất đầu tư các dự án cao ốc văn phòng và trung tâm tài chính tại TP.HCM từ cuối năm 2013, Sumitomo (Nhật Bản) chọn Dự án Đô thị Nhật Tân - Nội Bài theo kiểu đầu tư truyền thống.

Đầu tư theo quy hoạch

Không chọn “lối đi tắt” như cách của các tập đoàn khác của Nhật Bản như Mitsubishi, Maeda, Creed Group hay Kajima tham gia góp vốn liên doanh hoặc mua lại một phần dự án bất động sản từ doanh nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Sumitomo tham gia thị trường bất động sản Việt Nam qua kế hoạch phát triển hạ tầng, quy hoạch đô thị.

.
Sumitomo bắt tay BRG hợp tác phát triển Dự án Nhật Tân - Nội Bài

Trong lĩnh vực phát triển đô thị tại Việt Nam, Sumitomo là một tên tuổi mới. Lựa chọn phát triển dự án cùng Tập đoàn BRG qua việc lập quy hoạch phân khu chức năng đô thị Nhật Tân - Nội Bài, bài toán đầu tư của Sumitomo trở nên chắc chắn hơn trong bối cảnh trước đó, tập đoàn này đã gặp nhiều trở ngại trong kế hoạch phát triển 2 dự án cao ốc tại TP.HCM, trong đó, một dự án tại khu “đất vàng” Lê Duẩn - Hai Bà Trưng (quận 1) và một dự án tại trung tâm tài chính - thương mại Thủ Thiêm (quận 7, TP.HCM).

Thỏa thuận phát triển đô thị thông minh Nhật Tân - Nội Bài giữa Sumitomo (Nhật Bản) và BRG (Việt Nam) được nhắc lại trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản mới đây là cơ sở quan trọng để dự án này có thể đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.

Theo thỏa thuận với BRG, Sumitomo tham gia nghiên cứu lập quy hoạch phân khu chức năng, hợp tác với nhóm nghiên cứu Nhật Bản để tối ưu hóa quy hoạch tổng thể hiện tại của Dự án Đô thị Nhật Tân - Nội Bài. Dự án đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt Quy hoạch tổng thể do Tập đoàn BRG ứng vốn thực hiện.

Trong năm 2016, lãnh đạo Sumitomo Corporation Asia & Oceania và BRG đã nhiều lần báo cáo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội về chủ trương đầu tư Dự án Đô thị Nhật Tân - Nội Bài với một phần nguồn lực tài chính từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. Nếu được chấp thuận, Sumitomo và BRG sẽ lập kế hoạch thực hiện đầu tư với sự hỗ trợ nguồn vốn từ Chính phủ Nhật Bản để phát triển những kết cấu hạ tầng đô thị chủ chốt như đường bộ, đường sắt đô thị, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, cấp điện, dịch vụ viễn thông...

Cuối năm 2016, Sumitomo tiến thêm một bước khi ký biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh với BRG trong kinh doanh bất động sản, dự án phát triển hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài, dự án khu nông nghiệp công nghệ cao, kinh doanh bán lẻ và các lĩnh vực khác.

Đô thị tầm cỡ châu Á

Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận hợp tác phát triển Dự án Nhật Tân - Nội Bài, ông Masao Sekiuchi, Tổng giám đốc điều hành của Sumitomo Corporation Asia & Oceania bày tỏ sự hài lòng với kế hoạch hợp tác cùng BRG tại dự án này khi cho biết: “Thỏa thuận tạo nền tảng cho sự hợp tác và cho phép 2 bên làm việc chặt chẽ hơn, mang lại sự cộng hưởng mới cũng như tăng thêm giá trị cho cả hai bên”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG bày tỏ tâm huyết: “Tập đoàn BRG đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết cho Dự án quy hoạch đô thị Nhật Tân - Nội Bài, bởi chúng tôi xác định đây là một dự án mang ý nghĩa quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội và đất nước, do đây là khu đô thị thông minh hiện đại tại một khu vực được coi là cửa ngõ của thế giới đến với Thủ đô Hà Nội”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Tập đoàn BRG xác nhận, Dự án Đô thị Nhật Tân - Nội Bài do Sumitomo cùng BRG quy hoạch xây dựng có quy mô lên hơn 4 tỷ USD. “Việc bên nào góp vốn bao nhiêu, triển khai phần việc gì sẽ phải đợi UBND TP. Hà Nội phê duyệt trong những tháng cuối năm 2017. Tuy nhiên, tinh thần hợp tác giữa 2 bên là xây dựng một thành phố thông minh hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á”, đại diện BRG cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản