Sử dụng vật liệu xây dựng xanh: Xu hướng tất yếu
Sử dụng vật liệu thân thiện môi trường hay còn gọi là “vật liệu xanh” trong xây dựng đã và đang trở thành cái đích mà ngành xây dựng cần hướng tới.
Vật liệu xây dựng không nung sẽ trở thành sản phẩm xây chủ đạo. Ảnh: Nguyễn Thành
Vật liệu xây dựng không nung sẽ trở thành sản phẩm xây chủ đạo. Ảnh: Nguyễn Thành

Sự phát triển quá nóng các ngành công nghiệp cũng kéo theo những bất ổn như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, hiệu ứng nhà kính... Trong đó, nhiều tác nhân gây ra những bất ổn trên gắn liền đến ngành xây dựng.

Theo các chuyên gia về vật liệu xây dựng, thoạt đầu nghe các “mắt xích” trên không liên quan đến nhau, nhưng trên thực tế lại có mối quan hệ qua lại vô cùng mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Chẳng hạn, việc sử dụng gạch nung truyền thống trong xây dựng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên đất sét, ô nhiễm môi trường không khí và cây xanh… Thậm chí, nhiều nơi lò gạch nằm gần khu dân cư, gần hoa màu, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, gây chết và chậm phát triển của cây xanh, thảm thực vật trên mặt đất.

Hay tại nước Anh, ngành công nghiệp xây dựng phát thải hơn phân nửa lượng khí CO2 gây biến đổi khí hậu, do sử dụng một lượng quá lớn nhiên liệu hoá thạch cho hoạt động xây cất nhà cửa và các công trình cơ sở hạ tầng.

Do đó, theo các chuyên gia, cần phải có sự thay đổi mang tính cách mạng trong ngành xây dựng để cứu “mẹ trái đất”. Muốn thế, Chính phủ cần phải có các biện pháp, chính sách khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của vật liệu xanh, thân thiện môi trường. Đây là sự phát triển tất yếu của xã hội.

Theo các chuyên gia, sử dụng vật liệu xây dựng xanh giúp giảm lượng điện tiêu thụ, giảm phát thải khí CO2. Bên cạnh đó, sử dụng vật liệu xanh còn giúp tạo một không gian sống tốt hơn cho gia chủ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, TS. Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia trong lĩnh vực sơn xanh cho biết, nếu sống trong một ngôi nhà được xây dựng bằng các vật liệu xanh và ngôi nhà xây dựng theo kiểu truyền thống, chủ nhân sẽ có hai cảm nhận khác nhau của sự sống. Ngôi nhà được xây bằng vật liệu xây dựng xanh kết hợp với sơn xanh mang lại cho gia chủ một môi trường trong lành nhờ sự tác động qua lại của hệ thống sơn xanh, vật liệu xây dựng với môi trường. Thậm chí, sơn tường còn hấp thụ CO2, tạo cho con người sống trong căn nhà đó cảm giác thoải mái, trong lành.

“Vật liệu xanh và công trình xanh đang là xu hướng xuất hiện ở ngành xây dựng Việt Nam mấy năm gần đây. Do chính nhu cầu của thị trường và toàn xã hội, nên chủ đầu tư cũng thay đổi theo, tiến gần đến các vật liệu xây dựng thân thiện. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có thêm những chính sách điều chỉnh để loại vật liệu xây dựng này phổ cập hơn. Bởi còn rất nhiều vướng mắc, trong đó giá cả đang là vấn đề mà người tiêu dùng băn khoăn nhất”, ông Hải nói.

Ông Hải cho biết thêm, các loại vật liệu xanh bắt đầu được sử dụng phổ biến trong ngành xây dựng thế giới phải kể đến sơn sinh thái thân thiện (với hàm lượng hợp chất hữu cơ bay hơi có hại thấp), vật liệu cách nhiệt thân thiện, ngói đất sét, tấm thu năng lượng mặt trời, tấm lợp sản xuất từ sợi hữu cơ cellulose, đèn LED…

Là người tâm huyết với vật liệu xây dựng xanh và thành công ở việc sử dụng tro bay, xỉ than ở các nhà máy nhiệt điện phục vụ trong xây dựng, ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường cho biết: “Vật liệu xây dựng xanh là một xu hướng tất yếu của xã hội, bởi nhiều lợi thế của nó mang lại cho chính môi trường sống của chúng ta.

Từ không khí đến tài nguyên thiên nhiên, thảm thực vật, khoáng sản và tránh tình trạng phá rừng, gây biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn thấy những lợi thế này, vẫn còn không ít doanh nghiệp, cá nhân vì lợi nhuận mà đi ngược với sự phát triển, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Với những trường hợp này, Nhà nước cần có chế tài nghiêm khắc hơn”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản